Trong tỉnh

Thực hiện Nghị định 67 ở Thanh Hóa: Phát sinh nhiều khó khăn, nợ xấu gia tăng

Nghị định 67 của Chính phủ đã hỗ trợ cho nhiều ngư dân vươn khơi bám biển, góp phần phát triển kinh tế biển. Thực hiện Nghị định này, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã ký hợp đồng tín dụng cho vay 652,5 tỷ đồng với chủ tàu 67. Tuy nhiên, đến nay, dự án hỗ trợ ngư dân đóng tàu vươn khơi bám biển theo Nghị định 67 có tỷ lệ nợ xấu đạt gần 225 tỷ đồng.

Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản được ban hành nhằm khuyến khích ngư dân đóng tàu vỏ thép công suất lớn để dần chuyển từ khai thác gần bờ sang khai thác xa bờ, có giá trị kinh tế cao hơn, góp phần phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Đây được xem là hệ thống các chính sách đồng bộ, toàn diện nhất từ trước đến nay để hỗ trợ ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu phục vụ khai thác hải sản xa bờ.

Nghị định 67 đã góp phần phát triển kinh tế biển, giúp nhiều ngư dân vươn khơi bám biển.

Thế nhưng, qua quá trình triển khai thực tế Nghị định 67 đang phát sinh nhiều vướng mắc, cần tháo gỡ để phát huy hiệu quả.

Tại Thanh Hóa, các ngân hàng thương mại đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân được vay vốn đóng mới những con tàu công suất lớn, hiện đại để đánh bắt xa bờ, tiếp tục vươn khơi bám biển. Cụ thể: các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng với 58 chủ tàu, giải ngân 652,5 tỷ đồng, thu nợ được 40,5 tỷ đồng, dư nợ đạt 612,5 tỷ đồng; đồng thời ký hợp đồng cho vay vốn lưu động cho 35 chủ tàu với tổng doanh số cho vay 69 tỷ đồng, dư nợ cho vay 32 tỷ đồng.

Theo số liệu từ Sở NN & PTNT, sau 5 năm thực hiện Nghị định 67 toàn tỉnh đã đóng mới được 58 tàu, với 17 tàu dịch vụ hậu cần, 23 tàu vỏ thép và 35 tàu vỏ gỗ. Đến thời điểm hiện tại, trong tổng số 58 tàu đóng mới theo Nghị định 67 có 10 tàu khai thác hiệu quả, 48 tàu khai thác chưa hiệu quả, chỉ mới hòa vốn hoặc báo lỗ.

Theo tìm hiểu, nguyên nhân dẫn đến việc khai thác chưa hiệu quả là do: ngư dân chưa thành thạo trong quá trình vận hành các trang thiết bị (hệ thống điện, tời, cẩu); máy móc có vấn đề, thường xuyên bị trục trặc khiến thời gian bám biển khai thác bị rút ngắn, thời gian đi lại sửa chữa nhiều lần làm chi phí tăng cao; các chủ tàu chưa chủ động tìm kiếm, mở rộng ngư trường mới… Vì vậy, tình trạng nợ xấu, nợ dai dẳng từ nguồn vốn vay chính là do các tàu cá hoạt động kém hiệu quả.

Tuy nhiên nhiều chủ tàu hoạt động không hiệu quả, khiến nợ xấu gia tăng.

Ngoài ra, nhiều ngư dân coi từ Nghị định 67 là vốn tài trợ không hoàn lại của Chính phủ, dù ngân hàng đã giải thích kỹ trước khi cho vay. Nhiều ngư dân không quan tâm đến hiệu quả của việc đóng tàu, tìm mọi cách để vay vốn, mà không nghĩ đến phương án trả nợ.

Bên cạnh đó, một số chủ tàu vay vốn theo Nghị định 67 vẫn đang khai thác hiệu quả nhưng có thái độ chây ỳ, thiếu trách nhiệm trả nợ ngân hàng, chờ Nhà nước xóa nợ. Toàn tỉnh hiện có gần 30 tàu cá không thực hiện trả nợ cho ngân hàng theo đúng kỳ hạn; trong đó, tập trung nhiều ở các huyện: Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Nga Sơn.

Trong năm 2018, đã thực hiện chuyển đổi 1 chủ tàu dịch vụ hậu cần với giá trị chuyển nhượng là 5,983 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2019 đã trình UBND tỉnh chuyển 1 tàu vỏ thép của ông Đỗ Quang Nam với giá trị chuyển nhượng là 14,960 tỷ đồng cho Công ty CP Công nghiệp thủy sản Nam Thanh, phường Quảng Tiến –TP.Sầm sơn; 1 chủ tàu cá vỏ thép của ông Đậu Văn Tiệp Ngân hàng đã khởi kiện lên Tòa án do chây ỳ trả nợ theo hợp đồng tín dụng.

Để hạn chế nợ xấu các khoản vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu cá tiếp tục phát sinh và tăng cường công tác quản lý tài sản bảo đảm, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Thanh Hóa đã có văn bản báo cáo và đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo chính quyền các cấp, các Sở, ngành có liên quan của tỉnh tích cực phối hợp, hỗ trợ các ngân hàng thương mại trong việc xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ xấu đối với các chủ tàu có khả năng trả nợ nhưng có biểu hiện chây ỳ, không trả nợ theo đúng quy định pháp luật.

Các ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa cũng liên tục tuyên truyền cho các ngư dân hiểu rõ về ý nghĩa, ưu đãi mà các chủ tàu được hưởng theo NĐ 67 và Nghị định số 17/2018/NĐ-CP, đồng thời thực hiện đúng các hợp đồng tín dụng đã ký kết với ngân hàng.

Xét về tầm vĩ mô, chính sách cho vay theo Nghị định 67 chính là động lực cho những ngư dân thực sự muốn vươn khơi bám biển, góp phần phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, nếu không đánh giá lại và tháo gỡ kịp thời những bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện, hệ lụy nợ xấu sẽ ảnh hưởng tới các ngân hàng cũng như nền kinh tế chung.

Tác giả: Thanh Tâm

Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok