Trong tỉnh

Kiểm tra toàn bộ tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 ở Thanh Hoá

Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký công văn chỉ đạo các sở ban ngành liên quan tiến hành kiểm tra, rà soát toàn bộ cơ sở đóng tàu và chất lượng tàu cá đóng theo Nghị định 67 trên địa bàn tỉnh.

Liên quan đến việc ngư dân phản ánh về hàng loạt tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 tại Thanh Hóa liên tục bị hư hỏng, trục trặc nhiều vấn đề trong quá trình hoạt động thời gian gần đây, ngày 18/7, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký công văn gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã ven biển của tỉnh Thanh Hóa, yêu cầu kiểm tra chất lượng tàu cá đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ- CP.

Theo đó, ông Quyền đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã ven biển kiểm tra, rà soát các cơ sở đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định số 67 trên địa bàn tỉnh, đảm bảo đáp ứng các quy định pháp luật có liên quan.

Tiến hành kiểm tra hàng loạt cơ sở đóng tàu và tàu vỏ thép trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Bên cạnh đó, tiến hành kiểm tra chất lượng toàn bộ các tàu cá đóng mới theo Nghị định số 67 số kịp thời phát hiện các trường hợp tàu cá không đảm bảo chất lượng.

Trong trường hợp phát hiện tàu cá không đảm bảo chất lượng do lỗi của cơ sở đóng tàu, chính quyền cần vận động, hướng dẫn các cơ sở đóng tàu chủ động, tích cực làm việc với chủ tàu để nhanh chóng có biện pháp khắc phục.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có công văn hỏa tốc số 7223/VPCP-NN ngày 11/7/2017 về việc chất lượng tàu cá đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP gửi các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố ven biển.

Như ANTT đã đưa tin, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh này hiện có 23 tàu vỏ thép được đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Trong quá trình đưa vào hoạt động, 18/23 tàu đã bộc lộ nhiều dấu hiệu hư hỏng, trục trặc về máy phát điện, cẩu, tời, hầm bảo quản, gãy tăng gông, khai thác không hiệu quả, trong đó có 4 tàu nằm bờ.

Trong đó, điển hình là con tàu mang số hiệu TH-93968-TS (công suất 829 CV, chuyên hành nghề lưới chụp) của ông Nguyễn Duy Muộn (SN 1953), trú tại khối phố Tiến Lợi, phường Quảng Cư, TP Sầm Sơn. Con tàu có tổng vốn đầu tư gần 18 tỷ đồng, đơn vị đóng tàu là Công ty CP Đại Dương, địa chỉ tại xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy (Thái Bình).

Từ khi đưa vào hoạt động vào tháng 10/2016, con tàu vẫn chưa có một ngày vươn khơi trọn vẹn, bởi những lỗi liên tục xảy ra. Cho tới nay, giữa chủ tàu và đại diện đơn vị đóng tàu cùng các đơn vị liên quan vẫn chưa tìm được tiếng nói chung để giải quyết những khúc mắc xung quanh sự cố của con tàu vỏ thép này.

Tác giả: Lương Thị

Nguồn tin: antt.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok