Trong tỉnh

Triển khai Nghị định 67 tại Thanh Hóa: Gian nan tháo gỡ nút thắt!

Ban Chỉ đạo Nghị định 67 tỉnh Thanh Hóa vừa tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả và bàn biện pháp khắc phục hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện…

Đánh giá tổng quan, sau hơn 3 năm triển khai tỉnh Thanh Hóa đã kịp thời chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan tổ chức triển khai đồng bộ các chính sách phát triển thủy sản, đặc biệt là chính sách tín dụng đóng mới tàu cá, tạo điều kiện cho ngư dân trang bị tàu công suất lớn khai thác vùng biển xa.

Nhiều tàu vỏ thép đóng mới theo NĐ 67 hoạt động không hiệu quả trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Việc trang bị thuyền to máy lớn đã giúp ngư dân chủ động hơn trong quá trình khai thác. Tuy nhiên nhìn tổng thể việc triển khai Nghị định 67 đến thời điểm này vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc chưa được giải quyết triệt để, điển hình như: Đầu tư hạ tầng nghề cá, hạ tầng nuôi trồng thủy sản chưa theo kịp sự phát triển của phương tiện đánh bắt; quản lý, vận hành, khai thác các cảng cá, bến cá chuyển biến chậm; công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng cho ngư dân vay vốn đóng tàu, mua ngư cụ chưa sâu sát dẫn đến tình trạng không chấp hành nghĩa vụ trả nợ ngân hàng theo kỳ hạn...

Theo số liệu từ Sở NN-PTNT, toàn tỉnh đã đóng mới được 58 tàu theo NĐ 67, bao gồm 23 tàu vỏ thép và 35 tàu vỏ gỗ. Điều đáng giật mình là chỉ 24 tàu khai thác hiệu quả (7 tàu dịch vụ hậu cần, 17 tàu khai thác thủy sản, chiếm 41,3%), trong khi có đến 21 tàu chỉ hòa vốn (8 tàu DVHC, 13 tàu KTTS), chiếm 36,2%, đặc biệt có đến 13 tàu hoạt động thiếu hiệu quả, thu lỗ (2 tàu DVHC, 11 tàu KTTS), chiếm 22,4%.

Sau khi tìm hiểu, các cơ quan chuyên ngành nhận thấy có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc khai thác thua lỗ: ngư dân chưa thành thạo trong quá trình vận hành các trang thiết bị (hệ thống điện, tời, cẩu); máy móc có vấn đề, thường xuyên bị trục trặc khiến thời gian bám biển khai thác bị rút ngắn (dưới 8 ngày/chuyến); thời gian đi lại sửa chữa nhiều lần làm chi phí tăng cao; các chủ tàu chưa chủ động tìm kiếm, mở rộng ngư trường mới.

Mặc dù 23 tàu vỏ thép trên địa bàn đã phối hợp với các cơ sở đóng, sửa tàu tiến hành khắc phục sự cố. Tuy nhiên không có chủ tàu nào được thụ hưởng chính sách duy tu, sửa chữa định kỳ theo NĐ 67 của Chính phủ bởi chưa hoàn thiện đầy đủ hồ sơ pháp lý cần thiết (thiếu văn bản phối hợp với nhà máy và cơ quan đăng kiểm tàu cá khảo sát, xây dựng các nội dung, hạng mục cần sửa chữa...).

Hoạt động kém hiệu quả là lý do dẫn đến tình trạng nợ vốn vay dai dẳng, đáng quan ngại hơn khi có nhiều trường hợp “tát nước theo mưa” cố tình thoái thác trách nhiệm. Tính đến 31/5/2018, doanh số thu nợ lũy kế của các ngân hàng thương mại mới đạt 28,2 tỷ đồng, có đến 21 tàu cá trả nợ không đúng kỳ hạn, chiếm 36,2%. Trong đó, đứng đầu là huyện Hậu Lộc với 9 tàu; Hoằng Hóa 6 tàu; Sầm Sơn 5 tàu; Tĩnh Gia 1 tàu.

Ảnh: V.K

Tại hội nghị, ngư dân Nguyễn Văn H., chủ tàu TH 92368-TS (xã Quảng Cư, thành phố Sầm Sơn) bộc bạch: “Tàu mới kinh phí đầu tư hơn chục tỷ đồng nhưng thường xuyên bị hư hỏng, năm 2017 gia đình tự bỏ ra khoảng 150 triệu đồng để sửa chữa nhưng chưa được nhận hỗ trợ từ nhà nước, năm 2018 ra khơi 5 chuyến đều bị lỗ. Chúng tôi mong mỏi ngân hàng có kế hoạch giãn nợ trong thời gian này, thực tế tàu thuyền nằm bờ mà vẫn phải trả tiền hằng tháng thì ngư dân không kham nổi”.

Về phía Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Thanh Hóa, Phó Giám đốc Trần Văn Thành bày tỏ quan điểm: “Chúng tôi đã tiến hành cho 38 chủ tàu vay vốn theo NĐ 67 với tổng kinh phí hơn 329 tỷ đồng, dư nợ đến 30/6/2018 là 313,6 tỷ đồng. Thực tế hơn 1 năm qua, nhiều chủ tàu không chấp hành nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi theo cam kết, Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Thanh Hóa phải tiến hành cơ cấu, điều chỉnh kỳ hạn nợ nhưng chủ phương tiện vẫn không thực hiện theo phân kỳ mới, dẫn đến phải chuyển sang nợ quá hạn. Nếu tình hình này không được chấn chỉnh thì việc triển khai Nghị định 67 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sẽ bị ảnh hưởng”.

“Các đơn vị cần tăng cường công tác tuyên truyền để chủ tàu, ngư dân vừa đóng mới phương tiện có trách nhiệm quản lý, sử dụng và chấp hành nghiêm túc trách nhiệm pháp lý, nghĩa vụ trả vốn vay. Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các thành viên Ban chỉ đạo, UBND các huyện, TP ven biển tập trung chỉ đạo, đôn đốc nhằm phát huy hiệu quả của 58 tàu cá được đóng mới. Mặt khác xác định bao nhiêu tàu có thể tiếp tục khai thác, trường hợp các chủ tàu không đủ năng lực, không hợp tác trả nợ, đề nghị các ngân hàng khởi kiện theo quy định của pháp luật” - ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

Tác giả: VIỆT KHÁNH

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok