Trong tỉnh

Thị trấn Hậu Lộc: Dân phải nộp 30 triệu đồng để được tham gia đấu giá đất, đúng hay là sai?

Tòa soạn VNHN nhận được đơn thư phản ánh của 31 gia đình tại Khu 1, thị trấn Hậu Lộc, Thanh Hóa về việc từ năm 2016 đến nay chính quyền thị trấn Hậu Lộc nhiều lần bán đất cho dân nhưng bắt dân phải đóng 30 triệu đồng để làm cơ sở hạ tầng trước khi tham gia đấu giá. Nếu không đóng thì không được tham gia đấu giá và sẽ không được cấp sổ đỏ.

Danh sách 31 hộ dân kí đơn thư phản ánh

Nội dung đơn thư viết: Năm 2016 – 2018, UBND thị trấn Hậu Lộc thông báo mở các đợt đấu thầu (đấu giá – PV) đất ở tại các trục đường trên địa bàn thị trấn. Các hộ dân mua hồ sơ tại UBND thị trấn Hậu Lộc. Trước khi đấu thầu, ngoài các khoản mua hồ sơ, đặt cọc 30 triệu đồng, chúng tôi còn phải đóng 30 triệu (ba mươi triệu đồng) tiền xây dựng cơ sở hạ tầng theo quy định của UBND thị trấn và được ông Trương Văn Khoa là cán bộ kế toán của UBND thị trấn cấp cho một giấy biên nhận tiền. Sau khi trúng thầu, các hộ đem giấy biên nhận về phòng kế toán để lấy biên lai đỏ. Tờ biên lai anh Khoa ghi là Tự nguyện đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng có hộ lại ghi là nộp tiền đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng. Năm 2019, các đợt đấu thầu (đấu giá – PV) tiếp theo cùng trên địa bàn thị trấn, các hộ trúng thầu lại không phải nộp 30 triệu (ba mươi triệu đồng) xây dựng cơ sở hạ tầng. Chúng tôi đã có đơn kiến nghị lần 3 lên UBND thị trấn Hậu Lộc và kiến nghị lên UBND huyện Hậu Lộc.

Được sự chỉ đạo của UBND huyện Hậu Lộc, ngày 13/6/2020 các hộ dân chúng tôi được mời về Hội trường UBND thị trấn Hậu Lộc để đối thoại. Tại buổi làm việc, ông Trương Văn Khoa (nguyên kế toán thị trấn Hậu Lộc) trình bày là các hộ đã có đơn tự nguyện. Chúng tôi (các hộ dân –PV) yêu cầu cho xem Đơn và chụp ảnh làm bằng chứng thì anh Khoa không cho. Ông Hoàng Ngọc Thế (nguyên chủ tịch thị trấn), ông Bùi Văn Sơn (Bí thư thị trấn), ông Vũ Văn Tuấn (nguyên cán bộ địa chính thị trấn) đều khẳng định: Địa phương đã tổ chức Hội nghị UBND thị trấn thu 30 mươi triệu là được sự thống nhất của “3 trực”. Đây là vận động đóng góp có định hướng theo chỉ đạo, ông Sơn khẳng định. Ông Sơn còn nói “cán bộ huyện Hậu Lộc đã trả lời sai cho các hộ dân dẫn đến tình trạng lòng dân bức xúc và khẳng định cấp lãnh đạo chỉ đạo sai thì bị kỉ luật”. Ông cầu xin mọi người dân đừng nghĩ sai.

Đơn "tự nguyện" được UBND thị trấn soạn sẵn (có tờ có dấu, có tờ không có dấu)

Trong buổi đối thoại các cán bộ không trả lời cụ thể đúng trọng tâm câu hỏi của các hộ dân. Chúng tôi không nhất trí việc thị trấn thu 30 triệu đồng xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng lại chuyển thành “tự nguyện” đóng góp. Chúng tôi không được biết và cũng không được thông qua nhưng lại có đơn tự nguyện giả mạo. Đang đối thoại giữa chừng, thì vào lúc 9 giờ 45 phút cùng ngày, chủ tịch UBND thị trấn (ông Trường) tuyên bố buổi làm việc kết thúc. Tất cả cán bộ lãnh đạo nhanh chóng ra khỏi cuộc họp, để lại sự bức xúc của dân chúng tôi. Các hộ dân chúng tôi đến phòng chủ tịch để xin bằng chứng “tự nguyện” nhưng chủ tịch không cho. Chủ tịch trả lời “cái này phải để bàn và nếu dân còn thắc mắc thì kiến nghị lên cấp trên giải quyết”.

Để tìm hiểu rõ nội dung đơn thư phản ánh của công dân, PV VNHN đã có buổi làm việc trực tiếp với ông Bùi Văn Sơn (Bí thư) và Nguyễn Xuân Trường (chủ tịch) thị trấn Hậu Lộc. Khi được hỏi là các anh căn cứ vào quy định hay văn bản chỉ đạo nào để tiến hành thu của dân 30 triệu đồng tiền xây dựng cơ sở hạ tầng? Ông Bùi Văn Sơn cho biết: “Chính theo đề nghị của dân là trước khi tổ chức đấu thầu các mặt bằng là phải có đường điện, làm đường bê tông, hệ thống thoát nước theo quy định. Nếu đưa tất cả vào thì đội giá lên rất cao từ 120 triệu đến 150 triệu. Vì vậy địa phương thống nhất “3 Trực” là vận động nhân dân có định hướng chứ không phải ai muốn đóng thì đóng. Trước khi mua hồ sơ cũng đã đả thông với nhân dân và cho niêm yết.

Nếu các hộ thống nhất cao thì vào tham gia đấu giá mặt bằng. Trước khi tổ chức hội nghị đấu giá thì tập thể lãnh đạo còn làm việc với tất cả các hộ tham gia đấu giá và báo cáo rõ lí do là công trình nọ công trình kia xây dựng hết từng nấy và thu trích một phần bổ sung thêm cùng với ngân sách làm việc đó. Hộ nào vui vẻ thì vào đấu thầu còn không vui vẻ, thấy quá sức thì không tham gia. Hầu hết chúng tôi đều làm theo trình tự. 100% các hộ có cả lãnh đạo huyện, có cả các phòng ban đều thống nhất 100% cả, không có ai có ý kiến nào khác. Thực tế là có một số cán bộ huyện và cán bộ liên quan có vào tham gia đấu thầu, ban đầu thì thống nhất nộp như thế nhưng sau thì khất cán bộ chuyên môn. Đến thời gian sau khi đôn đốc thu mới phát sinh ra việc này. Tôi với tư cách là Bí thư mới rồi Bí thư cũ cùng với đồng chí Trường chủ tịch cũng nhận thiếu sót là công tác đôn đốc để thu các hộ còn lại cũng chưa làm quyết liệt. Ông Sơn còn khẳng định là nếu kiểm tra có vấn đề gì, ai sai đến đâu người đó chịu trách nhiệm chiếu theo quy định nhà nước.

Biên lai thu tiền được ghi nội dung khác nhau

PV đặt câu hỏi: Dân phản ánh rằng nếu họ không đồng ý đóng 30 triệu thì không được tham gia đấu giá, có đúng không? Ông Sơn cho biết: có nói, có trao đổi là mặt bằng đó ai vào tham gia thì phải đóng góp gọi là tự nguyện nhưng tự nguyện có định hướng. PV tiếp tục đặt lại câu hỏi ban đầu là các anh căn cứ vào quy định hay văn bản chỉ đạo nào để thu của dân 30 triệu tiền xây dựng cơ sở hạ tầng trước khi cho đấu giá đất thì ông Sơn cho biết, trên cơ sở xây dựng mặt bằng thôi chứ có căn cứ vào đâu đâu (!)

Vấn đề là nếu chính quyền thị trấn Hậu Lộc thu của dân 30 triệu để xây dưng cơ sở hạ tầng trước khi được tham gia đấu giá mà cả Bí thư Bùi Văn Sơn và Chủ tịch Nguyễn Xuân Trường đều khẳng định là dân “tự nguyện” đóng góp và “tự nguyện” ký vào “Đơn tự nguyện đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng khu đất mới” thì tại sao khi chính bản thân họ muốn được xem tận mắt và chụp lại tờ đơn “tự nguyện” và hóa đơn đóng tiền của chính gia đình mình thì chính quyền lại không cho và nói rằng sợ đưa lên mạng? Tại sao đơn tự nguyện lại do thị trấn tự soạn sẵn mà không phải do người dân tự viết? Tại sao trong các tờ đơn “tự nguyện” có tờ được đóng dấu và có chữ ký của chủ tịch và có tờ lại chỉ có chữ ký của chủ tịch mà không đóng dấu? Tại sao trong các phiếu thu 30 triệu của kế toán lại khác nhau về nội dung đóng góp?

Cần một lời giải đáp có trách nhiệm về những khiếu nại trên đây của người dân từ các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là từ UBND Thị trấn Hậu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

Tác giả: Trung Dung - Đỗ Thanh

Nguồn tin: vietnamhoinhap.vn



BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok