Trong tỉnh

Hàng trăm hộ dân sống khổ bên Cụm công nghiệp núi Vức

Suốt nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân xã Đông Hưng, TP Thanh Hóa (Thanh Hóa) vẫn từng ngày phải sống chung với ô nhiễm bụi bặm, nước thải cũng như tiếng ồn từ hoạt động khai thác và sản xuất đá tại Cụm công nghiệp núi Vức. Dù kiến nghị nhiều lần đến các cơ quan hữu trách, nhưng đến nay vẫn không hề có giải pháp ngăn chặn cũng như giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường(?!).

Cụm công nghiệp núi Vức với nhiều doanh nghiệp hoạt động khai thác, chế biến đá gây ô nhiễm. Ảnh: G.Hân

Sống chung với bụi bặm, tiếng ồn...

Con đường dẫn vào Cụm công nghiệp núi Vức, tình trạng ô nhiễm diễn ra ngay trước mắt chúng tôi. Trên trục đường quốc lộ chạy qua thôn 7, thôn Dân, thôn Nam Hưng, thôn Quang, thôn Thắng Sơn… xã Đông Hưng là sự xuất hiện của hàng loạt các ổ voi, ổ gà liên tiếp dù tuyến đường mới thảm nhựa chưa được bao lâu. Cùng với đó là hàng loạt các xe vận tải “cỡ khủng” mang tên “hổ vồ” lưu thông liên tục trên tuyến đường này...

Một hộ dân thôn Nam Hưng cho biết, con đường dẫn vào Cụm công nghiệp núi Vức trước khi được thảm nhựa là tình trạng xuống cấp trầm trọng. Về mùa mưa thì lầy lội, mùa nắng bụi bay mù mịt. Nay con đường mới được làm lại chưa bao lâu nhưng nhiều vị trí đã xuống cấp nghiêm trọng. Nếu lực lượng chức năng vẫn cứ vắng bóng và không sớm kiểm soát tình trạng xe quá khổ, quá tải trên tuyến đường này thì việc con đường trở lại thảm trạng trước kia đã có dự báo trước. “Các anh coi, ngày nào xe tải trọng lớn cũng chạy qua nườm nượp bụi mù mịt, nhà tôi cũng như nhiều hộ gia đình khác thường xuyên phải tưới nước tránh bụi. Thậm chí, nhiều hộ phải đóng kín cửa để ránh bụi”, hộ này cho hay.

Dọc tuyến, cứ đi được một đoạn chừng vài ba trăm mét, là sự xuất hiện của hàng loạt các cơ sở xẻ đá. Một hộ dân sống gần các xưởng lên tiếng: “Đâu chỉ bụi bặm ô nhiễm mà đến cái lỗ tai cũng không yên vì tiếng ồn ào rầm rầm chát chúa từ máy móc hoạt động. Thương cho lũ trẻ con đang tuổi ăn học, cơ thể phát triển mà phải sống chung với tình cảnh này!”.

Một thực tại trước mắt chúng tôi và ai ai cũng nhìn thấy, đó là do làng nghề quy hoạch thiếu tập trung, nhiều hộ làm nghề nhỏ lẻ hoạt động đan xen trong các khu dân cư. Trong quá trình hoạt động, các loại đá phế phẩm được tập kết tràn làn ra lòng lề đường, nhiều hộ quá trình hoạt động chỉ được che chắn tạm bợ dẫn đến tiếng ồn, bụi bặm...

Một hộ dân thôn 7 nói: “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương về việc di chuyển các hộ kinh doanh đá ra khỏi khu dân cư vào cụm công nghiệp nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết?!”.

Loay hoay tìm giải pháp

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Cụm công nghiệp núi Vức thuộc địa bàn 3 xã Đông Hưng, Đông Quang và Đông Vinh, TP Thanh Hóa với cả trăm doanh nghiệp hoạt động khai thác và chế biến đá. Hầu hết khi hỏi về các thủ tục về bảo vệ môi trường thì các doanh nghiệp này gần như không có. Cụ thể, đối với các mỏ, xưởng sản xuất đều không có bể lắng lọc, xử lý nước thải mà đổ tràn ra môi trường. Trong khi đó, mang danh một cụm công nghiệp của tỉnh nhưng đa phần là các cơ sở tự phát. Không có khu xử lý nước thải tập trung...

Hỏi lý do vì sao các hộ không vào khu quy hoạch, một xưởng sản xuất tại đây lý giải: “Chúng tôi sản xuất nhỏ, nếu vào khu quy hoạch thì phải thuê đất và một số điều kiện môi trường khắt khe, trong khi kinh tế của cơ sở còn nhiều hạn chế...”.

Trao đổi với lãnh đạo địa phương thì năm 2005, UBND huyện Đông Sơn đã phê duyệt quy hoạch khu Công nghiệp núi Vức (thời điểm đó Cụm công nghiệp núi Vức còn thuộc UBND huyện Đông Sơn quản lý). Từ thời điểm đó, với chính sách vận động, kêu gọi các doanh nghiệp vào Cụm công nghiệp núi Vức hoạt động, có những doanh nghiệp tiên phong, song cũng không ít doanh nghiệp tự phát mọc ngoài quy hoạch, nằm lẫn cả trong khu dân cư. Vì hoạt động mang tính chất tự phát và chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ nên công tác đầu tư, chú trọng về vấn đề môi trường gần như không có, hoặc có nhưng cũng không đạt chuẩn.

Cũng theo vị lãnh đạo này thì việc quy hoạch Cụm công nghiệp núi Vức đến nay đã gần như bị phá vỡ quy hoạch, với nhiều doanh nghiệp mọc lên tự phát, các cơ sở hoạt động nhiều năm nhưng chưa được thuê đất. Sự việc từ xưa để lại nên xã rất khó xử lý(?!). Hiện UBND xã Đông Hưng đã làm tờ trình xin điều chỉnh lại quy hoạch Cụm công nghiệp núi Vức nhưng đến nay vẫn chưa được chấp thuận.

Về giải pháp môi trường, chính quyền xã cũng thường xuyên nhắc nhở các doanh nghiệp, nhưng khó kiểm soát, quản lý. Nguyên nhân một phần vì số lượng doanh nghiệp nhiều, lực lượng thường xuyên kiểm tra của xã mỏng và chế tài xử lý vi phạm hành chính cũng chưa đủ sức răn đe, dẫn đến nhiều cơ sở, doanh nghiệp thực hiện không đầy đủ công tác đảm bảo môi trường.

Tác giả: Gia Hân - Sơn Đình

Nguồn tin: giadinh.net.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok