Trong tỉnh

Hàng trăm hộ dân điêu đứng vì doanh nghiệp 'đem con bỏ chợ'

Trong lúc người dân bán cây non, bán trâu bò... để nhường đất cho dự án chăn nuôi bò sữa, đột nhiên chủ đầu tư dừng dự án, khiến hàng trăm hộ dân ở 2 huyện Nông Cống và Như Thanh (Thanh Hóa) điêu đứng.

Vườn mía của gia đình ông Trần Thế Thảo xơ xác do không được đầu tư, chăm sóc vì chờ nhường đất cho dự án ẢNH MINH HẢI

Thiệt đơn thiệt kép

Ngày 17.5.2017, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp tại các xã Yên Mỹ, Công Bình (huyện Nông Cống) và xã Thanh Tân (huyện Như Thanh) cho Công ty TNHH Hai thành viên ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa Yên Mỹ (Công ty được thành lập từ góp vốn, công nghệ của Công ty TNHH Một thành viên Yên Mỹ và Công ty CP Ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa TH, có địa chỉ tại xã Yên Mỹ, huyện Nông Cống).

Theo đó, quy mô dự án được triển khai tại 3 xã trên với tổng diện tích khoảng 1.354 ha để xây dựng 4 trang trại chăn nuôi 20.000 con bò, xây dựng nhà máy chế biến sữa công suất 72 tấn/ngày, xây dựng khu phụ trợ, trồng cỏ... Tổng mức đầu tư 3.800 tỉ đồng, vốn của doanh nghiệp và vốn huy động hợp pháp khác.

Đến tháng 10.2017, công tác kiểm kê, đo đếm diện tích đất và nhà cửa của người dân 2 huyện đã hoàn thành, chỉ chờ chủ đầu tư giải ngân để bàn giao mặt bằng. Cụ thể, tại xã Công Bình, gần 100 ha đất ở, đất nông nghiệp, đất vườn của gần 40 hộ dân được thông báo kiểm kê. Tại xã Thanh Tân (huyện Như Thanh), dự án lấy gần 30 ha, ảnh hưởng đến 117 hộ gia đình. Công tác kiểm kê xong, người dân cũng được thông báo dừng canh tác, sản xuất nên các hộ phải bán mía non, keo non, bán trâu bò… để chuẩn bị di chuyển. Nhưng bất ngờ, chủ đầu tư dừng việc lấy đất, khiến người dân bị thiệt hại và hết sức bức xúc.

Bà Lê Thị Chức (61 tuổi, ngụ tại thôn Ổn Lâm 1, xã Công Bình, huyện Nông Cống) cho biết, gia đình bà có 1,6 ha đất trồng mía. Khi đang trồng dở vụ mía năm 2017 thì được kiểm kê để giải phóng mặt bằng cho dự án. Vì mía chưa đến kỳ thu hoạch nên phải bán non cho dự án lấy đất. “Không chỉ phải bán mía non, mà vụ tiếp theo (vụ năm 2018) do chờ để dự án lấy đất nên gia đình chúng tôi không chăm sóc, không đầu tư, bỏ không 1,6 ha đất nên cỏ mọc, gốc mía hư hỏng. Rồi đùng cái, có thông tin dự án không lấy đất nữa, chúng tôi chẳng biết thế nào, vừa thiệt cả vụ mía năm 2017, giờ lại không đầu tư được vụ mía năm 2018, vậy ai chịu trách nhiệm cho thiệt hại của chúng tôi?”, bà Chức nói.

Cùng chung cảnh ngộ, gia đình bà Lê Thị Việt (54 tuổi, ngụ tại thôn Ổn Lâm 1) cũng cho biết thiệt đơn thiệt kép vì đã rốt ráo bán rẻ cây non cùng với đôi bò, chặt bỏ cây cối trong vườn chờ ngày bàn giao đất cho doanh nghiệp để di chuyển đến nơi khác. “Ngồi chờ mãi không thấy dự án triển khai, chúng tôi đi hỏi huyện, hỏi tỉnh thì được biết phía chủ đầu tư họ báo không lấy đất nữa. Gia đình tôi thiệt hại hàng trăm triệu đồng thì ai chịu trách nhiệm? Hơn nữa, Nhà máy mía đường Nông Cống (huyện Nông Cống) cũng đã cắt hợp đồng đầu tư giống, phân bón với chúng tôi, không ai đầu tư để chúng tôi quay lại trồng mía thì chúng tôi biết làm gì để sống?!”, bà Việt bức xúc.

Sống chết mặc bay?

Ông Đinh Xuân Dùng, Chủ tịch UBND xã Công Bình, cũng bức xúc không kém khi cho biết sau khi dự án được triển khai, chính quyền địa phương phải mất hàng tháng trời thành lập Hội đồng Giải phóng mặt bằng đi kiểm kê, đo đếm, rồi vận động bà con ủng hộ dự án, bàn giao mặt bằng. Giờ doanh nghiệp không lấy nữa khiến người dân mất lòng tin với chính quyền. “Khó khăn nhất bây giờ là việc đề nghị Công ty CP Mía đường Nông Cống ký hợp đồng đầu tư lại với người dân để họ có vốn sản xuất vụ mía, nhưng chúng tôi đã làm việc và nhà máy họ đã trả lời là không đầu tư nữa. Địa phương rất mong cấp trên, chủ đầu tư dự án có biện pháp hỗ trợ người dân càng nhanh càng tốt”, ông Dùng nói.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND huyện Nông Cống, cho biết sau khi kiểm kê, áp giá đền bù xong, chờ mãi không thấy chủ đầu tư, chính quyền huyện cũng đã làm văn bản đề nghị họ chuyển kinh phí bồi thường, nhưng vẫn không thấy hồi âm. Đến ngày 23.3, do người dân có ý kiến nên đã tổ chức họp giữa các xã, huyện và đại diện doanh nghiệp.

Trong buổi họp, ông Trần Tuấn Hiệp, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Hai thành viên ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa Yên Mỹ, nêu lý do công ty không có tiền trả tiền giải phóng mặt bằng cho người dân, nên không đầu tư dự án nữa. “Để giải quyết vấn đề trước mắt, huyện đã chỉ đạo các xã thông báo cho người dân tiếp tục sản xuất, còn về những thiệt hại của dân, chúng tôi cũng đã có ý kiến với phía công ty, họ mới nói sẽ có trách nhiệm, chứ chưa có hành động cụ thể nào”, ông Tuấn nói.

Phóng viên Thanh Niên cũng đã nhiều lần liên lạc với đại diện Công ty TNHH Hai thành viên ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa Yên Mỹ để tìm hiểu thêm về sự việc, nhưng bất thành.

Tác giả: Minh Hải

Nguồn tin: Báo Thanh Niên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok