Giáo dục

Chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11: Gieo chữ giữa đại ngàn

Gắn bó với học trò, với bà con dân bản, món quà mà các thầy nhận được dịp 20-11 là những sản vật, những đồ dùng mà bà con dân bản tự làm ra.

Trong câu chuyện chia sẻ của mình, các thầy giáo cho hay, món quà ý nghĩa nhất là tình cảm bà con dân bản dành tặng, là sự nỗ lực của tất cả các học trò để không ngừng vượt khó học tập ở trên vùng đất còn nhiều khó khăn này… Dẫu còn nhiều thiếu thốn, nhưng bao năm qua các thế hệ giáo viên vẫn nguyện bám bản để gieo chữ nơi đại ngàn miền tây Thanh Hóa.

Lớp học tại Trường Tiểu học xã Lâm Phú.

Xa con để đi dạy học

Nằm cách trung tâm huyện gần 30 km, xã Lâm Phú - một trong những xã khó khăn nhất của huyện Lang Chánh. Trường Tiểu học Lâm Phú có 383 học sinh, chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Thái. Vì đường xa không thể đến điểm trường chính để học được nên nhà trường phải mở 3 điểm lẻ ở các bản để học sinh đến trường được thuận lợi.

Lên công tác ở miền núi 24 năm với thầy Mai Trọng Kỳ (quê huyện Hoằng Hóa), Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lâm Phú thì nhiều trường học, điểm trường trên địa bàn huyện Lang Chánh đã trở thành quen thuộc. Vợ thầy Kỳ hiện cũng đang công tác tại một trường đặc biệt khó khăn ở vùng cao trên địa bàn huyện Lang Chánh, cách chỗ chồng công tác gần 40km.

Thầy Kỳ chia sẻ: Do công việc của cả hai vợ chồng đều công tác xa nhà gần 150 km, vợ chồng dạy lại xa nhau nên điều kiện đi lại, sinh hoạt hết sức khó. Những năm trước đây tuyến đường giao thông chưa thuận tiện nên việc chăm sóc con cái cũng khó. Hai đứa sinh ra đều theo bố mẹ đi các điểm trường một vài năm rồi đành phải gửi về quê cho ông bà nội, ngoại chăm sóc. Cứ cuối tuần, thời tiết thuận lợi thì hai vợ chồng lại về quê thăm con.

Cùng hoàn cảnh với thầy Kỳ ở Trường Tiểu học Lâm Phú, vợ chồng thầy Trịnh Kim Hoan (quê huyện Thọ Xuân) cũng 26 năm gắn bó với núi rừng Lang Chánh. Vợ chồng thầy Hoan đang gửi con cho ông bà nuôi dạy và chăm sóc tại quê. “Nhiều đêm nhớ con đến quay quắt nhưng cũng không biết phải làm sao. Đặc biệt khi con trải qua những thời điểm khủng hoảng tuổi dậy thì không có bố mẹ bên cạnh khiến gia đình rất lo lắng. Những lần về dù thời gian ít ỏi nhưng hai vợ chồng cũng động viên các con rồi động viên ông bà cố gắng để vợ chồng yên tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ của mình”- thầy Hoan tâm sự.

Thầy Tạ Văn Biên- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lâm Phú cho biết: “Các thầy cô ở dưới xuôi lên công tác miền núi gặp rất nhiều khó khăn. Từ giao thông đi lại đến điều kiện sinh hoạt hàng ngày. Trong số các điểm trưởng ở Lâm Phú, điểm trường ở bản Nà Đang là khó nhất. Cơ sở vật chất dạy, học ở trường chính đã thiếu, ở các điểm trường còn khó gấp bội phần”- thầy Biên chia sẻ.

Vừa dạy vừa vận động trẻ đến trường

Điểm trường Nà Đang, xã Lâm Phú có 4 thầy, cô giáo. Trong đó có 1 cô giáo dạy hợp đồng vừa được tăng cường năm học vừa rồi. Tất cả hy vọng tương lai của bản Nà Đang được gói trong những phòng học xập xệ, những đứa trẻ đang ê, a đánh vần, luyện chữ.

Gần 30 năm công tác trong nghề, nhưng đã có đến 8 năm gắn bó với Nà Đang, thầy Lương Văn Xuân có vẻ như đang “đánh vật” với học trò trong chương trình sách mới khi chúng tôi đến thăm.

“Năm nay không những học sinh mà thầy giáo cũng vất vả gấp bội phần. Đặc biệt, học sinh trên này tư duy còn hạn chế nên ngày nào cũng phải hướng dẫn các con đến khản cả cổ”- thầy Xuân trải lòng.

Nhà chỉ cách điểm trường bản Nà Đang hơn 12 km, đường đã có phần thuận lợi hơn để về, thế nhưng cứ chiều chủ nhật thầy Xuân đến lớp, rồi đến chiều thứ 6 kế tiếp mới vượt đường đèo trở về nhà. Điều đáng nói, thầy không về phần do đường khó khăn, nhưng phần lớn là vì sợ học trò lại bỏ học.

Thầy giáo trong giờ lên lớp tại điểm trường Nà Đang.

“Một năm phải cả chục lần, tôi đến tận nhà để vận động học trò trở lại lớp. Các dịp như sau nghỉ Tết, nghỉ hè hay mỗi khi trời mưa rét, trong gia đình có đám đình các em lại không đến lớp nữa. Các em tiếp thu còn hạn chế, phải dạy từng âm, từng âm một. Các em cũng giống như con, cháu của mình, mình thương nên buộc phải ở lại trường để các em không bỏ học” - thầy Xuân nói.

Năm 2006, thầy Trần Ngọc Hải (quê huyện Vĩnh Lộc) nhận quyết định lên Trường phổ thông Cao Sơn (huyện Bá Thước) dạy học. Thầy Hải là người đã gắn bó với Cao Sơn từ ngày trường còn là khu lẻ lợp bằng tranh nứa ở giữa làng Son. Leo bộ gần nửa ngày trời mới đến trường, trời vừa tối, với thầy Hải lúc đấy không khỏi nản lòng khi thấy một khu lán dựng tạm nằm đìu hiu trong màn sương dày đặc.

Thầy Hải không giấu khi thú nhận, đã có những lúc muốn bỏ cuộc ngay từ những ngày đầu. Đó là khi phải đi cả nhiều cây số mới có thể gọi điện về cho gia đình, là khi dậy 2-3h sáng lên đường đến trường kịp cho buổi dạy đầu tuần; là lúc lội bộ nhiều giờ đồng hồ vẫn thấy đường ở trên đầu, vực thẳm gần đến mong manh.

Những năm 2006-2007 hình ảnh lũ học trò đầu trần, chân đất, rét run lập cập đến tím tái mặt mày trong cái lạnh 1-2 độ giữa mùa đông nhưng vẫn đến lớp, thầy biết mình không thể bỏ cuộc. Những tấm phên nứa bao tạm không ngăn được sương ùa vào lớp, những ngày đó, thầy trò phải đốt một đống lửa nhỏ, vừa sưởi ấm vừa học bài.

“Ở riết rồi thành quen, cũng vì thương học trò nữa. Gắn bó với bà con, dân bản giống như ở nhà mình. Đợt vừa rồi huyện có ý định chuyển mình xuống thị trấn, nhưng mình xin ở lại với bà con” - thầy Hải chia sẻ.

Tác giả: Mộc Miên

Nguồn tin: Báo Đại đoàn kết

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok