Giáo dục

Chuyện những giáo viên đến xứ “muỗi kêu như sáo thổi” gieo chữ

Khoảng những 1987, huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang) là địa phương có số dân mù chữ cao. Để diệt “giặc dốt”, lãnh đạo huyện vượt hàng trăm kilomet đến Tiền Giang mời giáo viên về địa phương dạy học. Và có cả trăm giáo viên chấp nhận xa quê đến xứ “muỗi kêu như sáo thổi” này gieo chữ.

Nếu nói huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang) là xứ “muỗi kêu như sáo thổi” thì có chút thiếu sót. Bởi xứ Cạnh Đền trong câu ca dao “Xứ đâu như xứ Cạnh Đền; Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh cánh” hiện nay thuộc địa giới hành chính hai xã: Vĩnh Phong (huyện Vĩnh Thuận - Kiên Giang) và Ninh Thạnh Lợi A (huyện Hồng Dân - Bạc Liêu). Và theo lời kể của những giáo viên ở huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang đến Vĩnh Thuận gieo chữ những năm 1987, chuyện nghe “muỗi kêu như sáo thổi” ở vùng đất này là không lạ.

Nhờ phụ huynh nuôi cơm

Gặp lại những giáo viên ở Tiền Giang chấp nhận xa quê về đất Vĩnh Thuận dạy học vào những năm 1987, chúng tôi được tâm sự về ký ức những ngày gian khổ cho sự nghiệp “trồng người” nơi đất khách. Khó khăn nhất là những năm đầu về đây công tác, các giáo viên gặp cảnh nợ lương, không nơi ở ổn định, việc đi lại phải lụy đò ngang... Đêm xuống leo lét bên ánh đèn dầu, soạn giáo án, nghe “muỗi kêu như sáo thổi”.

Cô Trần Thị Tuyết - cựu giáo viên trường tiểu học thị trấn Vĩnh Thuận 1 kể: "Khoảng năm 1988, Phòng Giáo dục huyện Vĩnh Thuận về huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) của tôi mời gọi giáo viên về Vĩnh Thuận dạy học. Lúc đó, có biết chi về vùng đất này nhưng nghe lãnh đạo nói, đây là vùng đất cách mạng, còn nhiều khó khăn, nhất là trẻ em thất học nhiều… Sau khi bàn tới, bàn lui, vợ chồng tôi quyết định đưa cả gia đình về Vĩnh Thuận dạy học và sinh sống luôn cho đến nay."

Sau gần 20 năm gắn bó với nhiều thế hệ học sinh trường tiểu học thị trấn 1, cô Trần Thị Tuyết đã về hưu nhưng vẫn ở lại cư xá của trường để nghe tiếng ê a của học trò

Khi về vùng đất này, vợ chồng cô Tuyết cũng như bao giáo viên khác được nhận lương như qui định, ngoài ra không được nhận thêm khoản phí nào. Những năm đầu, các giáo viên dùng tre nứa dựng tạm nhà trong khuôn viên trường để ở. Đã vậy, giáo viên còn phải cùng địa phương đốn cây, chặt lá dừa nước xây dựng trường học, đóng bàn ghế cho học sinh ngồi.

Thầy Nguyễn Thanh Dũng - Hiệu trưởng trường tiểu học thị trấn 1 chia sẻ: “Đêm đầu tiên đặt chân đến Vĩnh Thuận, tôi không sao quên được. Vì khi tàu đưa về tới đây, trời đã tối nên hàng chục người được địa phương bố trí vào hai phòng học ngủ tạm. Đến sáng mai, các đơn vị đến nhận về trường. Ban đầu, tôi và các thầy cô khác được phụ huynh cho gạo và người dân còn cử một phụ huynh nấu cơm cho chúng tôi ăn. Nói thật, những năm đầu về Vĩnh Thuận, không có phụ huynh nuôi cơm, chắc anh em không bám trụ đến bây giờ”.

Khi đến Vĩnh Thuận công tác, khi đó thầy Nguyễn Thanh Dũng mới 20 tuổi

Nhắc đến chuyện đi dạy học, cô Đặng Thị Thủy kể: "Tôi may mắn được nhận công tác ở thị trấn nhưng mỗi lần vào các xã dự giờ, thăm bạn bè, học sinh, thầy cô cùng nhau xắn quần, băng đường đồng 5-6km là chuyện thường ngày. Dù vất vả nhưng khi thấy tình thương của phụ huynh và học sinh nơi đây dành cho giáo viên, chúng tôi không sao bỏ được, tiếp tục ở lại, gieo chữ. Nhưng cũng có một số anh em không chịu nổi cảnh “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh như bánh canh” nên bỏ về nhiều lắm”.

Tiếp tục cắm dùi gieo chữ

Cô Tuyết rưng rưng kể lại những ngày đầu về đất Vĩnh Thuận dạy học, cô nói: "Tôi dạy lớp 1 nhưng có em đã cao lớn bằng con mình đang học lớp 8. Nhiều em đi học quần áo xốc xếch, chân trần… thương lắm. Có những em nhà quá nghèo, khi nhận được một quyển vở vụn (cắt những trang chưa sử dụng của vở cũ đóng lại thành vở mới), tụi nó ôm cô, cám ơn ríu rít, thậm chí có đứa còn khóc nức nở…".

Cô Tuyết còn kể, trong lớp cô có nhiều em nhà xa trường nên vợ chồng cô không đành lòng để học trò về nhà nên nấu cơm cho học trò ăn. Khi ăn cơm xong, vợ chồng cô trải chiếu trên nền nhà, cho các cháu ngủ trưa. Từ tình cảm này, nhiều học trò cô Tuyết trưởng thành, mỗi lần về quê là chạy đến nhà cô Tuyết, thăm hỏi, thắp nén nhang cho người thầy quá cố.

Cô Đặng Thị Thủy cho biết, chính tình cảm của phụ huynh, học sinh Vĩnh Thuận đã giúp các thầy cô xa quê như cô có đủ sức ở lại gieo chữ cho đến nay

Đến đất Vĩnh Thuận dạy học, không chỉ có vợ chồng cô Tuyết cắm dùi sinh sống cho đến nay mà còn nhiều cặp vợ chồng thầy cô khác đã xem đất Vĩnh Thuận là quê hương thứ hai của mình.

Như vợ chồng cô Đặng Thị Thủy, sau hàng chục năm đứng lớp, hiện nay vợ chồng cô đều là cán bộ quản lý. Cô Thủy nói: "Mặc dù hiện nay hai vợ chồng còn ở cư xá của trường, chồng công tác xa nơi ở trên 30km nhưng vợ chồng cô vẫn hết lòng vì sự nghiệp “trồng người” cho quê hương thứ hai mang tên Vĩnh Thuận."

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Thân - nguyên Trưởng Phòng Giáo dục huyện Vĩnh Thuận vào những năm 80 cho biết: “Thời điểm đó, chuyện thiếu giáo viên không chỉ riêng huyện Vĩnh Thuận mà còn nhiều huyện khác của Kiên Giang. Tuy nhiên, do Vĩnh Thuận là vùng căn cứ cách mạng, địch càn quét suốt ngày đêm nên người dân, trẻ nhỏ có được học hành gì đâu. Bởi thế, khi Tỉnh ủy, ủy ban Kiên Giang thống nhất chủ trương giao cho huyện liên hệ với huyện Gò Công Tây, mời giáo viên về địa phương xóa mù chữ, tôi là người trực tiếp đến đây giới thiệu về đất Vĩnh Thuận và mời gọi các giáo viên về địa phương dạy học”.

Ông Nguyễn Văn Thân - Nguyên Trưởng phòng giáo dục huyện Vĩnh Thuận là người trực tiếp đến huyện Gò Công Tây của Tiền Giang mời gọi giáo viên về Vĩnh Thuận dạy học vào những năm 1987

Theo ông Thân, cuộc sống của những giáo viên về Vĩnh Thuận thời điểm đó vô cùng khó khăn. Nhiều lúc không có lương, giáo viên chạy đến Phòng giáo dục “biểu tình” nhưng khi nghe địa phương trình bày, các giáo viên đồng thuận, nhiều giáo viên nhận xe đạp, dầu lửa… trừ lương.

Ông Phạm Văn Hậu - Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận cho biết: “Tôi cũng như các đồng chí lãnh đạo huyện đánh giá rất cao tinh thần trách nhiệm của các giáo viên ở Tiền Giang về đây công tác. Từ sự dạy dỗ tận tâm này đã có những thế hệ học sinh giỏi, tốt và thành danh trong xã hội. Hiện các giáo viên ở lại đất Vĩnh Thuận, cuộc sống ổn định, con cái ăn học thành tài, đặc biệt là có nhiều giáo viên trở thành cán bộ quản lý.

Ngoài ra, ông Hậu còn cho biết thêm, hàng năm, mỗi khi đến dịp lễ, Tết, ngày 20/11, địa phương tổ chức đến thăm hỏi, tặng quà cho các giáo viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Vĩnh Thuận, đặc biệt là các giáo viên ở Tiền Giang chấp nhận xa quê về Vĩnh Thuận gieo chữ.

Phòng Giáo dục huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang) cho biết, việc mời gọi giáo viên ở Tiền Giang về Vĩnh Thuận dạy học chia ra làm 3 đợt: đợt 1, năm 1987 được 77 giáo viên; đợt 2, năm 1988 có thêm 58 giáo viên và đợt 3, năm 1990 có 33 giáo viên. Hiện tại có 47 giáo viên đang công tác, trong đó có 13 cán bộ quản lý, 03 giáo viên về hưu. Số giáo viên còn lại, chuyển công tác khác hoặc trở lại Tiền Giang dạy học…

Tác giả: Nguyễn Hành

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok