Trong nước

Cán bộ nhiều bộ, ngành làm tại nhà, việc vẫn thông

Cán bộ của Bộ GTVT phải có mặt trên các công trình trọng điểm; nhân biên bưu chính phải kiểm tra y tế nghiêm ngặt...

Những ngày qua, sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có chỉ thị về triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, nhiều bộ, ngành đã lên kế hoạch làm việc tại cơ quan, tại nhà và ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết công việc.

Bộ Nội vụ, Công thương: Xử lý hồ sơ cấp bách bình thường

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Bộ Nội vụ, cho biết kể từ ngày 1-4, các đơn vị bố trí cán bộ, công chức, người lao động sử dụng công nghệ thông tin để làm việc tại nhà. Lãnh đạo bộ làm việc theo sự phân công của bộ trưởng. Các đơn vị thuộc, trực thuộc bộ hằng ngày bố trí lãnh đạo trực luân phiên để xử lý công việc.

Bộ phận văn thư của Văn phòng bộ và các đơn vị trực thuộc hằng ngày phải phân công người trực để tiếp nhận và xử lý văn bản đến, văn bản đi của cơ quan. Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã giao Trung tâm Thông tin chủ trì, phối hợp với Văn phòng bộ đảm bảo yêu cầu phục vụ làm việc trực tuyến. Các đơn vị này có nhiệm vụ hướng dẫn công chức, viên chức, người lao động của cơ quan bộ trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để làm việc tại nhà; thường xuyên tăng cường thông tin kịp thời tình hình trên Cổng thông tin điện tử của bộ.

Bên cạnh đó, bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng giao thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc bộ có trách nhiệm thường xuyên báo cáo tình hình, diễn biến dịch COVID-19 có liên quan đến công chức, viên chức, người lao động.

Với Bộ Công Thương, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, cho biết đã chuyển sang làm việc trực tuyến qua hệ thống Microsoft team. Theo ông Hải, đối với những hồ sơ cấp bách của doanh nghiệp cần phải giải quyết ngay thì việc giải quyết trên mạng cũng nhanh hơn thủ tục giải quyết thông thường mà không gặp vướng mắc gì. “Đơn cử như thủ tục cấp website làm việc cho các doanh nghiệp, theo luật quy định thì trong ba ngày chúng tôi phải trả lời nhưng hiện tại giải quyết qua trực tuyến nên trong ngày chúng tôi trả lời luôn” - ông Hải nói.

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và lãnh đạo bộ tham dự phiên họp trực tuyến Chính phủ thường kỳ tháng 3. Ảnh: Cổng TTĐT Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

Bộ GTVT: Vẫn phải bám các công trình nóng

Tại Bộ GTVT, ngay chiều 31-3, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp trực tuyến với các đơn vị trực thuộc, đồng thời ra văn bản yêu cầu lãnh đạo các cơ quan, đơn vị bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà. “Chỉ trừ những trường hợp cần thiết như trực cơ quan, đơn vị; sản xuất, cung ứng dịch vụ thuộc các lĩnh vực GTVT bắt buộc phải duy trì và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở…” - bộ trưởng yêu cầu.

Ông Nguyễn Văn Thể cũng chỉ đạo các đơn vị tăng cường làm việc, họp trực tuyến. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm về việc cán bộ, nhân viên lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 do không chấp hành nghiêm quy định về phòng, chống dịch tại công sở, nơi làm việc.

Hiện tại, có những việc cần thiết, cấp bách, trọng điểm như xây dựng đường bộ cao tốc Bắc- Nam, đường bộ cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, nâng cấp đường hạ/cất cánh sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông… Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan tham mưu bố trí hợp lý cho cán bộ, nhân viên làm việc tại cơ quan, hiện trường và tại nhà, bảo đảm chất lượng, tiến độ công việc theo quy định.

300 là số cán bộ, công chức của Văn phòng Chính phủ làm việc ở nhà. Văn phòng Chính phủ cho hay chỉ những trường hợp thật sự cần thiết như trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở. Những người bắt buộc đến công sở cũng phải đảm bảo ngồi cách nhau 2 m, khi ăn mỗi người một bàn.

Bộ LĐ-TB&XH: Cán bộ khối quản lý nhà nước luân phiên 2/3 làm ở nhà

Tại Bộ LĐ-TB&XH, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, bộ có hai khối đơn vị sự nghiệp và có cách làm việc khác nhau. Cụ thể, ở khối các đơn vị sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học bố trí 100% viên chức, người lao động làm việc tại nhà.

Còn các đơn vị quản lý nhà nước được yêu cầu bố trí tối đa 30% công chức, viên chức, người lao động của đơn vị (theo hình thức luân phiên làm việc) đến làm việc tại cơ quan.

Bộ trưởng Dung yêu cầu các đơn vị thuộc hai khối trên phải ứng dụng tối đa công nghệ thông tin trong giải quyết công việc, tăng cường họp trực tuyến. Các đơn vị phải phân công nhiệm vụ cụ thể và quản lý chặt chẽ công chức, viên chức, người lao động làm việc tại nhà.

“Các thủ trưởng chịu trách nhiệm trước bộ trưởng nếu công chức, viên chức, người lao động của đơn vị để lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 do không chấp hành nghiêm túc quy định về phòng, chống dịch bệnh…” - bộ trưởng LĐ-TB&XH nhấn mạnh.

Bộ TT&TT: Nhân viên bưu điện phải khai báo y tế

Bộ TT&TT vừa ban hành văn bản các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính (hoặc là doanh nghiệp được Nhà nước chỉ định duy trì, quản lý mạng bưu chính công cộng, cung ứng dịch vụ bưu chính công ích) phải có giải pháp ứng dụng các nền tảng công nghệ số nhằm hạn chế tiếp xúc trong cung ứng dịch vụ; nhanh chóng nắm bắt cơ hội, từng bước chuyển sang phương thức cung ứng dịch vụ bưu chính số, dịch vụ gắn với thương mại điện tử.

Nhân viên làm việc tại các điểm phục vụ bưu chính, các cơ sở khai thác bưu gửi và các bộ phận liên quan của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính phải thực hiện đeo khẩu trang trong suốt thời gian lao động; đo thân nhiệt theo hướng dẫn, giữ khoảng cách tối thiểu khi giao tiếp, chuẩn bị đầy đủ dung dịch sát khuẩn tại nơi thuận tiện cho nhân viên, khách hàng sử dụng...

Đặc biệt, tại các điểm trên phải khẩn trương rà soát, yêu cầu thực hiện khai báo y tế đối với tất cả nhân viên bưu chính, đặc biệt là đội ngũ giao dịch viên, tài xế, bưu tá thường xuyên tiếp xúc với khách hàng và di chuyển trên đường.

Trường hợp các nhân viên có biểu hiện nhiễm bệnh, có tiếp xúc gần với ca bệnh xác định COVID-19 (F1) và tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2) phải khai báo trung thực, đầy đủ để được xét nghiệm, thực hiện cách ly. Trường hợp khai báo không trung thực hoặc không đầy đủ, xem xét xử lý theo quy định.

Tác giả: VIẾT THỊNH

Nguồn tin: Báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok