Giáo dục

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm việc với tỉnh Thanh Hóa

Sáng 28/8, đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) do Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ dẫn đầu đã làm việc với tỉnh Thanh Hóa và đến động viên thầy trò huyện Quan Sơn - nơi vừa phải chịu thiệt hại nặng nề do mưa lũ gây ra.

Giáo dục gặt hái nhiều thành công

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa chủ trì buổi làm việc. Ảnh: Xuân Phú

Cùng tham tham dự chương trình làm việc có đại diện các Vụ, Cục chuyên môn của Bộ. Về phía tỉnh Thanh Hóa có ông Đỗ Minh Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Đăng Quyền – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; bà Phạm Thị Hằng – Giám đốc Sở GD&ĐT, cùng đại diện lãnh đạo các cơ sở giáo dục của tỉnh.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng và đoàn công tác đã nghe lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa báo cáo các nhiệm vụ trọng tâm của ngành.

Đặc biệt, trong năm học, Thanh Hóa tiếp tục “gặt hái” thành công trong kỳ thi chọn HS giỏi quốc gia các môn văn hóa THPT, các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực. Trong đó, tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, toàn tỉnh có 65 em đạt giải; tại các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực, HS Thanh Hóa đoạt 5 huy chương (1 HCĐ Vật lý Châu Á – Thái Bình Dương; 3 HCV Olympic quốc tế các môn Tin học, Hóa học và Vật lý và 1 HCB Olympic quốc tế môn Sinh học).

Theo báo cáo của ngành giáo dục Thanh Hóa do Giám đốc Sở GD&ĐT trình bày, năm học 2018 - 2019, ngành GD&ĐT Thanh Hóa đã hoàn thành tốt kế hoạch giáo dục đề ra. Cơ sở vật chất trường, lớp học tiếp tục được quan tâm xây dựng, quy hoạch khang trang với tỷ lệ phòng học kiên cố, cao tầng đạt 87,7%. Phong trào xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia có nhiều chuyển biến, toàn tỉnh đã có 1.439 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 69,32.%. Chất lượng giáo dục đại trà, chất lượng giáo dục mũi nhọn được giữ vững.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu khai mạc. Ảnh: Xuân Phú

Với kết quả này, Thanh Hóa đứng đầu toàn quốc khi tham gia các kỳ thi Olympic quốc tế năm 2019 và là năm thứ 4 liên tiếp có học sinh đoạt huy chương tại các kỳ thi Olympic quốc tế. Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, tỷ lệ HS đỗ tốt nghiệp THPT đạt 92,39%. Trong đó, HS khối THPT đạt 94,39%; khối bổ túc THPT đạt 64,04%; toàn tỉnh có 35 bài thi đạt điểm 10; 107 HS đạt 27 điểm trở lên ở 3 môn xét tuyển đại học, cao đẳng...

Cũng theo bà Phạm Thị Hằng - Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa, năm học 2018- 2019, chất lượng giáo dục đại trà trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tiếp tục được nâng lên. Phổ cập giáo dục tiểu học được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn mức độ 3 năm 2017, giữ vững kết quả năm 2018 và đang đề nghị Bộ GD&ĐT công nhận trong năm 2019. Trong Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019, tỉnh Thanh Hóa có 107 học sinh đạt trên 27 điểm trở lên 3 môn thi xét tuyển đại học, trong đó có 19 học sinh đạt 28 điểm trở lên. Có 3 học sinh khối A0 đạt điểm cao nhất, trong đó có 1 thí sinh thủ khoa cả nước khối A0...

Khắc phục hậu quả thiên tai, nâng chất lượng GD

Tuy nhiên, năm học 2019 - 2020, được đánh giá là năm học có nhiều khó khăn cho ngành giáo dục Thanh Hóa do chịu thiệt hại nặng nề đợt mưa lũ vừa qua. Mưa lũ ngày 3/8 khiến nhiều điểm trường bị sập đổ, hư hỏng, thiệt hại nặng nề. Cụ thể, 4 huyện bị ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ, gồm: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước. Để chuẩn bị cho năm học mới sắp đến, Sở chỉ đạo các đơn vị, trường học huy động các lực lượng tham gia khắc phục hậu quả mưa lũ, huy động nhân lực, vật lực dọn dẹp bùn đất trong khuôn viên nhà trường và các khu phòng học. Đối với các trường học bị hư hỏng, thiếu phòng học, sẽ tổ chức học 2 ca/ngày... Hiện nay, ngành đang tích cực tranh thủ sự ủng hộ của các cấp, các ngành khắc phục hậu quả thiên tai...

Bà Phạm Thị Hằng - Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Xuân Phú

Bên cạnh đó, theo đánh giá, chất lượng giáo dục đại trà cấp THPT tại Thanh Hóa có sự giảm sút nghiêm trọng trong các năm 2018, 2019. Do đó, trong năm học tới, ngành giáo dục Thanh Hóa tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ GV và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; tiếp tục rà soát, sắp xếp lại đội ngũ GV, giảng viên gắn với việc bảo đảm các quy định về định mức số lượng GV, giảng viên đối với các cấp học và trình độ đào tạo. Qua đó, có đánh giá, nhận xét, tìm ra nguyên nhân để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục đại trà cấp THPT trên địa bàn. Tập trung nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo cũng được xem là nhiệm vụ trọng tâm trong năm học tới.

Sở GD&ĐT Thanh Hóa cũng chỉ đạo các đơn vị thực hiện hiệu quả Đề án “Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025”; khuyến khích dạy các môn học khác bằng ngoại ngữ và dạy ngoại ngữ thông qua các môn học; hướng dẫn chương trình, học liệu cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh.

Tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, năm học 2019- 2020, các cơ sở giáo dục gắn kết chặt chẽ phát triển giáo dục đào tạo với phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường lao động và đáp ứng yêu cầu phát triển; chú trọng quản lý chất lượng đầu ra.

Tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng các hoạt động GD&ĐT, các cơ sở giáo dục tiếp tục bổ sung xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo phòng học, các phòng chức năng, bếp ăn, nhà vệ sinh, công trình nước sạch và mua sắm các thiết bị dạy học còn thiếu. Trong đó, chú trọng các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo; không đưa vào sử dụng các công trình trường, lớp học, nhà vệ sinh chưa bảo đảm an toàn theo quy định….

Cũng tại buổi làm việc, một số lãnh đạo phòng GD&ĐT của tỉnh Thanh Hóa đã đề nghị cấp trên quan tâm đến vấn đề cần đơn giản hóa thủ tục hành chính như chuyển trường cho học sinh thì không cần phải đến làm thủ tục tại trung tâm hành chính công; vấn đề định biên giáo viên, dạy thêm phải được thu tiền để giáo viên có thêm thu nhập; tình trang thiếu giáo viên tiểu học ở bậc tiểu học, bình quân học sinh trên lớp quá quy định....

Tác giả: Hồng Đức - Xuân Phú

Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok