Giáo dục

Tuyển dụng giáo viên: 'Cạn' nguồn tuyển

Hằng năm, các địa phương đều tổ chức tuyển dụng giáo viên nhưng tồn tại nghịch lý càng tuyển càng thiếu.

Cô, trò trong giờ học tại Trường Tiểu học Thị trấn Năm Căn, Cà Mau. Ảnh: Q. Ngữ

Nhiều vị trí việc làm không có hồ sơ ứng tuyển dù chỉ tiêu năm nào cũng cần...

Thừa chỉ tiêu, thiếu nguồn tuyển

Năm học 2022 - 2023, ngành GD-ĐT tỉnh Cà Mau nhiều lần tổ chức tuyển dụng số giáo viên còn thiếu. Tuy nhiên, tuyển dụng không đạt do số lượng thí sinh đăng ký ít hơn kế hoạch. Năm học 2023 - 2024, qua rà soát của sở GD&ĐT, tỉnh còn thiếu khoảng 205 giáo viên mầm non hệ công lập, chưa tính các giáo viên mầm non ngoài công lập.

Cấp tiểu học cần thêm 75 giáo viên môn Giáo dục thể chất, 38 giáo viên môn Tiếng Anh, 116 giáo viên môn Tin học. Cấp THPT thiếu giáo viên ở nhiều môn học như: Lịch sử, Địa lý, Thể dục, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Âm nhạc, Mỹ thuật…

Trao đổi về tình trạng thiếu giáo viên, ông Lê Xuân Hùng - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ngọc Hiển cho biết: Huyện có 15 trường tiểu học và 5 trường THCS. Trong đó, cấp tiểu học chỉ có 13 giáo viên môn Tiếng Anh và 3 giáo viên môn Tin học. Đây là lý do khiến 4/15 trường không có giáo viên môn Tiếng Anh và 12/15 trường không có giáo viên môn Tin học.

Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, phòng GD&ĐT xây dựng phương án phân công giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học dạy liên trường đối với lớp 3, lớp 4. Giáo viên cấp THCS tham gia giảng dạy môn Tin học, Tiếng Anh lớp 3, lớp 4.

Tại huyện Năm Căn, tình trạng thiếu giáo viên khiến các trường gặp không ít khó khăn. Cô Phan Thị Thảo Nguyên - Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hoa Mai (xã Tam Giang Đông) chia sẻ, trường chỉ có 2 giáo viên và 1 người nấu ăn.

Theo chức danh nghề nghiệp, còn thiếu 3 giáo viên nhưng tuyển nhiều lần không được. Giáo viên, nhân viên đều thiếu, những lúc có người xin nghỉ phép rất đắn đo nhưng không thể không cho vì lý do chính đáng. Khi đó, hiệu trưởng, hiệu phó phải dạy thay, còn kiêm luôn công việc nấu ăn nên rất vất vả. Theo cô Nguyên, mức lương thấp, chế độ đãi ngộ, phụ cấp ít, chính là lý do giáo viên không muốn về làm việc ở những vùng xa xôi.

Bà Nguyễn Ngọc Khoa - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Năm Căn cho biết thêm, tình trạng thiếu giáo viên ở các huyện vùng sâu, xa như Năm Căn, Ngọc Hiển diễn ra nhiều năm nay nhưng chưa có phương án khắc phục. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu nguồn tuyển dụng, giáo viên bỏ việc vì lương thấp không tương xứng vị trí nghề nghiệp, chưa đáp ứng nhu cầu cuộc sống, áp lực công việc...

“Chúng tôi mong các cấp, ngành quan tâm, có cơ chế đặc biệt thu hút giáo viên về dạy khu vực vùng sâu, xa; cả những giáo viên mới ra trường, giỏi, có bằng cấp cao, góp phần rút ngắn khoảng cách chất lượng giáo dục khu vực thành thị và nông thôn”, bà Khoa bày tỏ.

Cô, trò Trường Tiểu học Âu Dương Lân, TP Mỹ Tho, Tiền Giang. Ảnh: Q. Ngữ

Chính sách thu hút mờ nhạt

Năm học 2023 - 2024, theo thống kê của Sở GD&ĐT Tiền Giang, toàn tỉnh thiếu khoảng 400 giáo viên mầm non, 300 giáo viên tiểu học, 300 giáo viên THCS, 100 giáo viên THPT.

Một trong những địa bàn thiếu nhiều giáo viên là huyện Gò Công Đông, theo đại diện phòng GD&ĐT, biên chế giao là 1.351 người nhưng hiện có 1.219 người, khuyết 132 người. Trong đó, cấp mầm non thiếu 42 giáo viên, tiểu học thiếu 36, THCS thiếu 54. Kỳ tuyển dụng năm 2023, chỉ có 22 người đăng ký dự tuyển vào ngành Giáo dục; trong đó, mầm non và THCS mỗi cấp có 6 người, tiểu học 10 người.

Tình trạng thiếu giáo viên vẫn là bài toán khó với ngành Giáo dục tỉnh Tiền Giang, ảnh hưởng chất lượng dạy và học, đặc biệt việc triển khai Chương trình GDPT 2018. Dù thực hiện được hơn 4 năm, tuy nhiên bài toán thiếu giáo viên suốt nhiều năm học qua vẫn chưa có lời giải thỏa đáng.

Dù ngành Giáo dục cũng như chính quyền địa phương có nhiều chính sách ưu đãi thu hút nguồn tuyển nhưng tình trạng thiếu giáo viên vẫn tiếp diễn… Đơn cử, Trường THPT Trương Định (thị xã Gò Công, Tiền Giang) có 39 lớp nhưng chỉ có 1 giáo viên dạy môn Lịch sử và thỉnh giảng 2 giáo viên nghỉ hưu; trong khi ở chương trình mới, môn học này là bắt buộc. Nhiều năm gần đây, nhà trường đã chủ động tìm kiếm nguồn tuyển dụng song hầu như không có.

Theo đánh giá của sở GD&ĐT, nhiều sinh viên ra trường có tư tưởng ngại khó dẫn đến mất cân đối nguồn tuyển. Đối với những trường ở địa bàn đô thị, nguồn tuyển dồi dào, khác hẳn với những trường ở vùng sâu, xa.

Giải pháp trước mắt được các cơ sở giáo dục ở Tiền Giang đưa ra là ký hợp đồng để khắc phục thiếu giáo viên. Tuy nhiên, không ít trường học không có nguồn giáo viên để hợp đồng, nhất là đơn vị nằm xa khu vực trung tâm. Giải pháp tiếp theo là các trường thỉnh giảng giáo viên từ nơi khác.

Đây chỉ là giải pháp tạm thời, bởi khó sắp xếp thời khóa biểu cho giáo viên và chi trả chế độ, chính sách. Một số trường THCS, THPT do chưa có hoặc chưa đủ nhân sự, không ít giáo viên phải kiêm nhiệm dạy thêm các môn chưa đúng trình độ chuyên môn.

Trao đổi về giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, ông Lê Quang Trí - Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang thông tin: Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa X năm 2021 đã ban hành Nghị quyết quy định chính sách khuyến khích đối với viên chức quản lý cùng giáo viên các cơ sở giáo dục mầm non công lập công tác tại địa bàn khó tuyển dụng. Nghị quyết này về cơ bản giúp các địa phương bổ sung nguồn giáo viên cho mầm non công lập…

Về giải pháp lâu dài, ngành Giáo dục tiếp tục tuyển dụng giáo viên hằng năm và đề xuất chính sách thu hút sinh viên sư phạm làm việc tại vùng khó khăn trên địa bàn, nhất là chuyên ngành khó tuyển dụng. Ngành Giáo dục tỉnh đang mở 11 lớp bồi dưỡng môn mới trong Chương trình GDPT năm 2018. Trong đợt 1 năm 2023, có 189 giáo viên môn Tin học và Công nghệ, 370 giáo viên Khoa học tự nhiên, 330 giáo viên Lịch sử và Địa lý được bồi dưỡng. Chương trình bồi dưỡng do Trường ĐH Sư phạm TPHCM thực hiện.

Theo ông Nguyễn Minh Luân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, tỉnh thiếu nhiều giáo viên, nhưng công tác tuyển dụng gặp khó khăn. Một trong những nguyên nhân là số lượng giáo viên các tỉnh phía Bắc tăng cường vào Cà Mau từ 15 - 20 năm trước đến nay có nguyện vọng chuyển đi nơi khác (khoảng trên dưới 200 người/năm). Số giáo viên này chuyển đi, cùng số giáo viên nghỉ việc dẫn đến thiếu nhiều giáo viên, nhất là địa bàn xa xôi, vùng sâu, xa…

Tác giả: Quốc Ngữ

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok