Xã hội

Bị hóc xương vịt vào đường thở nhưng khám tuyến dưới không phát hiện ra, cô gái suýt chết

3 tháng trước, L. (31 tuổi) đang ăn cơm thì cảm thấy nuốt vướng và ho sặc sụa, sau đó đã nhiều lần đi khám ở bệnh viện tuyến dưới nhưng không phát hiện ra bệnh. Mới đây tình trạng chuyển nặng, cô lên tuyến Trung ương khám mới biết bị hóc xương vịt vào đường thở…

Mẩu xương vịt được gắp ra từ đường thở của bệnh nhân

Ngày 15-10, Bệnh viện E thông tin cho biết, các bác sĩ Khoa Hô hấp của bệnh viện đã xử trí gắp dị vật là một mảnh xương vịt sắc nhọn mắc ở đường thở của một cô gái (31 tuổi, ở Thanh Hóa). Các bác sĩ cũng cho biết, do dị vật là các mảnh xương mắc ở đường thở khiến bệnh nhân khó thở, suy hô hấp, nếu không được gắp ra sớm có thể gây nhiễm trùng, áp xe trung thất… nguy hiểm đến tính mạng.

Qua khai thác tiền sử mắc bệnh, bệnh nhân cho biết, cách đây 3 tháng, khi đang ăn cơm thì cảm thấy nuốt vướng và xuất hiện một cơn ho sặc sụa tím tái. Sau đó bệnh nhân có đi khám và điều trị ở cơ sở tuyến dưới nhưng không phát hiện ra bệnh, Do chụp X-quang cũng không phát hiện thấy tổn thương, tình trạng bệnh thì lại ngày càng nặng.

Thời gian sau, bệnh nhân thường xuyên xuất hiện nhiều cơn ho khạc ra đờm đặc kéo dài. Những lúc như vậy, bệnh nhân đã đi khám ở bệnh viện tuyến dưới, được các bác sĩ chẩn đoán là viêm họng, viêm phổi và viêm phế quản. Bệnh nhân đã được điều trị kháng sinh liều cao nhưng không đỡ.

Đến ngày 11-10, bệnh nhân đến Khoa Hô hấp - Bệnh viện E khám trong tình trạng đau ngực, khó thở, ho khạc đờm kéo dài… Sau khi thăm khám, các bác sĩ nhận định khả năng bệnh nhân có thể bị dị vật đường thở.

Bệnh nhân được chăm sóc sau ca mổ gắp dị vật

Do bệnh nhân đã từng chụp X-quang nhưng không phát hiện thấy tổn thương, vì thế các bác sĩ cho bệnh nhân tiến hành chụp cắt lớp vi tính lồng ngực. Kết quả chụp phim đã xác định được có dị vật ở phế quản thùy trên phổi trái. Các bác sĩ đã tiến hành nội soi phế quản gắp dị vật cho bệnh nhân. Dị vật được gắp ra là một mảnh xương sắc cạnh, có kích thước 1,8cm x1cm, nằm chắn ngang đường vào phế quản thùy trên trái.

BSCKII. Ngô Tiến Thành, Trưởng Khoa Khoa Hô hấp cho biết, điều nguy hiểm là dị vật đâm chặt vào niêm mạch thành phế quản, tổn thương các tổ chức xung quanh, gây nên hiện tượng ho, tức ngực, khó thở cho bệnh nhân suốt 3 tháng qua. Nếu là dị vật lớn đã có thể gây tắc đường thở, nguy hiểm đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.

Tác giả: Duy Tiến

Nguồn tin: Báo An ninh Thủ đô

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok