Trong tỉnh

Vốn đầu tư tại Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn & Khu công nghiệp Thanh Hóa được sử dụng thế nào?

Những năm qua, Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp Thanh Hóa làm chủ đầu tư nhiều dự án. Hiệu quả của việc quản lý vốn đầu tư tại cơ quan này như thế nào là điều dư luận đặc biệt quan tâm.

Vai trò, nhiệm vụ lớn

Tìm hiểu cho thấy, kể từ khi hoạt động đến này, Khu kinh tế Nghi Sơn thu hút được trên 200 dự án với tổng số vốn gần 20 tỷ USD, trong đó có các dự án nổ bật như dự án Cảng tổng hợp gang thép Nghi Sơn, dự án Nhà máy điện mặt trời, dự án Lọc hóa dầu…Những kết quả này đưa Khu kinh tế Nghi Sơn đứng đầu trong các khu kinh tế cả nước.

Gắn liền với sự phát triển đó là số vốn đầu tư không nhỏ, trong đó có nguồn kinh phí từ ngân sách. Cơ quan quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa là Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp Thanh Hóa (Ban quản lý KKTNS&KCN).

BQLKKTNS&KCN là cơ quan trực thuộc UBND tỉnh Thanh Hóa thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với khu kinh tế và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh này. Ngoài ra đơn vị này cũng tổ chức cung cấp dịch vụ hành chính công; các dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh cho nhà đầu tư trong khu kinh tế và các khu công nghiệp.

BQLKKTNS&KCN có tư cách pháp nhân; tài khoản; sử dụng kinh phí quản lý hành chính nhà nước, kinh phí hoạt động sự nghiệp và vốn đầu tư phát triển do ngân sách nhà nước cấp theo kế hoạch hàng năm và nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Văn Thi ký nhiều QĐPD kết quả lựa chọn nhà thầu. Ảnh: TTV

Được biết, Trưởng BQLKKTNS&KCN Thanh Hóa là ông Nguyễn Văn Thi. Trước khi được bổ nhiệm là lãnh đạo cao nhất đơn vị này, ông Thi từng giữ cương vị Phó trưởng ban quản lý cơ quan này trong một thời gian ngắn. Trước nữa, ông Thi là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP thiết bị vật tư y tế Thanh Hóa.

Tìm hiểu cũng cho thấy, một trong những nhiệm vụ quan trọng của cơ này là quản lý và sử dụng các nguồn vốn đầu tư phát triển Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp thuộc thẩm quyền trên địa bàn tỉnh. Quản lý đầu tư, xây dựng, đấu thầu đối với các dự án đầu tư bằng vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước…

Bạn đọc cung cấp tài liệu, thông tin phản ánh về hoạt động đầu tư thực hiện các dự án, công trình mà qua đó cho thấy hiệu quả tiết kiệm tiền đầu tư thấp thông qua hoạt động đấu thầu.

Theo Luật đầu tư công, Luật Đấu thầu…thì các dự án do BQLKKTNS&KCN làm chủ đầu tư phải thực hiện thông qua công tác đấu thầu. Do đó, tiết kiệm, tránh thất thoát lãng phí, không xảy ra tiêu cực…là nhiệm vụ mà lãnh đạo cơ quan này phải thực hiện.

Những con số biết nói tại dự án 'siêu khủng'

Nguồn tư liệu cho thấy, những năm qua, BQLKKTNS&KCN Thanh Hóa làm chủ đầu tư nhiều dự án lớn, trong đó có những dự giá trị hàng trăm tỷ đồng, ví như dự án Kè chống sạt lở và nạo vét tiêu thoát lũ Khu kinh tế trọng điểm Nghi Sơn.

Theo đó, ngày 29/10/2018, Trưởng BQLKKTNS&KCN Thanh Hóa ra quyết định số 311//QĐ-BQLKKTNS&KCN về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng: Kè chống sạt lở và nạo vét tiêu thoát lũ Khu kinh tế trọng điểm Nghi Sơn.

Trên cơ sở đó, ngày 1/3/2019, Trưởng BQLKKTNS&KCN Thanh Hóa tiếp tục ra quyết định số 63/QĐ-BQLKKTNS&KCN về việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu các gói thầu cho dự án: Kè chống sạt lở và nạo vét tiêu thoát lũ Khu kinh tế trọng điểm Nghi Sơn (giai đoạn 1).

Phản ánh của bạn đọc cho thấy, dự án trên gồm một số gói thầu như: Gói thầu số 04: Tư vấn khảo sát, lập TKBVTC-DT và cắm cọc GPMB; Gói thầu số 05: Giám sát khảo sát xây dựng bước TKBVTC; Gói thầu số 06: Thi công xây dựng đê, tràn sông Thạch Luyện; Gói thầu số 08: Thẩm tra TKBVTC-DT; Gói thầu số 09: Giám sát thi công xây dựng…

Trụ sở BQLKKTNS&KCN Thanh Hóa

Được biết, nguồn vốn sử dụng cho dự án từ ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu thuộc chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020; nguồn ngân sách tỉnh Thanh Hóa và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

Tuy nhiên, "điểm nhấn" khiến dư luận quan tâm đến dự án này lại là mức chênh lệch giữa giá gói thầu và giá trúng của các gói thầu.

Theo đó, gói thầu số 06: Thi công xây dựng đê, tràn sông Thạch Luyện có giá 103.801.106.000 đồng, giá trúng chỉ là 102.510.612.000 đồng. Tổng công ty Xây dựng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa là đơn vị trúng thầu theo Quyết định phê duyệt (QĐPD) kết quả lựa chọn nhà thầu số 381/QĐ-BQLKKTNS&KCN ngày 21/10/2019.

Mức chênh lệch thấp cũng diễn ra ở nhiều gói thầu trị giá nhỏ trong dự án này. Cụ thể, gói thầu số 04: Tư vấn khảo sát, lập TKBVTC-DT và cắm cọc GPMB có giá 2.205.534.000 đồng. Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Xây dựng hạ tầng Huy Hoàng trúng với giá 2.169.328.000 đồng.QĐPD số: 116/QĐ-BQLKKTNS&KCN ngày 12/4/2019.

Điều tương tự diễn ra ở gói thầu gói thầu số 08: Thẩm tra TKBVTC-DT. Giá của gói thầu này là 118.350.000 đồng. Giá trúng vẫn là 118.350.000 đồng. Đơn vị trúng là Công ty CPP tư vấn xây dựng VINASEAN theo QĐPD số 155QĐ/BQLKKTNS&KCN ngày 13/05/2019.

Còn tại gói thầu số 05: Giám sát khảo sát xây dựng bước TKBVTC, tỷ lệ tiết kiệm cũng không có số dư. Theo đó, giá trúng của Công ty CP tư vấn xây dựng VINASEAN là 39.274.000 đồng. Con số này cũng bằng với giá gói thầu. QĐPD số: 117/QĐ-BQLKKTNS&KCN ngày 12/4/2019.

Ở nội dung Giám sát thi công xây dựng, vẫn là Công ty CP tư vấn xây dựng VINASEAN được “xướng tên" khi nhà thầu này trúng gói thầu số 09 với giá trúng 1.533.241.000 đồng. Được biết, giá của gói thầu này là 1.549.210.000 đồng. (QĐPD số: 363/QĐ-BQLKKTNS&KCN ngày 11/10/2019).

Theo phản ánh thì ông Nguyễn Văn Thi, Trưởng BQLKKTNS&KCN Thanh Hóa là người ký nhiều QĐPD trúng thầu. Kiểm chứng cho thấy, phản ánh này là xác thực.

Như vậy, tổng giá trị của các gói thầu nêu trên là gần 110 tỷ đồng, nhưng tổng giá trị tiết kiệm chưa đạt 2 tỷ đồng.

Tình trạng phổ biến?

Bạn đọc tiếp tục phản ánh về hoạt động đấu thầu tại BQLKKTNS&KCN Thanh Hóa. Theo đó, tình trạng chênh lệch thấp giữa giá mời thầu và giá trúng thầu tại cơ quan không chỉ diễn ra ở các gói thầu trong cùng một dự án, mà còn diễn ra ở các gói thầu các dự án khác nhau.

Cụ thể, tại gói thầu số 12: Thi công xây dựng Hạng mục: Di chuyển đường ống cấp nước thô và đường ống cấp nước sạch đoạn cắt qua mặt bằng dự án Liên hợp gang thép Nghi Sơn; sửa chữa tuyến đường 513 đoạn trước mặt, thuộc dự án Đường từ Quốc lộ 1A đến điểm đầu tuyến đường Đông Tây 4 đi cảng Nghi Sơn thuộc tuyến đường từ Quốc lộ 1A đi cảng Nghi Sơn có giá 41.277.782.000 đồng.

Giá trúng của liên danh Tổng công ty công trình giao thông I Thanh Hóa - Công ty cổ phần tư vấn và đầu tư xây dựng DECO - Công ty TNHH Lộc Dương là 41.170.251.000 đồng theo QĐPD số 15/QĐ-BQLKKTNS&KCN ngày 11/01/2019.

Một trong những quyết định phê duyệt lựa chọn nhà thầu của BQL Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp.

Trước đó, vào tháng 5/2018, tại gói thầu số 2: Thi công xây dựng công trình và bảo hiểm xây dựng công trình (bao gồm cả chi phí hạng mục chung; chi phí điều tiết đảm bảo an toàn giao thông thủy), thuộc dự án Xử lý khẩn cấp tuyến đê chắn sóng và khu neo đậu tạm phục vụ cho neo đậu tàu thuyền của ngư dân xã Hải Hà, huyện Tĩnh Gia cũng có mức chênh lệch thấp.

Gói thầu này thuộc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng khu vực Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp Thanh Hóa. Cần biết, Ban quản lý dự án này thuộc BQLKKTNS&KCN Thanh Hóa.

Theo đó, gói thầu này có giá 11.116.900.000 đồng, giá trúng của Công ty TNHH An Tiến là 11.070.850.000 đồng theo QĐPD số: 31/QĐ-BQLDAKV ngày 16/5/2018.

Nguồn tư liệu tiếp tục cho thấy tình trạng này còn xuất hiện ở các năm trước đó. Ví như gói thầu số 12: Mua sắm, lắp đặt máy phát điện dự phòng tại trạm bơm cấp I, trạm bơm tăng áp số 1 và trạm bơm tăng áp số 2, thuộc dự án Đường ống cấp nước thô từ hồ Yên Mỹ về hồ Đồng Chùa.

Giá của gói thầu này là 8.074.601.000 đồng, Công ty Cổ phần thương mại và đầu tư Hoa Namtrúng với giá 8.052.000.000 đồng theo QĐPD số: 266/QĐ-BQLKKTNS&KCN ngày 28/11/2017.

Về hoạt động quản lý vốn đầu tư tại BQLKKTNS&KCN Thanh Hóa chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh trong bài viết tiếp theo.

Tác giả: PV

Nguồn tin: doisongplus

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok