Kinh tế

Việt Nam xây nhà máy điện hạt nhân, 10 năm nữa cũng không có

Khả năng phát triển điện hạt nhân của Việt Nam được Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) đánh giá là khá thấp.

Theo đánh giá của Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) tại Dự thảo Báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được lấy ý kiến, điện hạt nhân có nhiều ưu điểm.

Đối với an ninh năng lượng, nguồn điện này có tính liên tục chỉ ngừng phát khi có sự cố và có tuổi thọ dài đến hơn 50 năm, giá điện rất ổn định (80-90% chi phí là chi phí cố định), ít bị ảnh hưởng bởi tình hình ở các quốc gia khác và giá nhiên liệu.

Về môi trường, điện hạt nhân không phát thải khí nhà kính, bụi và các khí thải gây ô nhiễm khác.

Việt Nam vẫn chưa tính đến điện hạt nhân.

Điện hạt nhân cũng góp phần đa dạng hóa các nguồn năng lượng. Theo Viện Năng lượng, Bộ Công Thương, nếu cơ cấu nguồn điện phụ thuộc quá mức vào một loại hình nhiên liệu sẽ xảy ra nhiều vấn đề (như thiếu nhiên liệu, giá cả thị trường tăng cao, chi phí cung cấp tăng lên) dẫn đến giảm sản lượng điện gây thiếu điện. Việc nhập khẩu than và LNG với quy mô lớn cũng tiềm ẩn các nguy cơ này. Do vậy, nếu phát triển điện hạt nhân sẽ tránh hoặc giảm bớt sự phụ thuộc quá mức vào than và khí nhập khẩu.

Tuy nhiên, Viện Năng lượng, Bộ Công Thương cũng chỉ ra một số hạn chế của loại hình năng lượng này. Do chi phí đầu tư cao (khoảng 6.000 USD/kW) và bổ sung các yêu cầu về an toàn đối với rủi ro như sóng thần, khủng bố,... đã làm vốn đầu tư của điện hạt nhân trở nên quá cao và rất khó giảm trong tương lai.

"Việt Nam sẽ phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo đến năm 2050 nên không cần thiết hoặc rất khó phát triển điện hạt nhân trong thời gian này. Hơn nữa, điện hạt nhân là loại nguồn có khả năng linh hoạt kém, công suất đầu ra thay đổi rất chậm, nên chỉ huy động là nguồn chạy đáy biểu đồ phụ tải", báo cáo viết.

Do vậy, theo Viện Năng lượng, Bộ Công Thương, trong tương lai, chỉ khi thuế CO2 được áp dụng giúp tăng khả năng cạnh tranh của điện hạt nhân so với các loại hình nguồn điện sử dụng năng lượng hóa thạch với kịch bản chi phí phát thải rất cao, giá CO2 lên trên 15 USD/tấn, thì mới xuất hiện nguồn điện hạt nhân trong kết quả của mô hình tính toán quy hoạch.

Theo Nghị quyết số 31/2016/QH14 ngày 22/11/2016 của Quốc hội về việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, điện hạt nhân sẽ không đầu tư phát triển trong giai đoạn đến năm 2030.

Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận bao gồm hai nhà máy 1 và 2 được dự tính xây dựng cho đến năm 2016 tại tỉnh Ninh Thuận, Việt Nam với tổng công suất trên 4.000 MW. Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, hai dự án sẽ được khởi công vào năm 2020 chậm hơn 6 năm dự kiến.

Sau thảm họa phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima năm 2011 tại Nhật Bản do động đất và sóng thần, dự án sau đó phải lùi địa điểm đã chọn vào đất liền sâu hơn, công trình được nâng lên để bảo đảm an toàn.
Tổng mức đầu tư dự toán khoảng 200.000 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2008. Trong đó Nga đồng ý cho Việt Nam vay 10,5 tỷ USD, Nhật cho vay nguồn vốn ODA làm điện hạt nhân.

Đến tháng 11/2016, Quốc hội đã biểu quyết dừng thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận vì lý do kinh tế.


Tác giả: Lương Bằng

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok