Trong tỉnh

Thanh Hóa: Thực hư thông tin Bí thư huyện ủy Thạch Thành bị tố nâng đỡ không trong sáng hàng loạt người nhà

Gần đây, Phóng viên báo Tầm Nhìn liên tục nhận được đơn tố cáo khẩn cấp liên quan đến bà Bùi Thị Mười, bí thư huyện ủy Thạch Thành có dấu hiệu nâng đỡ người thân vào các vị trí trọng yếu trong bộ máy chính quyền huyện và nhiều nội dung khác.

Vợ làm bí thư huyện ủy, chồng làm bảo vệ sao đành?

Theo nội dung đơn tố cáo, chồng bà Mười là ông Quách Văn Cảnh vốn dĩ là một nông dân, có nghề “luồn rừng, tuốt lá”, “đặt bẫy bắn chim”. Khi bà Mười đang là Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Ban Tổ chức Huyện Ủy đã “cậy nhờ” các mối quan hệ để xin ông Cảnh vào làm bảo vệ cơ quan UBND huyện. Sau đó, con đường quan lộ rộng mở, bà Mười trở thành Phó bí thư thường trực rồi Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy. Song song với quá trình thăng tiến của vợ, ông Cảnh từ nhân viên bảo vệ làm việc theo dạng hợp đồng với cơ quan UB huyện được cử đi học tại chức rồi được đặc cách tuyển dụng làm cán bộ viên chức UBND huyện. Ông Cảnh đã từng làm cán bộ Ban quản lý Chiến khu Ngọc Trạo trước khi chuyển thành viên chức Trung tâm văn hóa thể thao huyện Thạch Thành. Điều oái ăm là ông Cảnh là cán bộ Trung tâm nhưng không có chuyên môn nghiệp vụ gì liên quan đến văn hóa, thể thao cả.

Trụ sở Huyện ủy Thạch Thành (Thanh Hóa), nơi bà Bùi Thị Mười đang công tác

Thiết nghĩ, câu chuyện vợ làm Bí thư huyện ủy, nhất là tại một huyện miền núi như Thạch Thành thì chồng làm bảo vệ cơ quan dễ tạo ra nhiều cảnh trớ trêu, dèm pha. Tuy nhiên, việc “quan lộ” của vợ chồng ông Cảnh bà Mười tựa như “đôi bạn cùng tiến” đến nay vẫn để lại không ít xì xào, điều tiếng tại địa phương.

Cách đây hơn một tháng, cũng tại Thạch Thành rộ lên đơn thư liên quan đến việc ông Cảnh được đặc cách tuyển dụng làm cán bộ UBND huyện khi chưa có bằng tốt nghiệp cấp 3. Theo hồ sơ cán bộ lưu tại phòng nội vụ, ông Cảnh có họ tên đầy đủ là Quách Văn Cảnh (SN: 4/1/1969) tại Thành An, Thạch Thành; số hiệu bằng: 11.481; tốt nghiệp trung học phổ thông cấp ngày 1/8/1986; kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 1986 tại Thạch Thành. Trao đổi với báo chí, Ông Trịnh Văn Tâm – Chánh Văn phòng sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Thanh Hóa cho biết, qua tra cứu hồ sơ lưu tại Sở cho thấy, ông Quách Văn Cảnh (SN: 4/1/1969) tại Thành An, Thạch Thành; tốt nghiệp THPT tại Thạch Thành, khóa thi ngày 31/5/1986; xếp loại tốt nghiệp: Trung bình; số hiệu bằng: 11.481.

Nâng đỡ em họ là công nhân mía đường vào Thường vụ Huyện ủy

Theo nội dung đơn tố cáo bà Bùi Thị Định sinh năm 1977, năm 1996 bà thi trượt tốt nghiệp THPT do bị điểm liệt môn lịch sử. Điều đáng bàn mặc dù chưa có bằng THPT nhưng năm 1996 bà Định vẫn được cử đi học chuyên nghành hóa thực phẩm hệ cao đẳng tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Khi được cử đi học, bà Định đang là công nhân Công ty mía đường Việt Đài đóng trên địa bàn huyện. Vì thế mới nảy sinh ra tình huống dở khóc dở cười là năm 1999 bà Định trở thành cử nhân nhưng mãi đến năm 2003 bà Định mới tốt nghiệp THPT.

Bằng cấp 3 được cấp cho bà Bùi Thị Định năm 2002, nhưng bà này lại có bằng cao đẳng từ năm 1999

Để xác minh thông tin, phóng viên Tầm Nhìn đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Vị này xác nhận có sinh viên Bùi Thị Định theo học hệ cao đẳng thời gian 1996 – 1999 và đã hoàn thành khóa học, được cấp bằng cử nhân hệ cao đẳng. Tuy nhiên vị này cũng nhấn mạnh không có chuyện chưa có bằng THPT mà được đặc cách vào học tại trường, và nhấn mạnh rằng có thể đã có một chiêu trò “ma giáo” nào đó trong hồ sơ đầu vào của bà Định.

Sau khi có tấm bằng cao đẳng “chui”, bà Định chuyển sang làm ở phòng Giao thông công chính huyện. Sau đó bà lần lượt kinh qua các vị trí công tác tại Liên đoàn Lao động, Phó chủ tịch, Chủ tịch Hội LH Phụ nữ rồi Bí thư xã Thành Thọ. Vị trí công tác hiện nay của bà Định là Thường vụ huyện ủy, Phó chủ tịch HĐND huyện.

Trả lời báo chí, bà Định cũng thừa nhận sau khi về địa phương công tác bà mới có thời gian và điều kiện đi học bổ túc văn hóa. Sau khi hoàn thành hệ bổ túc bà tiếp tục đi học hệ đại học tại chức. Còn việc tốt nghiệp cử nhân trước khi là THPT bà cho biết lúc đó tổ chức cử đi học thì bà chấp hành. Còn việc hồ sơ thủ tục ra sao bản thân bà không còn nhớ vì thời gian đã lâu.

Được biết bà Bùi Thị Định là con gái ông Bùi Trọng Liên, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư thư huyện ủy Thạch Thành. Theo nội dung đơn thư tố cáo thì ông Liên là họ hàng gần với đương kim bí thư huyện ủy Bùi Thị Mười. Ông Liên chính là người có ảnh hưởng to lớn đến vị trí và quá trình công tác, rèn luyện của bà Mười. Chính vì thế theo đúng truyền thống của người địa phương, bà Mười đã “dìu dắt” để con gái ông Liên là bà Bùi Thị Định có những bước trưởng thành vượt bậc trong quá trình công tác tại địa phương.

Đề bạt người nhà vào vị trí chủ tịch Hội LH Phụ nữ?

Liên quan đến các nội dung trong đơn tố cáo phản ánh bà Bùi Thị Mười đã dùng “sức ép” của mình để đưa họ hàng là bà Bùi Thị Bích Thủy vào vị trí Huyện ủy viên, chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Thạch Thành. Theo nội dung lá đơn này thì trước đó bà Thủy vừa được bầu làm Phó chủ tịch Hội Phụ nữ chưa lâu lại tiếp tục được giao trọng trách quyền chủ tịch Hội.

Lá đơn phản ánh khi đó bà Vân Anh đang là Chủ tịch Hội Phụ nữ, là người đã gắn bó lâu năm trong công tác hội và rất có uy tín tại địa phương. Tuy vậy, đang giữa nhiệm kì và không hề có bất kì sai phạm nào trong công tác điều hành, bà Vân Anh bất ngờ được điều động, luân chuyển làm Phó Chủ tịch UB MTTQ huyện. Vì thế vị trí Chủ tịch Hội LHPN được giao tạm quyền cho bà Bùi Thị Bích Thủy. Khi đó, bà Thủy chưa phải Huyện ủy viên nên phải hơn một năm sau, khi đã trở thành ủy viên BCH huyện ủy bà Thủy mới chính thúc được kiện toàn chức danh chủ tịch Hội LHPN huyện.

Người đứng tên tố cáo cho hay, mẹ bà Thủy là cô ruột bà Mười. Tuy vậy, trả lời chuyên trang Phapluatplus, bà Thủy phân trần: "Có phải có ô dù hay không thì anh em báo chí cũng có sự xác minh là ra ngay. Nếu bảo cùng họ thì ở địa phương có tới 50% đều có họ Bùi, nên không phải vì thế là anh em, họ hàng. Từ bé đến giờ tôi chưa nghe nói có anh em bà con với lãnh đạo huyện, kể cả họ hàng làm giỗ cũng không chung bao giờ. Còn muốn xác minh thì rất dễ, cơ quan báo chí có thể về tìm hiểu tại địa phương thì rõ nhất."

Cần lưu ý thêm rằng, vị trí Chủ tịch hội Phụ nữ cũng chính là bước đệm quan trọng mà bà Bùi Thị Mười, Bùi Thị Định đã kinh qua trước khi trở thành lãnh đạo chủ chốt Huyện ủy và HĐND huyện.

(còn nữa...)

Tác giả: Nhóm Phóng Viên

Nguồn tin: tamnhin.net.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok