Trong tỉnh

Cán bộ “nâng đỡ không trong sáng” cho doanh nghiệp, gây mất nguồn thu cả tỷ đồng

Hàng loạt các vi phạm về đất đai, chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng tại xã Quảng Hợp huyện Quảng Xương đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm gây bức xúc dư luận.

Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, năm 2019 Thanh Hóa có số lượng khởi tố các vụ vi phạm liên quan tới đất đai nhiều nhất trong lịch sử. Quá trình giải quyết vụ việc liên quan tới nhiều người, cả người có thẩm quyền và người có trách nhiệm có liên quan. Một số vụ vi phạm về đất đai, giải phóng mặt bằng ở địa phương nếu không được giải quyết rốt ráo, dứt điểm có thể trở thành điểm nóng, gây phức tạp tình hình. Vụ việc vi phạm đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng tại xã Quảng Hợp, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa là một minh chứng điển hình cho nhận định trên, đồng thời để lại nhiều bài học đắt giá về quản lý Nhà nước về lĩnh vực được cho là hết sức nhạy cảm này.

Ưu ái doanh nghiệp - Người dân, xã mất nguồn thu cả tỷ đồng

Liên quan đến vụ việc ông Đỗ Ngọc Toàn, nguyên Chủ tịch UBND xã Quảng Hợp, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa xin “biếu không" 77.222m2 đất, trong đó có 60.678m2 đất do UBND xã Quảng Hợp quản lý cho Công ty TNHH 888 trực thuộc Tổng Công ty Cổ phần May 10. Hàng loạt các câu hỏi về trách nhiệm, biện pháp khắc phục hậu quả được đặt ra, như: Việc UBND xã Quảng hợp không lập hồ sơ để được nhận tiền hỗ trợ bồi thường đối với diện tích đất công ích khi thu hồi, thì ngân sách xã có bị xem là mất nguồn thu không?

Nếu mất nguồn thu thì trách nhiệm thuộc về cơ quan nào? Đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm chi trả tiền hỗ trợ bồi thường diện tích đất công ích nói trên? Trường hợp ngân sách xã được nhận hỗ trợ bồi thường đối với phần diện tích đất công ích nói trên thì số tiền được nhận là bao nhiêu?

Theo Thanh tra tỉnh Thanh Hóa, tại khoản 7, Điều 3, Quy định chính sách hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, ban hành kèm quyết định 3788/2009/QĐ-UBND ngày 23/10/2009, ngân sách xã được hỗ trợ bằng 70% theo giá đất nông nghiệp khi thu hồi đất công ích do UBND xã quản lý. Số tiền trên chỉ được sử dụng vào mục đích đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng, sử dụng vào mục đích công ích của xã. Như vậy, nếu lập đầy đủ hồ sơ, đề nghị khi thu hồi 60.678 m2 đất nông nghiệp do UBND xã quản lý, thì ngân sách xã Quảng Hợp sẽ được hỗ trợ số tiền hơn 1,4 tỷ đồng.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc, việc UBND xã Quảng Hợp không lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ 70% tiền đất công ích cho UBND xã Quảng Hợp số tiền hơn 1,4 tỷ đồng có ảnh hưởng tới nguồn thu của xã. Hay nói cách khác, việc xã Quảng Hợp làm văn bản “biếu không” cho Công ty TNHH 888 hàng chục nghìn mét vuông đất, trong đó có 60.678m2 đất công ích do UBND xã Quảng Hợp quản lý là không đúng các quy định của Nhà nước.

Mặt khác, tài liệu của phóng viên có được cho thấy, HĐND và UBND xã Quảng Hợp cũng không có chủ trương nào về việc miễn tiền hỗ trợ đất công ích đối với Công ty TNHH 888. Ngân sách UBND xã Quảng Hợp cũng không thể hiện khoản thu nào liên quan đến tiền hỗ trợ đất công ích sau khi thu hồi đất để giao cho Công ty TNHH 888.

Trụ sở Công ty 888

Ngoài vi phạm trên, công dân còn tố cáo ông Đỗ Ngọc Toàn có sai phạm trong việc giải phóng mặt bằng, cho một số cá nhân thuê đất do UBND xã với diện tích lên tới hơn 100.000m2, nhưng không lập phương án trình UBND huyện phê duyệt kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng, làm mất nguồn thu của xã.

Theo đó, đa số các trường hợp được thuê đất, UBND xã Quảng Hợp không lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng trình UBND huyện phê duyệt, không đúng quy định tại khoản 7, Điều 3, quy định chính sách hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Theo tính toán, việc UBND xã Quảng Hợp không lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ tiền đất công ích cho UBND xã Quảng Hợp số tiền ước tính hơn 4,2 tỷ đồng, làm ảnh hưởng tới nguồn thu của xã. Trách nhiệm thuộc về HĐND, UBND xã Quảng Hợp và ông Đỗ Ngọc Toàn, nguyên Chủ tịch UBND xã Quảng Hợp, nhiệm kỳ 2010-2015; HĐND, UBND xã thời điểm 2015-2017, ông Bùi Xuân Hồng, Chủ tịch UBND xã nhiệm kỳ 2015-2017.

Ngoài ra, trong các nội dung tố cáo đã được cơ quan chức năng xác minh thì có việc ông Đỗ Ngọc Toàn, nguyên Chủ tịch UBND xã Quảng Hợp từ năm 2010-2015 đã giao đất trái thẩm quyền 3 lô đất cho các hộ dân, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Theo đó, năm 2011 UBND xã Quảng Hợp đã giao đất trái thẩm quyền cho hộ ông Nguyễn Ngọc Phan với diện tích 200m2, có Phiếu thu tiền số 52 với số tiền 40 triệu đồng. Hiện nay, gia đình ông Phan đã làm nhà trên đất giao trái phép này nhưng chưa được cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tiếp đó, năm 2012 UBND xã Quảng Hợp giao đất trái thẩm quyền cho bà Trần Thị Lý, có Phiếu thu số 105, diện tích 200m2, số tiền 42 triệu đồng. Gia đình bà Lý cũng đã làm nhà trên khu đất này nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ngoài ra, năm 2010 UBND xã Quảng Hợp giao đất trái thẩm quyền cho ông Trần Ngọc Nhâm. Hiện ông Nhâm đã xây dựng nhà ở và đã được cơ quan chức năng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Cả 3 trường hợp nói trên đều được cơ quan chức năng kết luận: Việc UBND xã Quảng Hợp và ông Đỗ Ngọc Toàn, nguyên Chủ tịch UBND xã Quảng Hợp thực hiện việc giao đất như trên là trái thẩm quyền, vi phạm quy định tại điều 15, Khoản 2, Điều 37 Luật Đất đai năm 2003. Trách nhiệm sai phạm này thuộc về UBND xã Quảng Hợp, ông Đỗ Ngọc Toàn và cán bộ địa chính đất đai cùng thời kỳ.

Câu hỏi đặt ra là, việc UBND xã Quảng Hợp và cá nhân ông Đỗ Ngọc Toàn từng xin ưu ái cho doanh nghiệp, người dân thuê đất, gây mất nguồn thu của xã sẽ được xử lý ra sao? Động cơ của những hành vi vi phạm này là gì? Liêu có lợi ích nhóm trước những vi phạm của các cán bộ có liên quan tới vụ việc nói trên?

Chi trả thiếu gần 1 tỷ đồng tiền bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng

Ngoài những nội dung trên, công dân xã Quảng Hợp còn tố ông Đỗ Ngọc Toàn chi trả thiếu tiền bồi thường giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất thực hiện các mặt bằng dân cư nông thôn trên địa bàn.

Kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy, tại mặt bằng số 31 năm 2010 theo Quyết định số 1846/QĐ-UBND ngày 26/10/2010 của UBND huyện Quảng Xương phê duyệt bồi thường cho 38 hộ tại thôn Hợp Gia. Theo đó, tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng là 908.877.500 đồng, UBND xã Quảng Hợp mới chi trả cho 36 hộ dân là 355.000.000 đồng, còn chưa chi trả cho các hộ dân thiếu 553.877.500 đồng.

Mặt bằng số 34 năm 2010, theo Quyết định số 1846/QĐ-UBND ngày 26/10/2010 của UBND huyện Quảng Xương phê duyệt bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho 6 hộ dân thôn Hợp Én với tổng số tiền là 72.800.000 đồng. Hiện UBND xã Quảng Hợp mới chi trả cho các hộ dân là 34.265.000 đồng, còn thiếu chưa chi trả cho dân 38.535.000 đồng.

UBND xã Quảng Hợp, Quảng Xương.

Đối với mặt bằng số 39 năm 2011, theo Quyết định số 1734/QĐ-UBND ngày 8/9/2011 của UBND huyện Quảng Xương phê duyệt bồi thường cho 5 hộ dân tại thôn Hơp Gia với tổng số tiền được phê duyệt bồi thường là 37.185.000 đồng. Tuy nhiên, số tiền này UBND xã Quảng Hợp không thực hiện chi trả cho các hộ dân.

Mặt bằng số 40 năm 2011, được UBND huyện Quảng Xương phê duyệt bồi thường cho 14 hộ tại thôn Hợp Gia với tổng số tiền đền bù giải phóng mặt bằng là 299.270.000 đồng. Hiện, UBND xã Quảng Hợp mới chi trả cho các hộ dân 289.810.000 đồng, còn thiếu 9.460.000 đồng chưa chi trả cho dân.

Các mặt bằng số 184, 185, 186, 187 năm 2013, theo quyết định phê duyệt của Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương bồi thường cho 39 hộ dân thôn Hợp Bình với tổng số tiền là 516.375.000 đồng. UBND xã Quảng Hợp mới chi trả 160.650.000 đồng, số tiền còn lại 355.725.000 đồng chưa thực hiện chi trả cho dân.

Như vậy, việc công dân tố cáo ông Đỗ Ngọc Toàn, nguyên Chủ tịch UBND xã Quảng Hợp có sai phạm trong việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, thực hiện các quy hoạch mặt bằng dân cư nông thôn là đúng. Từ năm 2010 đến 2013, không công khai thực hiện chi trả theo các quyết định phê duyệt dự toán bồi thường giải phóng mặt bằng cho các hộ dân có đất bị thu hồi, mà thỏa thuận với các hộ dân để chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng thấp hơn so với dự toán được duyệt với tổng số tiền 994.782.500 đồng. Trách nhiệm này thuộc về UBND xã Quảng Hợp, ông Đỗ Ngọc Toàn, công chức kế toán ngân sách xã, địa chính đất đai nhiệm kỳ 2010-2015.

Khi được hỏi về việc xử lý trách nhiệm đối với cán bộ có liên quan trực tiếp tới hàng loạt vi phạm nói trên, ông Lê Huy Kỳ, Bí thư Huyện ủy Quảng Xương, Thanh Hóa cho biết: "Sau khi Thanh tra tỉnh Thanh Hóa có kết luận sẽ xem xét xử lý cán bộ theo đúng quy định. Quan điểm của huyện là không bao che, dung túng cho vi phạm", ông Kỳ nói.

Được biết, trước thời điểm những vi phạm được phát giác, ông Đỗ Ngọc Toàn được điều chuyển làm công tác đảng ở xã lân cận. Hiện nay ông Toàn đã "nghỉ hưu" vì không đủ điều kiện để giới thiệu nhân sự cấp ủy: "Ông Toàn đang có đơn thư tố cáo trong vụ việc này, nên không đủ điều kiện giới thiệu nhân sự", ông Kỳ thông tin.

Tác giả: Quốc Toản

Nguồn tin: reatimes.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok