Trong tỉnh

Thanh Hóa: Doanh nghiệp không ngừng kêu than sắp phá sản vì bị "ngâm" hồ sơ giải quyết?

Đã ba (03) năm trôi qua, 50 chiếc xe điện của Công ty TNHH Phương Hiền không được lăn bánh. Vì sao?

“Thống nhất về mặt chủ trương, chưa thống nhất về nguyên tắc, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng, đề án sơ sài”, đây là lý do mà người phát ngôn TP Sầm Sơn trả lời phóng viên Phapluatplus.vn về việc; 50 chiếc xe buýt điện của Công ty TNHH Phương Hiền không được đăng ký và không thể lăn bánh.

Trong khi Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm tới vấn đề phát triển doanh nghiệp, điều này đã được thể hiện rõ trong Nghị quyết số 35/NĐ-CP, ngày 16/5/2016 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.

Cụ thể, nội dung Nghị quyết nêu rõ: “Chính phủ và các cơ quan thuộc Chính phủ phải tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân (UBND) các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương phải tổ chức đối thoại công khai ít nhất hai lần/ năm với cộng đồng doanh nghiệp, báo chí để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp trên địa bàn…”.

Tuy nhiên, sự phi lý đã đến với doanh nghiệp Phương Hiền có địa chỉ tại số 35 đường Hồ Xuân Hương, TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Vì đã 03 (ba) năm qua, doanh nghiệp này vẫn mòn mỏi chờ đợi phán quyết của lãnh đạo Thành phố Sầm Sơn và tỉnh Thanh Hóa là có hay không cho phép 50 xe buýt điện của doanh nghiệp Phương Hiền hoạt động.

Điều này đã và đang gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp, cản trở và làm khó doanh nghiệp.

Nghiêm trọng hơn những văn bản chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Trưởng GTVT chỉ có giá trị… trên giấy. Cụ thể, Bộ giao thông vận tải (BGTVT) nhận được phiếu chuyển số 216PC-VPCP, của Văn phòng Chính phủ, chuyển văn bản số 08/PH, ngày 07/02/2018 của Công ty TNHH Phương Hiền kiến nghị giải quyết dứt điểm việc đưa vào sử dụng hai tuyến xe buýt 04 bánh có gắn động cơ sử dụng năng lượng điện để chở khách trên địa bàn TP Sầm Sơn.

BGTVT có ý kiến chỉ đạo như sau : “...Đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa quan tâm chỉ đạo, phê duyệt đề án đối với doanh nghiệp có nhu cầu thí điểm hoạt động đối với xe 04 bánh có gắn động cơ chạy bằng điện chở khách tại các tuyến đường hạn chế đã phê duyệt trên địa bàn TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Giao sở GTVT Thanh Hóa chủ trì phối hợp Công an tỉnh Thanh Hóa, UBND thành phố Thanh Hóa hướng dẫn doanh nghiệp thí điểm sử dụng xe được đăng ký, cấp biển số theo quy định tại Thông tư số15/2014/TT-BCA ngày 04/04/2014, thực hiện kiểm tra lưu hành an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe theo quy định tại Thông tư số 86/2014”.

Ngày 25/7/2018, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký văn bản số 945 có nội dung như sau: “...Yêu cầu UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo giải quyết dứt điểm kiến nghị của Công ty Phương Hiền về việc thí điểm xe 04 bánh chạy bằng năng lượng điện.

Giao Bộ GTVT kiểm tra tình hình thực hiện thí điểm xe 04 bánh có gắn động cơ sử dụng điện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, báo cáo Thủ Tướng Chính phủ kết quả kiểm tra trước ngày 31/8/2018”.

Thế nhưng, việc thực nghiệm thí điểm cho xe 04 bánh chạy bằng năng lượng điện của Công ty Phương Hiền đến nay vẫn chưa được thực hiện.

Điều đáng nói là có quá nhiều văn bản, phiếu chuyển đơn, Công văn “hỏa tốc” chỉ đạo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ, Cơ quan cấp Bộ gửi về tỉnh Thanh Hóa, đề nghị xem xét giải quyết để doanh nghiệp Phương Hiền được kinh doanh vận tải theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, Cơ quan chức năng TP Sầm Sơn hiện vẫn chưa cho doanh nghiệp này hoạt động, thay vào đó là mưa văn bản, thậm chí có văn bản vi phạm pháp luật.

Công văn chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Văn bản chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.

Phóng viên đã nhiều lần đặt lịch làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa về việc của Công ty TNHH Phương Hiền kêu cứu nhưng đến nay chỉ nhận được sự đùn đẩy và sự im lặng khó hiểu.

Để tìm hiểu thực sự việc, vì sao Công ty xe điện Phương Hiền lại không được hoạt động? Ngày 10/01/2020, Phóng viên đã liên hệ làm việc với lãnh đạo TP Sầm Sơn.

Tiếp phóng viên là bà Vũ Thị Thủy, Trưởng ban Tuyên giáo TP Sầm Sơn. Trả lời câu hỏi của phóng viên, vì sao đề án xe điện của Công ty TNHH Phương Hiền được phê duyệt, nhưng đến nay Công ty vẫn chưa thể đi vào hoạt động?

Bà Thủy cho hay: “Đây mới chỉ là thống nhất về chủ trương, chưa thống nhất về mặt nguyên tắc. Do đó, doanh nghiệp Phương Hiền chưa thể hoạt động được. Còn vì sao không được hoạt động, Thứ nhất là đề án của Công ty Phương Hiền quá sơ sài; thứ hai là cơ sở hạ tầng không đáp ứng được cho nên chưa thể cho phép xe buýt điện hoạt động”.

Để thẩm định lời nói của bà Thủy, Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn người dân về nội dung trên, ông Lê Văn Chung cho hay: “Cơ sở hạ tầng của TP Sầm Sơn quá tốt, đường đẹp, xe cộ dễ dàng lưu thông. Vấn đề không phải là cơ sở hạ tầng không tốt, mà theo tôi được biết, 1 chiếc xe buýt điện có giá khoảng 200 triệu đồng, nếu có đăng ký, 1 chiếc xe có giá từ 900 triệu tới 1tỉ đồng.

Chính vì lợi nhuận cao như vậy, nên doanh nghiệp Phương Hiền bị làm khó trong việc đăng ký làm thủ tục cho xe điện lăn bánh”.

Vì sao, một hình thức kinh doanh đơn thuần, đảm bảo tính an toàn, đảm bảo vệ sinh, động cơ thân thiện với môi trường, thực hiện đúng quy định của pháp luật, thế nhưng lại bị cản trở, gây khó khăn?

Để pháp luật đồng hành cùng doanh nghiệp, phóng viên sẽ chuyển toàn bộ nội dung kêu cứu của ông Cao Duy Hồng tới Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ giao Thông vận tải để giám sát, hậu giám sát, làm thế nào để những văn bản chỉ đạo của Phó Thủ Tướng, Bộ trưởng có giá trị thực thi thay vì chỉ có giá trị …trên giấy./.

Tác giả: Lương Liễu

Nguồn tin: Pháp luật Plus

  Từ khóa: phá sản , Doanh nghiệp , thanh hóa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok