Trong tỉnh

“Siết” hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất trong quyết định mới ban hành

Tỉnh Thanh Hóa vừa ra văn bản quy định về hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, trong đó có một số thay đổi nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ.

Thông tin từ Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh Thanh Hóa, tỉnh này đã ra Quyết định số 21/2021/QĐ-UBND về việc ban hành quy định đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn.


Quyết định mới này sẽ có hiệu lực từ ngày 28/9 tới đây và chính thức thay thế cho Quyết định số 07/2018/QĐ-UBND ngày 9/3/2018 đã được tỉnh Thanh Hóa ban hành trước đó.

Rất đông người có mặt tại phiên đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa thời điểm tháng 4/2021. (Ảnh: Xuân Chinh)

Theo thông tin trong quyết định mới ban hành, đáng chú ý đã có một số nội dung cơ bản đã được thay đổi nhằm “siết” chặt quy định trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, thuê đất.

Cụ thể, trước tiên phải hoàn thành xong công tác giải phóng mặt bằng 100% diện tích thửa đất đưa ra đấu giá theo mặt bằng quy hoạch và dự án đầu tư, trong trường hợp yêu cầu xây dựng hạ tầng thì phải hoàn thành việc xây dựng hạ tầng mới được phép tiến hành đưa ra đấu giá.

Đối với đất phân lô (thửa) cho hộ gia đình, cá nhân chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của cơ quan thuế, người trúng đấu giá nộp 100% tiền sử dụng đất. Trong thời hạn trên, nếu người trúng đấu giá không nộp tiền hoặc nộp tiền không đủ theo thông báo thì bị hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Trong quy định trước đây, nhà đầu tư có thể “chây ì” tới 120 ngày mới bị hủy kết quả trúng đấu giá và mất tiền đặt cọc.

Ngoài ra, đối với đất đấu giá để thực hiện dự án đầu tư trong trường hợp giao đất và thuê đất nộp tiền một lần vẫn sẽ được nộp chia làm 2 lần: Chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất, thuê đất của cơ quan thuế, người trúng đấu giá nộp 50% tiền sử dụng đất, thuê đất theo thông báo (đợt 1); chậm nhất là 90 ngày, kể từ ngày ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất, thuê đất, người trúng đấu giá phải nộp 50% tiền sử dụng đất, thuê đất còn lại theo thông báo (đợt 2).

Nếu quá thời hạn mỗi đợt, nhà đầu tư không nộp đủ theo quy định sẽ bị hủy kết quả trúng đấu giá. Khi đó, tiền đặt cọc được thu nộp vào ngân sách Nhà nước sau khi trừ đi chi phí cuộc đấu giá, tiền sử dụng đất đã nộp được trả lại mà không được tính lãi suất hoặc trượt giá.

Dường như để thể hiện rõ quyết tâm, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các cơ quan chức năng chậm nhất trong vòng 6 ngày làm việc phải hoàn thành hồ sơ, tham mưu hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá nếu nếu người trúng đấu giá không nộp tiền hoặc nộp tiền không đủ theo thông báo. Đồng thời, nghiêm cấm tuyệt đối các cơ quan chức năng tham mưu, cho phép gia hạn thời gian nộp tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất.

Mặt bằng quy hoạch mà các nhà đầu tư trúng đấu giá ở thời điểm tháng 4/2021 vừa mới "bỏ cọc", hủy kết quả đấu giá trong tháng 8. (Ảnh: Xuân Chinh)

Ngoài sự thay đổi về thời gian hoàn thành việc nộp tiền trúng đấu giá đất, thuê đất, quyết định mới này bắt buộc nhà đầu tư khi tham gia đấu giá phải nộp mức tiền đặt trước là 20% giá khởi điểm của thửa đất đấu giá được quy định tại phương án đấu giá. Trong khi trước kia, mức tiền đặt cọc dao động trong khoảng từ 5 tới 20% tùy từng phiên đấu giá.

Đồng thời, đến thời điểm nộp hồ sơ tham gia đấu giá, người tham gia đấu giá không còn nợ đọng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và các khoản nộp ngân sách khác trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá mới đủ điều kiện đăng ký tham gia phiên đấu giá.

Trước những thay đổi của hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất trong quyết định mới, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Sau khi Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương ra một số Thông tư, Nghị định mới về đấu giá liên quan lĩnh vực đất đai, trên cơ sở đó, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 21/2021/QĐ-UBND để thay thế Quyết định số 07/2018/QĐ-UBND ban hành năm 2018, trong đó, có bổ sung một số quy định mới trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất. Cụ thể có thể kể tới như: Mặt bằng đưa ra đấu giá phải là mặt bằng sạch hoàn toàn, có yêu cầu hạ tầng phải hoàn thành, ấn định tiền đặt cọc là 20% mức giá khởi điểm của đất được đấu giá và rút ngắn thời gian nhà đầu tư nộp tiền sử dụng đất trúng đấu giá”.

Theo ông Nguyễn Văn Thi, đây được xem là những thay đổi cơ bản nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ, nâng cao hiệu quả trong hoạt động đấu giá đất. Trên cơ sở đó, tạo sự ổn định trong kế hoạch ngân sách, phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đồng thời thể hiện quyết tâm của tỉnh Thanh Hóa trong việc tạo ra môi trường đầu tư lành mạnh.

“Quyết định mới này sẽ có hiệu lực vào ngày 28/9, chúng tôi hi vọng những thay đổi trên sẽ giúp hạn chế tình trạng đầu cơ, bỏ tiền cọc, lãng phí nguồn lực chung của xã hội do phải đấu giá lại như trong thời gian vừa qua. Từ đó, góp phần hoàn thiện lĩnh vực đấu giá quyền sử dụng đất, bám sát, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Đồng thời, tỉnh Thanh Hóa luôn quyết tâm tạo môi trường đầu tư hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tới với địa phương”, ông Thi nêu quan điểm.

Thông tin Người Đưa Tin đã đưa, trước đó tại nhiều địa phương của tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra tình trạng các nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất đã không nộp tiền trúng đấu giá, chấp nhận “bỏ cọc” khiến kết quả trúng đấu giá bị hủy.

Thực trạng này xảy ra phổ biến tới mức, một vị lãnh đạo của huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa cho rằng, số tiền đặt cọc các nhà đầu tư dự kiến bỏ lại mà huyện này có thể thu được lên tới cả trăm tỷ đồng, nếu tình trạng này không thay đổi, tuy nhiên điều này không đáng mừng mà đáng lo, vì nó ảnh hưởng kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

Tác giả: Việt Phương

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok