Du lịch

Sa Pa, Hạ Long "cháy phòng" dịp nghỉ lễ 30/4, cảnh báo "thổi giá" dịch vụ

Các khách sạn, nhà nghỉ tại nhiều điểm du lịch nổi tiếng như Sa Pa (Lào Cai), Hạ Long (Quảng Ninh)... thời điểm này đã "cháy phòng", từ chối nhận khách trong dịp lễ 30/4-1/5.

Cuối tuần qua, chị Phương Hòa (Hoàng Mai, Hà Nội) gọi điện đặt phòng khách sạn tại trung tâm thị xã Sa Pa (Lào Cai) cho gia đình 4 thành viên nghỉ lễ dịp 30/4-1/5. Tuy nhiên, dù liên hệ tới 5 khách sạn nhưng chị Hòa vẫn không đặt được phòng vì lượng khách đã quá tải.

Hết cách, gia đình chị Hòa buộc phải book phòng nghỉ lễ ở khu vực Lao Chải cách trung tâm thị xã Sa Pa khoảng 6km.

"Các khách sạn đều cho biết, lượng khách đã đặt kín chỗ từ giữa tháng 4. Tôi phải chấp nhận đặt phòng xa trung tâm, giá cũng cao hơn ngày thường mà vị trí phòng cũng không đẹp", chị Hòa cho hay.

Tháng 5 được xem là cao điểm du lịch ở Sa Pa (Lào Cai). Trái ngược với cái nắng nóng oi bức của mùa hè, thời tiết ở đây mát mẻ, nên thu hút đông lượng khách đổ về du lịch, nghỉ dưỡng.

Đến thời điểm này, khảo sát của PV Dân trí cho thấy, nhiều khách sạn ở Sa Pa đều báo "cháy phòng", số ít còn lại đều có giá cao hơn ngày thường khoảng 30-40%.

Một số khách sạn trên đường Hoàng Diệu, Điện Biên Phủ... (Sa Pa) giá phòng ngày thường dao động khoảng 1 triệu đồng/ phòng, dịp này cũng tăng lên 1,5-2 triệu đồng/ phòng. Dù vậy, các khách sạn đều không còn phòng cho khách thuê.

Nhiều du khách đã phải chuyển hướng đặt phòng khách sạn tại thành phố Lào Cai rồi di chuyển lên Sa Pa chơi hoặc chấp nhận nghỉ dưỡng ở các homestay, khách sạn cách xa trung tâm thị xã.

Dự kiến dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 lượng khách đến Sa Pa sẽ rất đông, vào khoảng 70-80 nghìn lượt. (Ảnh minh họa: Quân Đỗ).

Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lào Cai thông tin, dự kiến dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 lượng khách đến Sa Pa sẽ rất đông, vào khoảng 70-80 nghìn lượt. Do đó nhu cầu về phòng nghỉ, khách sạn cũng sẽ rất lớn.

Trong nửa cuối tháng tư, tỷ lệ đặt phòng trên địa bàn Sa Pa nói riêng đã đạt 80% và lên tới 100% trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

Du khách thích thú tham gia nhảy sạp trên đỉnh Fansipan.

Chia sẻ với Pv Dân trí, ông Phạm Cao Vỹ, chủ tịch Hiệp hội Du lịch Sa Pa cũng thông tin, thời điểm này các khách sạn trung tâm thị xã Sa Pa đã kín phòng, trong đó 60% du khách booking từ trước đó cả tháng.

Hiện tại, số lượng phòng trống chỉ tập trung ở các homestay, khách sạn xa trung tâm như: Tả Van, Tả Phìn, Ô Quý Hồ... với giá dao động từ 200 - 400 nghìn đồng/ người.

Dù lượng khách đông song ông Vỹ khẳng định, trước đó nhiều khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở kinh doanh ăn uống tại Sa Pa... đã có cam kết không tăng giá trong dịp nghỉ lễ.

Tuy nhiên, ông Vỹ thừa nhận hiện nay có hiện tượng, nhiều người kinh doanh du lịch, bán vé online "ôm phòng" trước đó cả tháng, rồi tự động đẩy giá lên cao gấp 3-4 lần ngày thường. Không ít trường hợp, khách đặt phòng, chuyển khoản qua các bên thứ ba này nhưng khi liên hệ khách sạn để nhận phòng lại không có tên trong danh sách booking. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của các đơn vị kinh doanh tại Sa Pa.

"Mới đây, chúng tôi cũng đã triển khai chương trình kích cầu du lịch lớn nhất trong năm với sự tham gia của khoảng 100 doanh nghiệp du lịch. Không chỉ đưa ra các mức giá ưu đãi, giảm giá hấp dẫn mà các đơn vị này còn cam kết chất lượng dịch vụ cũng như không tăng giá trong dịp nghỉ lễ.

Để có trải nghiệm tốt nhất khi du lịch ở Sa Pa dịp này, du khách nên đặt phòng trực tiếp qua các khách sạn, nhà nghỉ nhất là những đơn vị tham gia chiến dịch kích cầu. Nếu chọn qua bên thứ 3 thì nên chọn công ty du lịch uy tín", ông Vỹ khẳng định.

Bãi tắm ở Cát Bà đông nghẹt người trong mùa du lịch hè năm 2018.

Tình trạng "cháy phòng" không chỉ xảy ra ở Sa Pa (Lào Cai), tại Hạ Long (Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng)... nhu cầu nghỉ dưỡng, du lịch của du khách dịp này cũng tăng đột biến.

Khảo sát của PV Dân trí trên một số trang đặt phòng trực tuyến, gần 80% số phòng khách sạn, nhà nghỉ ở Hạ Long (Quảng Ninh) đã kín chỗ đặc biệt là các phòng đẹp, ngắm view biển. Nhiều phòng còn trống giá cũng cao chủ yếu tập trung ở các khách sạn lớn với giá từ 4-10 triệu đồng/ đêm, hoặc phòng nghỉ cách xa trung tâm.

Tương tự, các khách sạn trung tâm ở đảo Cát Bà dịp này cũng đã kín người đặt phòng, nhiều nơi ra thông báo ngừng nhận khách cách đây cả tuần.

Giá khách sạn thời điểm này cũng tăng so với ngày thường khoảng 40%.

Chủ một khách sạn ở Quảng Ninh cho biết, dịp 30/4-1/5 là mùa cao điểm du lịch ở đây. Thời điểm này công suất các phòng nghỉ ở đây thường hoạt động gần như 100%. Đại diện đơn vị này khẳng định, các khách sạn lớn không có chuyện "thổi giá" dịp nghỉ lễ mà giá cao là do các đơn vị trung gian, người bán combo du lịch online "ôm" phòng trước đó cả tháng , rồi bán lại cho du khách với giá cao gấp nhiều lần.

Ngày 26/4, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã có công văn số 1343/BVHTTDL-VHCS gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch.

Bộ VHTTDL nhận định, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới hiện nay vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, số lượng ca mắc mới và tử vong vẫn tăng ở nhiều nước. Đặc biệt dịch bệnh đang bùng phát mạnh trên diện rộng ở một số nước láng giềng có chung đường biên giới với nước ta.

Bộ đề nghị các tỉnh, thành xem xét hạn chế các sự kiện, hoạt động tập trung đông người không cần thiết. Trường hợp tổ chức, thì phải thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo đúng quy định.

Các Ban Quản lý di tích, Bảo tàng, Ban Tổ chức lễ hội, người đứng đầu các thiết chế văn hóa, thể thao, đơn vị kinh doanh du lịch, khu, điểm du lịch xây dựng và tổ chức phải thực hiện các phương án đảm bảo an ninh, an toàn phòng chống dịch COVID-19 cho người tham gia hoạt động văn hóa, thể thao, khán giả đến rạp chiếu phim, khách tham quan bảo tàng, di tích - danh lam thắng cảnh; người tham gia lễ hội, khách du lịch. Chỉ tổ chức đón khách khi đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế.

Tác giả: Hiệp Nguyễn

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok