Trong nước

Quốc hội quan tâm thảo luận về đề xuất giảm giờ làm

Giảm giờ làm việc tiêu chuẩn ở khu vực doanh nghiệp từ 48 giờ xuống 44 giờ/tuần và đề xuất thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa trong một số trường hợp đặc biệt từ 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm là nội dung được rất nhiều đại biểu quan tâm và bày tỏ ý kiến thảo luận về Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này.

Bên cạnh các vấn đề đã được thảo luận nhiều về tăng tuổi nghỉ hưu, tăng lương, tăng thêm một ngày nghỉ lễ trong năm thì Bộ luật Lao động (sửa đổi) có đưa ra các đề xuất giảm giờ làm tiêu chuẩn, kéo dài thời gian làm thêm đang tác động rất lớn đến người sử dụng lao động và đặc biệt là người lao động.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn đại biểu TP Hà Nội), Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này có đề xuất phương án giảm giờ làm việc bắt buộc từ 48 giờ xuống 44 giờ/tuần. Theo ông Cường, đề xuất này vừa khuyến khích doanh nghiệp tăng năng suất lao động, vừa bảo đảm lợi ích cho người lao động.

“Trong xu thế phát triển như hiện nay, giảm giờ làm bắt buộc là một đề xuất khá phù hợp. Khi giảm thời gian làm việc bắt buộc thì nên mở rộng làm việc thêm giờ, tạo sự lựa chọn cho các ngành, lĩnh vực để bảo đảm thời gian làm việc nhiều hơn”, ông Cường nói.

Bên lề Quốc hội, đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội chia sẻ, việc giảm giờ làm từ 48 giờ xuống 44 giờ/tuần là nguyện vọng của công đoàn và cá nhân ông thấy hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, ông Lợi cho rằng, một là phải đánh giá tác động, hai là phải lấy ý kiến của cả chủ sử dụng lao động và người lao động.

Nhưng qua lấy ý kiến, thì người chủ sử dụng lao động chưa muốn giảm thời gian làm việc từ 48 giờ xuống 44 giờ/tuần mà đề nghị Chính phủ nên có lộ trình để các doanh nghiệp chuẩn bị. Bản thân người lao động cũng hỏi tại sao lại giảm xuống còn 44 giờ, vì như thế, một năm họ sẽ giảm 208 giờ, thu nhập của người lao động cũng giảm đi nên họ không muốn. Giữa cung cầu hai bên chưa thực sự đồng thuận nên cần đánh giá tác động. Vì thế, ông Lợi đề xuất, Chính phủ nên đặt ra lộ trình từ 2021 – 2026 bắt đầu giảm dần giờ làm, còn giảm ngay bây giờ sẽ rất khó khăn.

Về đề xuất mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa trong một số trường hợp đặc biệt từ 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm, hiện còn nhiều luồng ý kiến chưa thống nhất, nhất là việc giới hạn tăng giờ làm thêm theo tuần, tháng hay năm.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường “Nếu giới hạn tăng giờ làm từng tháng sẽ bảo đảm tính chất điều độ nhân lực nhưng sẽ khó khăn cho một số ngành, lĩnh vực đang sử dụng lao động thủ công như có tính mùa vụ như chế biến nông sản, may mặc… Khi đến mùa vụ, nếu không tăng số lượng người lao động thì đó là lúc không đủ lao động hoàn thành công việc. Do vậy, đề xuất của một số doanh nghiệp không nên giới hạn theo tháng là đề xuất hợp lý. Nhưng nếu giữ giới hạn tăng giờ làm thêm theo tuần thì phải bảo đảm số giờ lao động hợp lý theo đồng hồ sinh học của chúng ta”.

Còn theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi, mong muốn của Chính phủ là những ngành nghề thực sự có yêu cầu cho xuất khẩu mà không làm cả năm thì cho tăng giờ. Ông Lợi nhấn mạnh, việc này Chính phủ phải báo cáo thật cụ thể trước Quốc hội để Quốc hội thấy rằng, việc làm thêm này không phải là đại trà để người lao động yên tâm không phải ngành nghề nào cũng bị tăng thêm giờ làm. Bên cạnh đó, nếu ngành nghề nào cần thiết được tăng thời gian làm thêm cần phải quản chặt để bảo đảm sức khỏe cho người lao động, tránh xảy ra những tai nạn lao động.

"Chúng ta phải phân tích rất kỹ, một số ngành nghề lĩnh vực làm thêm, nhưng không phải là làm thêm cả năm, mà chỉ tập trung vào bốn ngành trọng điểm, da dày, dệt may, thủy sản và điện tử. Như ngành thủy sản chỉ làm trong bốn tháng, sau đó lại nghỉ ba tháng đến thời vụ. Nếu khống chế thời gian làm thì sẽ không có người làm thêm”, ông Lợi dẫn chứng.

Đối với việc khống chế giờ làm thêm theo cả tuần và tháng, ông Lợi nhấn mạnh, quy định này như một tấm lưới bảo vệ người lao động. Thực tế không chỉ chủ lao động mà cả người lao động cũng muốn làm thêm vì tiền lương không đủ sống, nhưng pháp luật phải quy định để bảo đảm sức khỏe cho người lao động.

Tuy nhiên, ông Lợi cũng khẳng định, trong nhiều kỳ họp Quốc hội vừa qua, Ủy ban các Vấn đề xã hội với tư cách là cơ quan thẩm tra chưa bao giờ ủng hộ việc tăng thời gian làm thêm, giữ nguyên là 300 giờ/tuần để bảo đảm sức khỏe, an toàn lao động cho người lao động.

Ngoài nội dung trên, trong Bộ luật Lao động (sửa đổi), có hai nội dung nữa còn đang có nhiều ý kiến khác nhau. Một là, việc lựa chọn ngày nào trong năm hợp lý để tăng thêm một ngày nghỉ lễ trong năm. Nhiều ý kiến đề xuất lấy ngày Gia đình Việt Nam, 28-6 để làm ngày nghỉ lễ.

Cũng theo ông Lợi, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu là hoàn toàn hợp lý. Với lộ trình tăng 3 tháng mỗi năm đối với nam và 4 tháng mỗi năm đối với nữ, có nghĩa là đến năm 2028 mới có nam giới đầu tiên về hưu ở tuổi 62 và 2035 mới có người phụ nữ đầu tiên nghỉ hưu vào tuổi 60.

Ông Lợi cũng nhấn mạnh, trong một bộ luật lớn như Bộ luật Lao động, để tạo sự đồng thuận cao là rất ít, cho nên cố gắng để tạo ra sự đồng thuận quá bán và có lợi chung nhất. ”Sau khi giải trình tiếp thu Bộ luật Lao động (sửa đổi), chúng tôi nhìn ra có 10 nội dung có lợi cho người lao động và sáu nội dung có lợi cho chủ sử dụng lao động, rất tương đồng về mặt lợi ích của các bên. Nên trường hợp nào bất khả kháng mà các bên chưa thỏa hiệp được trên tinh thần chia sẻ thì đưa ra hai phương án để lấy ý kiến. Chúng ta phải cố gắng thông qua ở kỳ họp này vì chúng ta đã tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới, trong đó có CPPP và Hiệp định Việt Nam – EU đòi hỏi phải sửa đổi Bộ luật Lao động để đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, đáp ứng yêu cầu quyền của người lao động trong Hiến pháp, khắc phục những tồn tại của Bộ luật cũ”, ông Lợi khẳng định.

Ngày mai, 23-10, Quốc hội sẽ thảo luận cả ngày về Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Ảnh: DUY KHÁNH

Tác giả: NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn tin: Báo Nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok