Giáo dục

Nữ Giám đốc giới thiệu 14 trường hợp để ĐH Đông Đô cấp bằng giả

Nguyễn Thị Hiền - Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn đào tạo giáo dục Việt Nam đã làm trung gian, giới thiệu 14 trường hợp cho Trường Đại học (ĐH) Đông Đô cấp bằng giả.

Như đã đưa tin, ngày 23/11, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Bộ Công an đã hoàn tất bản kết luận điều tra; chuyển hồ sơ vụ án đến VKSND Tối cao đề nghị truy tố 10 bị can là cán bộ Trường ĐH Đông Đô về hành vi "Giả mạo trong công tác".

Hiệu trường ĐH Đông Đô giới thiệu vợ để làm thủ tục được cấp bằng

Theo kết luận điều tra, Dương Văn Hòa - Hiệu trưởng Trường Đại học (ĐH) Đông Đô thực hiện chỉ đạo của Trần Khắc Hùng (Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Đông Đô) đã có hành vi ký bằng cử nhân ngành ngôn ngữ Tiếng Anh hệ văn bằng 2 chính quy giả để cấp cho 193 cá nhân.

Bị can Dương Văn Hòa, Hiệu trưởng trường ĐH Đông Đô.

Ngoài ra, Dương Văn Hòa còn ký các tài liệu để hợp thức hồ sơ cấp bằng gồm: 23 danh sách đề nghị in bằng, giấy đề nghị xét tốt nghiệp có tên của 108 cá nhân được cấp bằng giả; ký quyết định về việc công nhận tốt nghiệp đại học hệ văn bằng 2 chính quy đợt 1 năm 2018 vào ngày 25/5/2018; ký quyết định về việc công nhận tốt nghiệp đại học văn bằng 2 chính quy đợt 1 năm 2018 bổ sung ngày 2/8/2018;...

"Dương Văn Hòa còn giới thiệu 2 trường hợp để Trường ĐH Đông Đô làm thủ tục để cấp bằng là Trần Thị Quỳnh (vợ Dương Văn Hòa) và Hoàng Hạnh Phương", kết luận điều tra cho biết.

Hành vi của bị can Dương Văn Hòa đã phạm vào tội "Giả mạo trong công tác" với vai trò là người tổ chức trong việc ký, cấp 193 bằng giả cho các cá nhân.

Ngoài các bị can đã khởi tố, kết quả điều tra vụ án còn xác định các cá nhân có liên quan trong việc trung gian, giới thiệu các cá nhân để được Trường ĐH Đông Đô cấp bằng giả, gồm: Trần Thị Yến (SN 1986, ở Hoàng Mai - Hà Nội, thành viên HĐQT kiêm kế toán Trường ĐH Đông Đô); Nguyễn Thị Hiền (SN 1987, ở Cầu Giấy - Hà Nội, Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn đào tạo giáo dục Việt Nam); Nguyễn Hải Yến (SN 1986, ở Thanh Xuân - Hà Nội, nhân viên phòng tuyển sinh Trường ĐH Đông Đô); Vũ Bá Sinh (SN 1984, ở Thanh Xuân - Hà Nội).

Cả 4 cá nhân nói trên đều biết Trường ĐH Đông Đô tổ chức hợp thức hồ sơ để cấp bằng cử nhân ngành ngôn ngữ Tiếng Anh giả nhưng vẫn trung gian, giới thiệu các cá nhân có nhu cầu để Trường ĐH Đông Đô cấp bằng giả.

Cụ thể, Trần Thị Yến đã giới thiệu 6 trường hợp, Nguyễn Thị Hiền giới thiệu 14 trường hợp, Nguyễn Hải Yến 12 trường hợp, Vũ Bá Sinh 7 trường hợp.

Hành vi của Trần Thị Yến, Nguyễn Thị Hiền, Nguyễn Hải Yến, Vũ Bá Sinh có dấu hiệu phạm tội "Giả mạo trong công tác" với vai trò đồng phạm giúp sức. Tuy nhiên, số người này không phải là các đối tượng có vai trò quyết định trong việc thực hiện cấp bằng giả; không trực tiếp tham gia các giai đoạn hợp thức hồ sơ, tài liệu để cấp bằng; không trực tiếp tham gia các giai đoạn hợp thức hồ sơ, tài liệu để cấp bằng; không có tài liệu xác định việc hưởng lợi trong việc trung gian, giới thiệu. Vì vậy, không cần thiết phải xử lý hình sự nhóm cá nhân này.

Trường ĐH Đông Đô (Ảnh: Nguyễn Dương).

Cần phải xử lý nghiêm trước pháp luật

Kết luận điều tra nhấn mạnh, vụ án "Giả mạo trong công tác" xảy ra tại Trường ĐH Đông Đô là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực giáo dục. Trần Khắc Hùng và đồng phạm đã lợi dụng sơ hở, thiếu sót của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) trong công tác quản lý việc tuyển sinh, đào tạo, cấp bằng đối với hệ văn bằng 2; các bị can đã lợi dụng chính sách tự chủ giáo dục đại học để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Căn cứ quy định về văn bằng giáo dục đại học của Luật Giáo dục đại học năm 2012 (sửa đổi bổ sung năm 2018) và Quyết định số 22/2001/QĐ-BGDĐT ngày 26/6/2001 của Bộ GD&ĐT quy định về đào tạo, cấp bằng đại học thứ 2, có cơ sở xác định các bằng cử nhân ngành ngôn ngữ Tiếng Anh hệ văn bằng 2 chính quy do Trường ĐH Đông Đô cấp cho các đối tượng nhưng không đào tạo hoặc không đủ điều kiện để cấp bằng là bằng giả.

Các bị can Trần Khắc Hùng, Dương Văn Hòa, Trần Kim Oanh, Lê Ngọc Hà, Trần Ngọc Quang, Nguyễn Thị Huệ đều là người có chức vụ tại Trường ĐH Đông Đô; các bị can Phạm Vân Thùy, Nguyễn Thị Ngọc Thái, Lê Thị Thanh Tâm, Ngô Quang Hiển, Lê Thị Lương có nhiệm vụ, quyền hạn phụ trách công tác tuyển sinh, đào tạo, làm thủ tục cấp bằng của Trường ĐH Đông Đô đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi làm, cấp văn bằng 2 Tiếng Anh giả cho số lượng lớn các cá nhân có nhu cầu.

Căn cứ tài liệu thu giữ được, Cơ quan điều tra xác định trường Đại học Đông Đô đã cấp bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh cho 626 trường hợp nhưng chỉ có 216 trường hợp có thông tin để xác minh.

Kết quả xác minh xác định trong số 216 trường hợp nêu trên có tới 193 người được cấp bằng không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc không đủ điều kiện để cấp bằng (số bằng này được cấp trong giai đoạn từ tháng 5/2018 đến tháng 3/2019); 23 người có tham gia học tập tại các cơ sở nhưng do đại học Đông Đô chưa được cấp phép đào tạo văn bằng 2 nên số bằng đã cấp cho những người này không có giá trị....

Hành vi phạm tội của các bị can diễn ra trong thời gian dài, có tổ chức, đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ sở giáo dục đại học nói chung và Trường ĐH Đông Đô nói riêng, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của ngành giáo dục cần phải xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

10 bị can bị đề nghị truy tố về tội "Giả mạo trong công tác", gồm: Dương Văn Hòa (SN 1983, nguyên Hiệu trưởng); Trần Kim Oanh (SN 1978, nguyên Phó hiệu trưởng kiêm Phó viện trưởng, Viện đào tạo liên tục); Lê Ngọc Hà (SN 1978, Phó hiệu trưởng); Trần Ngọc Quang (SN 1962, Phó trưởng Phòng quản lý đào tạo và quản lý sinh viên); Phạm Vân Thùy (SN 1981, cán bộ Trường ĐH Đông Đô); Lê Thị Thanh Tâm (SN 1983, cán bộ ĐH Đông Đô); Nguyễn Thị Huệ (SN 1986, nguyên Trưởng phòng Tài chính, kế toán); Nguyễn Thị Ngọc Thái (SN 1988, cán bộ ĐH Đông Đô); Ngô Quang Hiển (SN 1978, cán bộ ĐH Đông Đô) và Lê Thị Lương (SN 1996, cán bộ ĐH Đông Đô).

Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã tạm đình chỉ điều tra vụ án, tạm đình chỉ điều tra bị can đối với bị can Trần Khắc Hùng, khi bắt được sẽ xử lý sau.

Tác giả: Nguyễn Dương

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok