Giáo dục

Nhiều băn khoăn về tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa mới

Từ năm 1981 đến nay, Việt Nam đã trải qua hai lần đổi mới sách giáo khoa (SGK). Lần đổi mới thứ nhất vào năm 1981, lần thứ 2 vào năm 2004 và hiện đang bước vào lần đổi mới thứ 3 dự kiến sẽ áp dụng đối với học sinh lớp 1 từ năm học 2020-2021.

Hiện Bộ GD&ĐT đang thực hiện quy trình thẩm định các bộ SGK lớp 1 để áp dụng cho chương trình mới. Câu chuyện làm thế nào để chọn được các bộ SGK tốt, phù hợp mới mục tiêu phát triển năng lực của người học tiếp tục là vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội với nhiều ý kiến trái chiều.

TS Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho biết: Cá nhân ông tôn trọng quyết định của Hội đồng thẩm định SGK quốc gia.

Theo TS Phạm Tất Thắng, từ câu chuyện bộ sách công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại không lọt qua vòng thẩm định cho thấy, đây là một mâu thuẫn hiển nhiên bởi vì Hội đồng hiện nay làm việc theo Thông tư 33 của Bộ GD&ĐT, tức thẩm định SGK đáp ứng chương trình phổ thông mới theo Nghị quyết 88 của Quốc hội.

Chương trình mới khác cơ bản về cách tiếp cận, cách thức thể hiện chương trình cũng như nội dung cơ bản so với theo chương trình và SGK cũ mặc dù trên thực tế, bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại cũng đã nhận được sự đánh giá tốt từ các địa phương, phụ huynh học sinh, thầy cô giáo.

Làm thế nào để lựa chọn được những bộ SGK mới có chất lượng tốt đang là mối quan tâm của toàn xã hội.

“Hiện nay chúng ta đang thực hiện Nghị quyết 88, triển khai chương trình và SGK mới. SGK có thể do các nhóm tác giả, tác giả nhưng phải theo chương trình tổng thể đã được phê duyệt. Do đó, SGK được lựa chọn phải đáp ứng được chương trình mới. Đây là một yêu cầu bắt buộc phải làm bởi phương pháp dạy, các tiếp cận, yêu cầu cũng đã mới”- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc bên cạnh Hội đồng thẩm định SGK quốc gia, có cần thêm kênh lấy ý kiến giáo viên, học sinh về các bộ sách để đảm bảo khách quan, công bằng, TS Phạm Tất Thắng nêu quan điểm: Thực tế cho thấy, trong quá trình thẩm định một vấn đề liên quan đến xã hội thì việc lấy ý kiến phản hồi, tác động với xã hội, đối tượng bị điều chỉnh là việc làm cần thiết.

Tuy nhiên, cũng phải khẳng định lại rằng, các bộ SGK mới đều phải biên soạn trên tinh thần giáo dục phổ thông mới, thực hiện theo Nghị quyết 88 của Quốc hội. Chương trình đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT - đại diện cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này ban hành thông qua Thông tư 32, các yêu cầu theo Thông tư 33. Đây là các văn bản quy phạm pháp luật đã được Nhà nước ban hành.

Điều kiện cần là các bộ sách phải đáp ứng các văn bản này, điều kiện đủ là SGK khi đã được biên soạn theo Tinh thần Nghị quyết 88 thì phải được thực nghiệm, giảng dạy trong thực tế, cần phải có điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện dạy và học.

Chúng ta đang bước vào đợt đổi mới SGK lần thứ 3 kể từ năm 1981 đến nay. Việc thẩm định SGK mới được tiến hành bám theo các tiêu chí phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới là tất yếu.

Tuy vậy, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, nếu các tiêu chí đưa ra quá cứng nhắc cũng sẽ dễ gạt đi những cuốn sách chọn cách tiếp cận và trình bày khác biệt. Kết quả là sẽ chọn ra được những bộ sách có nội dung, hình thức na ná nhau và chủ trương một chương trình nhiều SGK sẽ không còn đúng nghĩa với tính đa dạng trong thống nhất, có thể phù hợp với nhiều đối tượng học sinh tại các vùng, miền khác nhau, có trình độ không giống nhau.

TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết: Khi tiếp cận với chủ trương soạn thảo SGK mới của Bộ GD&ĐT, trong đó có đưa ra tiêu chí là soạn thảo SGK theo hướng mở, với định hướng này nhiều người đã kỳ vọng sách của GS Hồ Ngọc Đại sẽ được chấp nhận. Tuy nhiên, khi đi vào tiếp cận với nội dung thì tư duy tiếp cận dường như vẫn chưa tương thích với tiếp cận về năng lực của người học với tính đa dạng như vốn có của nó.

“Ở thời điểm này, giáo dục Việt Nam mới cải tiến được tới mức chấp nhận nhiều bộ SGK nhưng vẫn giữ một chương trình. Như vậy là chưa triệt để trong cách tiếp cận”- TS Lê Viết Khuyến nói. Cũng theo ông Khuyến, từ cách tiếp cận chưa triệt để nói trên, sẽ rất khó có được một bộ SGK viết theo dạng mở. Bởi vì, khi đánh giá, thẩm định, Hội đồng thẩm định chỉ căn theo các tiêu chí, tiêu chuẩn đã được quy định. Với cách làm này, rõ ràng những bản thảo không theo chương trình, vượt quá chương trình đều sẽ bị đánh trượt.

Nếu căn theo các quy định, Hội đồng thẩm định không sai nhưng để bảo đảm tính thuyết phục thì cách đánh giá dựa trên các tiêu chí, tiêu chuẩn cứng lại chưa đủ thuyết phục. Điều này cũng sẽ khó có cơ hội cho những bộ SGK có cách tiếp cận khác biệt.

TS Lê Viết Khuyến cũng bày tỏ lo ngại sẽ nảy sinh một xu hướng độc quyền giáo dục mới, đó là độc quyền chương trình SGK. Bởi với cách thức tiếp cận theo hướng xây dựng các chuẩn cứng, cả nước chỉ có một chương trình SGK, lẽ đương nhiên việc thành lập Hội đồng tư vấn giúp Bộ xây dựng các chuẩn SGK cũng phải căn trên các tiêu chuẩn cứng.

Từ những cái chuẩn cứng được quy định chắc chắn sẽ đẻ ra những cái chuẩn cứng trong tư vấn, thẩm định, đánh giá...

Tác giả: Huyền Thanh

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok