Giáo dục

Sách giáo khoa Công nghệ giáo dục bị loại từ vòng đầu thẩm định

Theo nguồn tin của VietNamNet, bộ sách giáo khoa lớp 1 Công nghệ giáo dục do GS Hồ Ngọc Đại làm chủ biên vừa bị hội đồng thẩm định quốc gia chấm 'không đạt' ngay vòng đầu.

Trong đợt thẩm định đầu tiên, có sách giáo khoa Công nghệ giáo dục (bao gồm các môn Tiếng Việt, Toán, Đạo đức) cùng 5 bộ sách giáo khoa khác đầy đủ các môn của lớp 1 được đăng ký.

Theo quy định, hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa sẽ có 3 mức xếp loại "Đạt", "Đạt nhưng cần sửa chữa" và "Không đạt".

Tuy nhiên, một số sách giáo khoa Công nghệ giáo dục do GS Hồ Ngọc Đại làm chủ biên bị xếp "Không đạt" trong đợt thẩm định này. Môn Toán và Tiếng Việt không đạt, môn Đạo đức đạt.

Sách giáo khoa Công nghệ giáo dục bị loại từ vòng đầu thẩm định

GS Hồ Ngọc Đại, chủ biên bộ sách giáo khoa lớp 1 Công nghệ giáo dục. Ảnh:Lê Anh Dũng

Theo đó, Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa đánh giá sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục (gồm 3 tập) có những ưu điểm như bộ sách được tập thể tác giả biên soạn công phu, tâm huyết, có quan điểm, cách tiếp cận riêng.

Sách chú ý đến việc dạy học đọc thành tiếng và chính tả để học sinh có thể đọc đúng và viết đúng chính tả; nội dung, hình thức phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia về xuất bản phẩm; nội dung sách đáp ứng một số quy định trong chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn...

Tuy nhiên, sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục đã bị 15/15 thành viên hội đồng xếp loại "Không đạt" với gần 300 nội dung, chi tiết cần sửa hoặc bỏ, phần lớn là những nội dung bị đánh giá "vượt chương trình", "quá khó với học sinh lớp 1" và một số vấn đề về kỹ thuật, trình bày.

Hầu hết các thành ngữ, tục ngữ Việt Nam được GS Hồ Ngọc Đại trực tiếp chọn ghi ở chân trang sách có chứa những từ, ngữ học sinh đã học để ghi nhớ tiếng Việt qua đó đều bị hội đồng đề nghị bỏ do "không phù hợp với học sinh lớp 1"…

Sách Toán 1 - Công nghệ giáo dục cũng bị hội đồng thẩm định cho rằng có nhiều nội dung không nằm trong hoặc vượt yêu cầu của chương trình.

Trước đó, sách Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục 1 đã được triển khai ở nhiều nhà trường trong 40 năm qua.

Việc bộ sách giáo khoa lớp 1 - Công nghệ giáo dục, trong đó có sách tiếng Việt không vượt qua vòng thẩm định để sử dụng trong chương trình giáo dục phổ thông mới tới đây có thể sẽ gây xáo trộn lớn ở những địa phương đã và đang triển khai.

GS Hồ Ngọc Đại nói gì?

Trao đổi với VietNamNet sáng 12/9, GS Hồ Ngọc Đại cho biết có 931.000 học sinh lớp 1 trong cả nước đang học theo sách Công nghệ giáo dục.

"Khi hội đồng hỏi có ý kiến gì không, tôi nói không có ý kiến gì. Tôi không bất ngờ với kết quả này và tôi biết chuyện này sẽ xảy ra". Theo ông, bộ sách đã được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận quyết định cho mở rộng thí điểm. "Quyển sách ấy là của nhà nước, không phải của riêng rôi. Cho nên, việc này giờ không phải là việc của tôi nữa".

Được biết, hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa không phải là tuyển lựa và xếp hạng cao thấp các sách giáo khoa được gửi đến thẩm định, mà đánh giá các sách giáo khoa này theo các tiêu chí quy định để có kết luận cuối cùng là: “đạt”, “đạt cần sửa chữa” hay “không đạt”.

Như vậy, sự khác biệt giữa các sách giáo khoa được thẩm định thể hiện ở chỗ có đạt được tiêu chuẩn nghiêm ngặt đối với sách giáo khoa hay không”.

Ông cho biết thêm: "Tôi sẽ không sửa để nộp lại. Nếu nói điều chỉnh có nghĩa là tôi không cẩn thận, không tính toán. Tôi không điều chỉnh gì hết vì đó là công trình tôi nghiên cứu cả một đời. Tôi đã phải làm thực nghiệm mấy chục năm rồi và nghiên cứu mới điều chỉnh. Tôi dạy phép toán đại số cho học sinh lớp 1, hệ đếm, phép toán trên tập hợp. Đối với các vị là cao nhưng trẻ con chấp nhận được. Chúng chấp nhận được thì tôi tin. Tôi sẽ quyết liệt với phương pháp giáo dục hiện nay. Tôi đã về hưu và không phụ thuộc vào lương bổng hay làm vì lương bổng. Tôi không nhân danh cái này cái khác mà tôi làm vì đất nước này".

Bộ sách nhiều thăng trầm

Sách Công nghệ Giáo dục là sản phẩm nghiên cứu của một nhóm nghiên cứu do GS-TS Hồ Ngọc Đại trực tiếp chủ biên, hoàn thành năm 1978, sau đó được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khi đó cho phép thực hiện thí điểm tại trường thực nghiệm (cơ sở ở phố Liễu Giai, Hà Nội bây giờ).

Sau đó, được triển khai khá rộng. Đến năm 2001- 2002, đã tổ chức triển khai được 43 tỉnh thành phố. Vào năm 2000, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới giáo dục phổ thông, Bộ GD-ĐT được biên soạn một chương trình mới, một bộ sách giáo khoa mới thống nhất trong cả nước.

Năm học 2002 - 2003, cả nước thống nhất chương trình giáo dục phổ thông mới từ lớp 1. Từ năm học này, sách Công nghệ Giáo dục chỉ còn được thí điểm ở trường thực nghiệm Liễu Giai.

Đến năm 2009, GS Hồ Ngọc Đại đề nghị và Bộ GD-ĐT cho phép triển khai thí điểm ở những vùng khó khăn, vùng dân tộc, có 7 tỉnh tham gia.

Năm 2016, đã có 48 tỉnh thành phố tham gia thực hiện thí điểm.

Từ năm 2016, Bộ GD-ĐT cũng từng đã thành lập hội đồng khoa học quốc gia để thẩm định chương trình này. Cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục khi đó được hội đồng thẩm định thông qua. Sách đã được biên soạn, điều chỉnh và sửa đổi sau khi có góp ý. Bộ GD-ĐT đã chính thức đồng ý để tiếp tục triển khai.

Tác giả: Thanh Hùng - Thúy Nga

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok