Xã hội

Nghịch lý các khoản thu ở một vùng quê nghèo

Ngoài đủ các loại thuế, phí, quỹ 2 năm như nhau, đáng chú ý năm 2015 là khoản tiền đóng góp làm hàng rào bảo vệ nghĩa trang xã là 100.000 đồng/khẩu. Xã Nam Lộc có 11 đơn vị hành chính cấp thôn, xóm, có 6.670 nhân khẩu.

Vừa rồi tôi về quê chưa đến 2 ngày (thứ 7 và Chủ nhật) đúng vào dịp làng xóm xôn xao chuyện nộp ''sản phẩm''. Xưa nay quen gọi tên như vậy, hiểu nôm na là nộp thuế vào ngân sách xã. Lật từng trang trong sổ thì có ghi chép các khoản đóng góp của 2 năm gần đây, năm 2015 và năm 2016.

Ngoài đủ các loại thuế, phí, quỹ 2 năm như nhau, đáng chú ý năm 2015 là khoản tiền đóng góp làm hàng rào bảo vệ nghĩa trang xã là 100.000 đồng/khẩu. Xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn (Nghệ An) có 11 đơn vị hành chính cấp thôn, xóm, có 6.670 nhân khẩu.

Một phép tính đơn giản 100.000 đồng x 6.670 = 667 triệu đồng. Đối với một công trình như hàng rào bảo vệ nghĩa trang, số tiền này là ít hay nhiều thì những người làm xây dựng hoặc đã từng xây nhà cho chính gia đình mình cũng có thể áng chừng được.

Sau khi đã xây dựng được cơ sở hạ tầng cho nghĩa trang xã, năm 2016 xuất hiện một khoản thu khác là thu phí ''quản trang'', mức thu 3.000 đồng/khẩu, cả xã tương đương 21 triệu/năm.

Nếu dùng toàn bộ số tiền này để thuê một bảo vệ thì mức lương họ nhận được là 1,75 triệu/tháng. Thực tế ông Lộc ở xóm 2 đang nhận nhiệm vụ này, lương ông nhận được là bao nhiêu? Điều này hỏi ông Lộc chắc chắn sẽ rõ.

Nghịch lý là khi đã xây dựng hàng rào, cổng, khóa... rồi thì có nhất thiết phải có một người bảo vệ riêng như vậy nữa không? Có nhất thiết phải thu số tiền quản trang nhiều như vậy không ở một xã nghèo như Nam Lộc?

Cả xã có 11 bảo vệ đồng ruộng hoa màu, tại sao họ không kiêm luôn bảo vệ nghĩa trang? Thậm chí 11 người bảo vệ này theo tôi vẫn có thể kiêm luôn cả thủy nông cho xã. Tự nhiên cả xã nuôi 23 người (11 bảo vệ đồng ruộng + 11 cán bộ thủy nông + 1 quản trang) thay vì 11 người.

Chuyển qua một loại phí khác đó là phí vệ sinh môi trường. Theo lý giải, những ai có hộ khẩu ở xã thì đều phải thu. Kể cả sinh viên, hoặc những hộ có 2 -3 người đi nước ngoài đến cả mấy năm trời rồi cũng vẫn phải đóng.

Nếu như tính phí vệ sinh môi trường đối với 1 sinh viên thì họ phải đóng ở 3 nơi: trường học, chỗ ở (xóm trọ) và quê nhà. Nhiều khi có mấy chục nghìn nên người nhà họ cứ im lặng nộp cho qua chuyện, nhưng cả xã nhân lên thì đây quả là con số không nhỏ và rất đáng xem xét.

Một người lao động ở nước ngoài đến cả chục năm, họ chẳng có mặt ở nhà nhưng hàng năm vẫn phải đóng tiền để người ta dọn phân chó trên đường làng liệu có hợp lý? Rõ là không công bằng. Vì ở nơi làm việc và đang sinh sống, họ đã thực hiện nghĩa vụ đóng phí vệ sinh môi trường rồi.

Theo Thông báo số 37/TB-UBND ngày 03/6/2016 của UBND xã Nam Lộc thì các khoản đóng góp tự nguyện bao gồm: Quỹ an ninh quốc phòng, quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ phòng chống thiên tai, quỹ thú y phòng dịch...và nhiều loại quỹ khác.

Tuy nhiên tôi hỏi là bà con đóng tự nguyện hay bắt buộc, trưởng xóm 5 trả lời ''tự nguyện trong khuôn khổ bắt buộc''. Lần đầu tiên nghe được khái niệm này, chỉ biết lắc đầu ngao ngán.

Chuyển qua một khoản lớn hơn đó là đóng góp xây dựng đường xóm. Ở xóm 5 dự tính thu 1 triệu đồng/người, năm 2016 thu 500.000 đồng, còn 500.000 đồng để năm sau thu.

Điều đáng nói ở đây là thu 1 triệu đồng/người kể cả người già, trẻ em tàn tật, mồ côi, hộ nghèo là quá sức.

Điều này có đi ngược với chủ trương lớn từ Chính phủ, cụ thể là Công văn hỏa tốc số 1447/Tg-KTN ngày 13/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ, tại điểm 2 trong văn bản này ghi rõ:

''Việc huy động đóng góp của người dân phải được bàn bạc dân chủ và phải được sự đồng tình của người dân. Tuyệt đối không được yêu cầu dân đóng góp bắt buộc và huy động quá sức dân; không được yêu cầu những hộ dân nghèo, người già, người tàn tật không nơi nương tựa, hộ khó khăn, gia đình chính sách phải đóng góp''.

Còn rất nhiều nghịch lý trong các khoản thu. Rất mong lãnh đạo chính quyền địa phương lên tiếng giải thích cặn kẽ cho bà con!


Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Báu

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok