Giáo dục

Học phí thấp, khó có bác sĩ chất lượng cao

Đó là nhận định của một số lãnh đạo trường đại học y, dược tại buổi họp hội đồng hiệu trưởng khối ngành sức khỏe ở TP.HCM ngày 25/6.

Đề cập đến mức học phí dự kiến thu trong năm học tới, trong đó một số ngành có mức tăng mạnh như Răng - Hàm - Mặt 70 triệu đồng/năm, Y khoa 68 triệu đồng/năm, PGS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng ĐH Y Dược TP.HCM cho rằng đây không phải mức học phí "khủng", "sốc", vì thực tế trường vẫn chưa tính đúng, đủ mức phí đào tạo.

Hiệu trưởng ĐH Y Dược TP.HCM lý giải mức học phí tăng, cả sinh viên, hệ thống giáo dục và xã hội đều hưởng lợi. Người học sẽ có những trải nghiệm xứng đáng mà mình mong muốn.

"Đối với hệ thống giáo dục nói chung, nếu nói mức học phí của ĐH Y Dược TP.HCM cao và đề nghị trường giảm xuống, có lẽ sẽ không còn nhiều trường dám xác định mức học phí bằng hoặc cao hơn mức của ĐH Y Dược TP.HCM. Đa số trường sẽ xác định mức thấp hơn. Như vậy, hệ thống giáo dục khó phát triển", tờ Zing dẫn lời PGS Trần Diệp Tuấn nêu ý kiến.

Ngoài ra, ông cho rằng xã hội và nền kinh tế quốc dân đòi hỏi các trường đại học cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhưng với mức học phí quá thấp, các trường không thể đào tạo được nhân lực bậc cao, có năng lực cạnh tranh trong khu vực và hội nhập quốc tế.

Điều này đồng nghĩa việc các trường tăng học phí, đào tạo nhân lực chất lượng cao sẽ có lợi cho nền kinh tế quốc dân.

Lãnh đạo một số trường đại học y, dược lo ngại học phí thấp sẽ khó đào tạo được bác sĩ chất lượng cao

Cùng chia sẻ quan điểm, PGS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM, cho biết, đào tạo khối ngành sức khỏe phải tốn chi phí gấp 3-4 lần những ngành khác. Tuy nhiên, dự kiến năm tới, trường ông cũng chỉ dám thu 32 triệu đồng/năm.

"Nếu vẫn cứ tái diễn tình trạng này, rất khó đào tào bác sĩ chất lượng cao. Các trường công cũng khó giữ chân giảng viên. Trong khi đó, các trường tư sẵn sàng trả mức lương gấp 10 lần để lôi kéo giảng viên giỏi. Giảng viên đã nói thẳng với tình hình này, họ sẽ đi", ông Xuân cho hay.

Nếu không giữ chân được giảng viên giỏi hoặc những giảng viên có học hàm, học vị, trường sẽ đối diện nguy cơ mất mã ngành đào tạo. Việc mở một ngành đào tạo đã có quy định phải có bao nhiêu giảng viên là giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ.

Trước đó, nhiều trường đại học y, dược thông báo tăng mạnh mức học phí một số ngành gây nên những phản ứng trái chiều trong dư luận.

Theo Bộ GD-ĐT, quy định về chính sách học phí các cấp học căn cứ theo Luật Giáo dục đại học.

Theo đó, điều kiện để được tự xác định mức thu học phí thì trường phải đạt được các tiêu chuẩn về kiểm định chất lượng, cam kết chất lượng đầu ra và có trách nhiệm giải trình với xã hội, các cơ quản quản lý nhà nước về mức thu học phí tương xứng với chất lượng đầu ra cam kết.

Bộ GD-ĐT cho biết mức học phí tính toán dựa trên định mức kinh tế - kỹ thuật, công khai định mức chi kết cấu trong giá dịch vụ (học phí) như chi phí tiền lương, chi phí vật tư, chi quản lý, chi khấu hao, chi khác và có lộ trình tăng phù hợp với chất lượng được kiểm định chương trình đào tạo.

Đồng thời, nhà trường thực hiện công khai mức thu học phí, lộ trình tăng học phí từng năm và cả khóa học theo quy định của Bộ GD-ĐT về quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục đào và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Bộ GD-ĐT cho rằng, cơ quan chủ quản trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý, giám sát việc thực hiện chính sách học phí của các cơ sở giáo dục được giao chủ quản, xử lý sai phạm theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm giải trình với xã hội, với người học về các chức năng được giao.

Cơ sở đào tạo được tự xác định học phí nếu đáp ứng được các điều kiện tự chủ theo quy định của Luật giáo dục đại học. Đồng thời, thực hiện đầy đủ các hướng dẫn về xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật và ban hành mức thu học phí phù hợp với lộ trình tính giá dịch vụ giáo dục đào tạo tương xứng với chất lượng đào tạo.

Đặc biệt, các cơ sở giáo dục có trách nhiệm công khai, minh bạch và cam kết chất lượng; Giải trình với xã hội và các cơ quan quản lý nhà nước về việc xây dựng mức học phí tương xứng với chất lượng đầu ra cam kết và lộ trình tăng học phí phù hợp với chất lượng được kiểm định chương trình đào tạo.

Đáng chú ý, cơ sở đào tạo khi xây dựng mức thu học phí cần phải tính đến các chính sách an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ cho người nghèo, đối tượng chính sách thông qua các hình thức như: Quỹ hỗ trợ sinh viên nghèo, sinh viên khó khăn; chỉ tiêu cho các vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, các chính sách hỗ trợ khác.

Tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ đề xuất quy định cụ thể khung và trần học phí phù hợp với các chuẩn kiểm định và chất lượng đầu ra của các cơ sở đào tạo.

Tác giả: Minh Thái(Tổng hợp)

Nguồn tin: Báo Đất Việt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok