Thông tin các đại học tăng học phí gấp 4-5 lần sau khi tự chủ khiến nhiều học sinh, sinh viên lo lắng, nhất là với những gia đình không có điều kiện kinh tế. Nhiều em cho biết phải từ bỏ ước mơ vào các trường Y Dược năm nay.
Điển hình Đại học Y Dược TP.HCM dự kiến tăng học phí lên 7 triệu đồng/tháng trong năm học 2020-2021. Trường đưa ra lý do: "Bên cạnh việc tự chủ về tài chính, trường đầu tư thêm các trang thiết bị, kĩ thuật giảng dạy hiện đại, tăng chất lượng đào tạo… nên học phí tăng cao hơn".
Về vấn đề này, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký kiêm Phó Chủ tịch trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, dịch COVID-19 vừa tạm ngưng, kinh tế còn khó khăn, hơn 96 triệu người dân Việt Nam đều bị ảnh hưởng ít nhiều. Trong lúc này các trường chưa nên vội vã tăng học phí.
“Tôi rất ủng hộ việc tự chủ đại học, điều này sẽ giúp các trường có điều kiện phát huy hết năng lực và sáng tạo trong nhiệm vụ đào tạo lao động có trình độ cao. Tuy nhiên, không nên hiểu tự chủ chỉ là tăng học phí”, GS Dong nói.
Theo giáo sư, các trường có thể huy động tài chính từ nhiều nguồn, chứ không nên “đẩy gánh nặng” sang sinh viên bằng cách tăng học phí lên quá cao.
Các nguồn tài chính có thể huy động như kêu gọi doanh nghiệp đầu tư bằng việc đào tạo theo đơn đặt hàng của họ; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo đơn đặt hàng của Nhà nước… không nên cứ sinh viên mà “gõ” như vậy. Sinh viên chỉ là một trong những yếu tố cấu thành nên trường đại học, không phải tất cả.
“Tăng học phí cần có lộ trình, tương xứng với chất lượng đào tạo tăng. Các trường không thể lấy lý do đầu tư trang trang thiết bị giảng dạy hiện đại nên buộc phải tăng vọt. Như vậy là vô lý, không đúng với tinh thần của tự chủ”, GS Phạm Tất Dong cho hay.
Sinh viên thảo luận nội dung bài học. (Ảnh minh hoạ) |
Đồng quan điểm, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT bày tỏ, mức học phí tăng như hiện nay sẽ vất vả cho học sinh nghèo nuôi ước mơ thi đại học. Các trường cần tính đến mức thu nhập bình quân để đưa ra lộ trình tăng phù hợp.
"Một công trình, máy móc kĩ thuật phục vụ giảng dạy có thể dùng từ 5 đến 10 năm. Vậy tại sao các trường không tăng học phí từ từ mà một mực lấy thu bù vào chi ngay lập tức như vậy", tiến sĩ Khuyến đặt câu hỏi.
Đã là đại học công lập, do nhà nước đầu tư xây dựng thì nguồn thu sẽ có từ ngân sách nhà nước cấp, học phí, các hoạt động của nhà trường như nghiên cứu khoa học, dịch vụ, sản xuất, nguồn xã hội hoá... Tất cả các nguồn đó phải được cân bằng lại với chi phí đào tạo.
Đối với các trường công, học phí phải phù hợp, ở mức độ vừa phải thu nhập của người dân chứ không được lấy học phí cao chót vót. Các trường cần lưu ý không thể lẫn lộn, không thể đánh đồng giữa học phí và chi phí đào tạo.
Ông Khuyến chia sẻ: “Nhiều trường lý giải là không thu cao thì không thể đào tạo được, nhưng lãnh đạo các trường phải tính đến con đường giảm chi phí đào tạo, thậm chí là cân đối lại chất lượng đầu ra để vẫn đảm bảo chi phí vừa phải, phù hợp với học phí của người học”.
Việc tăng học phí là điều không thể tránh khỏi khi các trường đại học tự chủ, nhưng phải tính toán đến chất lượng đầu ra, chương trình giảng dạy, mức đầu tư cho đào tạo và khả năng đáp ứng của sinh viên. Ngoài ra, các trường có lộ trình tăng học phí quá cao, gấp nhiều lần thì cần phải thông báo từ rất sớm để học sinh không bị động.
Theo ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT, ngày 1/12/2019 Thủ tướng ban hành quyết định số 1656 về việc điều chỉnh mức cho vay đối với học sinh, sinh viên. Theo đó, mức cho vay tối đa mới là 2,5 triệu đồng/tháng/người. Lãi suất vay ưu đãi đối với học sinh, sinh viên hiện nay là 0,55%/tháng, 6,6%/năm. Tuy nhiên, dù chính sách vay tín dụng có cao hơn trước đây nhưng nếu so sánh với mức học phí một số trường y dược dự kiến đưa ra tăng gấp 4-5 lần hiện tại, cao nhất là gần 9 triệu đồng/tháng thì quá sức với học sinh, sinh viên nghèo. Ông Linh cho biết thêm, hiện chưa kiến nghị để tiếp tục nâng mức vay tín dụng vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Do vậy, lúc này các trường đại học rất cần thể hiện trách nhiệm xã hội, có thêm những chính sách miễn giảm học phí cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, tăng học bổng cấp cho sinh viên nỗ lực trong học tập, để không ai phải bỏ học vì tăng học phí. |
Tác giả: Minh Khôi
Nguồn tin: Báo VTC News