Theo ông Tiến, việc tạm lùi thời gian đấu thầu là để bổ sung thêm một số vấn đề vào hồ sơ đấu thầu.
Trao đổi cụ thể thêm với PV Dân trí, ông Nguyễn Viết Cẩn - Trưởng phòng Kế hoạch tài chính Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, các vấn đề bổ sung được đưa ra cho các nhà thầu, không thể cung cấp cho báo chí.
Cũng theo ông Cẩn, hiện đơn vị này đã nhận được hồ sơ tham gia đấu thầu của 11 đơn vị, tăng 4 đơn vị so với công bố trước đó.
Được biết, Đề án "Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2018-2020" đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt để triển khai từ năm học này đến hết năm 2020. Mục tiêu của đề án là có trên 90% số trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học được uống sữa...
Theo đó, trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học sẽ được uống sữa tươi 5 lần/tuần (tức mỗi ngày một lần), mỗi lần 1 hộp 180ml, có giá 6.800 đồng. Chi phí cho mỗi hộp sữa sẽ được ngân sách hỗ trợ 30%, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 20%, phụ huynh đóng góp 50%.
Chắc chắn phải là các hãng sữa lớn tham gia đề án sữa học đường bởi nếu mỗi cháu một hộp thì mỗi ngày đã sử dụng hàng triệu hộp sữa nên các hãng sữa lớn mới đáp ứng được. (Ảnh minh họa) |
Riêng đối với trẻ em thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, người dân tộc thiểu số, thuộc diện chính sách, ngân sách sẽ hỗ trợ 50%, doanh nghiệp hỗ trợ 50%. Đặc biệt, đây là chương trình tự nguyện, không bắt buộc tất cả học sinh phải tham gia.
Đơn vị này cho rằng, chắc chắn phải là các hãng sữa lớn tham gia đề án sữa học đường bởi nếu mỗi cháu một hộp thì mỗi ngày đã sử dụng hàng triệu hộp sữa nên các hãng sữa lớn mới đáp ứng được.
“Bất kỳ hãng sữa nào trúng thầu cũng phải đầy đủ các tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật, về mặt dinh dưỡng mà Bộ Y tế đưa ra. Đây là chủ trương đã được HĐND TP thông qua, nếu tỷ lệ phụ huynh đăng ký chỉ khoảng 50%, đề án vẫn được triển khai”, ông Tiến cho biết.
Cung cấp thông tin với báo chí tại cuộc giao ban Thành ủy chiều 25/9, ông Tiến cho biết, Bộ Y tế đặt hàng riêng sữa học đường với các công ty, chứ không phải sữa chọn ngẫu nhiên.
Chương trình thực hiện theo chủ trương của Chính phủ, vì sức khoẻ của học sinh, đảm bảo mọi thứ tốt nhất về chất lượng, giá cả… Sữa học đường có thành phần cung cấp trên vỏ, có tem nhãn mác riêng để phụ huynh kiểm tra.
Về tiêu chuẩn sữa, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay: “Ngành giáo dục sẽ làm việc với Bộ Y tế và Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Trong đó, Viện Dinh dưỡng quyết định sẽ có thành phần nào. Sở Y tế chịu trách nhiệm về vệ sinh an toàn thực phẩm. Sở GD&ĐT quản lý việc thực hiện của các trường thông qua hệ thống”.
Trước câu hỏi về việc có nên giao quyền tự chủ cho các trường học quyết định loại sữa học đường, ông Tiến cho rằng, không thể giao quyền cho các trường được vì không thể đủ năng lực cũng như chương trình cần có tính thống nhất trên địa bàn toàn thành phố.
Tác giả: Mỹ Hà
Nguồn tin: Báo Dân trí