Các em học sinh Trường THPT Sầm Sơn thể hiện tiểu phẩm về tác hại của ma túy – HIV/AIDS tại lễ phát động tháng cao điểm phòng, chống ma túy - HIV/AIDS đợt 1 năm học 2018 -2019. |
Với phương châm phòng ngừa là chính, cùng với thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy - HIV/AIDS, ban giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo giáo viên trong quá trình giảng dạy phải thực hiện tích hợp lồng ghép các kiến thức về ma túy - HIV/AIDS vào chương trình giảng dạy một số môn học ở các khối học, qua đó cung cấp một cách hệ thống các kiến thức liên quan đến hiểm họa và tác hại của ma túy đối với sức khỏe con người và đời sống xã hội cho các em; đẩy mạnh công tác tư vấn phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, HIV/AIDS; lồng ghép các hoạt động giáo dục phòng, chống ma túy - HIV/AIDS và phòng, chống tội phạm vào phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”...
Ngoài ra, nhà trường đã tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, giáo viên và học sinh, đồng thời thường xuyên kiểm tra nền nếp, phối hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh, công an địa phương cùng giáo dục, quản lý học sinh. Hàng năm, cùng với việc tổ chức tốt các hoạt động mít tinh hưởng ứng “Tháng Hành động phòng, chống ma túy”; “Ngày Thế giới phòng, chống ma túy”; “Tháng Hành động quốc gia phòng, chống AIDS” và các cuộc thi tìm hiểu về phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, HIV/AIDS, nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động gắn với nội dung giáo dục phòng, chống ma túy - HIV/AIDS. Theo đó, vào đầu năm học mới ban giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm tổ chức cho học sinh ký cam kết “bốn có” và “bốn không”.
Trong đó “bốn có” là: Sống có lý tưởng, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội; thực hiện nếp sống văn minh, lành mạnh, góp phần xây dựng trường học không ma túy; trang bị kiến thức về phòng, chống ma túy và các kỹ năng cần thiết; tuyên truyền cho mọi người hiểu về tác hại của ma túy; tích cực tham gia phát hiện, tố giác các tụ điểm mua bán, tàng trữ, sử dụng ma túy thông qua hòm thư, các số điện thoại nóng. “Bốn không” là: Không thử, tổ chức sử dụng ma túy dưới mọi hình thức; không mua bán, vận chuyển, tàng trữ ma túy, trồng cây chứa chất ma túy (thuốc phiện, cần sa, cô ca...); không làm ngơ trước các biểu hiện của ma túy trong trường học và cộng đồng; không bỏ rơi, kỳ thị bạn bè, người mắc nghiện ma túy; người bị nhiễm HIV/AIDS, họ là những người bệnh cần được chăm sóc của cộng đồng và xã hội. Các nội dung này đã được đại diện ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh và học sinh cùng ký kết để tổ chức thực hiện.
Cùng với việc ký cam kết “bốn có” và” bốn không”, các em học sinh còn thể hiện kiên quyết đó là không dùng, không thử các chất ma túy dưới bất cứ hình thức nào; không che giấu khi bạn bè người thân vi phạm ma túy; không rủ rê, lôi kéo bạn bè tham gia vào sử dụng ma túy; không vận chuyển buôn bán tàng trữ các chất ma túy; không tham gia đua xe, tàng trữ các vũ khí, chất nổ, các dụng cụ gây bạo lực; chung sống hòa bình, ứng xử có văn hóa.
Nhờ thực hiện tốt công tác giáo dục phòng, chống ma túy - HIV/AIDS, từ trước đến nay đã không có học sinh và cán bộ, giáo viên của nhà trường liên quan đến tệ nạn ma túy, qua đó đã góp phần duy trì, nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục và đào tạo. Kết thúc năm học 2017-2018 tỷ lệ học sinh xếp loại học lực khá, giỏi chiếm 74,2%; 99,7% học sinh đỗ tốt nghiệp tại kỳ thi THPT quốc gia, trong đó kết quả 3 môn xét tuyển đại học có 80,1% số học sinh đạt từ 15 điểm trở lên (3 em đạt từ 24,5 – 25,5 điểm). Kết quả thi học sinh giỏi cấp tỉnh các môn văn hóa, kiến thức liên môn và TDTT học sinh nhà trường đạt 53 giải. Riêng môn TDTT xếp thứ nhất/105 trường THPT trong toàn tỉnh.
Tác giả: Lê Sơn
Nguồn tin: Báo Thanh Hóa