Du lịch

Cháo cá lóc rau đắng ngày mưa

Với người miền Tây, cháo nấu với cá lóc đồng đã trở thành món đặc sản được khách bốn phương yêu thích và nếu không có rau đắng thì thật là thiếu sót.

“Ai cách xa cội nguồn, ngồi một mình nhớ lũy tre xanh, dạo quanh khung trời kỷ niệm, chợt thèm rau đắng nấu canh”. Những câu ca trong bài hát Còn thương rau đắng mọc sau hè của nhạc sĩ Bắc Sơn luôn khiến lòng người xa quê bâng khuâng, hoài niệm một món ăn dân dã.

Cháo không phải là món ăn lạ. Ai cũng có thể dễ dàng bắc nồi lên bếp cùng gạo vo sạch, thịt heo hoặc gà, vịt để tạo ra các món cháo gà, cháo vịt, cháo thịt… Với người miền Tây, cháo nấu với cá lóc đồng đã trở thành món đặc sản được khách bốn phương yêu thích và nếu không có rau đắng thì thật là thiếu sót.

Cháo cá lóc thường ăn kèm với rau đắng đất, loại rau mọc hoang ở các mô đất quanh nhà, dọc bờ kênh, quanh ruộng lúa. Đây là loại rau có lá nhỏ chứ không phải rau đắng trồng thường thấy trong các nhà hàng, quán ăn bây giờ.

Tuy nhiên, loại rau dại này có vị siêu đắng nên thường chỉ những người dân quê hoặc người “sành ăn” mới đủ sức nếm. Còn nhớ, cứ sau mỗi đợt mưa giông, thể nào đám rau đắng đất cũng “nhổ giò” nhanh. Khi đó, đám trẻ xóm tôi lại la cà ngoài đồng hái rau đắng, như một thú chơi sau ngày mưa. Cũng như thú đi bắt châu chấu, cào cào trong những ngày nắng, hay giống như mỗi đợt lũ về tôi cùng đám bạn trong xóm đi xuồng ba lá nhỏ ra kênh ngồi câu cá rô, cá lòng tong, chúng tôi cũng hay bắt cá lóc đồng đem về cho má nấu cháo.

Để rồi sau đó, bên chái bếp mỗi nhà lại có một nồi cháo cá lóc rau đắng đất nóng hổi. Má nấu cho lũ trẻ chúng tôi ăn để giải cảm, giúp no bụng trong những ngày mưa gió lao xao. Nồi cháo giải cảm của má rất ít gạo, nấu cho hạt cháo nở bung như hoa, kèm mấy lát cá lóc và gừng thái chỉ. Má múc cháo còn bốc khói ra tô rồi cho vào một nhúm rau đắng xanh non, rắc thêm chút muối tiêu. Con cái ngồi quanh, đứa nào cũng húp xì xụp rồi cười toe toét: “Má ơi cho con chén nữa”.

Nấu cháo cá lóc không quá khó, nhưng để ra một món ăn được cho là “ngon nức tiếng”, không phải ai cũng biết cách. Vị đắng của rau đắng đất sau khi hòa tan trong miệng sẽ cho vị ngọt độc đáo hiếm có. Những miếng thịt cá lóc trắng phau chấm nước mắm ớt quyến luyến cánh mũi cùng mùi hành ngò.

Má nói, cháo cá lóc rau đắng quyến rũ bởi cái đầu cá và đùm ruột cá - hai bộ phận dành cho bậc trưởng thượng “đụng đũa”. Mút xương đầu cá, người ăn cảm nhận chất béo của tủy, của da cá. Phần thịt hai “ót” cá được người miền Tây ưu ái gọi là “thịt gà”. Ruột cá có vị bùi của gan, vị nhân nhẫn đắng của mật, vị dai giòn sần sật của bao tử và vị béo của ruột cá…

Cái nóng của món cháo cá lóc làm chúng tôi toát mồ hôi, xua tan cái lạnh của cơn mưa dầm. Cháo cá giải cảm, khỏe người. Chính vì vậy mà người quê tôi thường ăn cháo trong những ngày mưa giông.

Năm tháng dần trôi, nay muốn ăn cháo cá chỉ cần dắt nhau ra quán, nhưng không bao giờ tôi thấy ngon bằng tô cháo cá lóc, rau đắng má nấu ngày xưa. Phải chăng hương vị ấy phải được thưởng thức cùng với mùi rơm rạ, mùi khói đốt đồng, nồi cháo phải được bắc trên cái cà ràng làm bằng đất sét rồi chụm năm ba cây củi quê hồng rực?

Tác giả: Diệp Linh

Nguồn tin: phunuonline.com.vn

  Từ khóa: Cháo cá lóc , miền Tây

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok