Trong tỉnh

Cần giải quyết tình trạng xay xát lúa gây bụi và tiếng ồn trong khu dân cư tại xã Thiệu Tiến

Vừa qua, Báo Thanh Hóa nhận được đơn của ông Hoàng Đình Dũng, thôn Quang Trung 1, xã Thiệu Tiến (Thiệu Hóa) phản ánh về cơ sở xay xát lúa gạo của bà Hoàng Thị Thu (cùng thôn), hoạt động gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều hộ dân trên địa bàn.

Ảnh minh họa.

Theo đơn phản ánh của ông Dũng, nhiều năm qua gia đình ông phải sống chung với khí bụi và tiếng ồn do nhà bà Thu có một cơ sở xay xát lúa gạo có công suất lớn, hàng ngày hoạt động liên tục từ 6 giờ sáng đến 18 giờ; nhiều hôm cơ sở còn hoạt động từ 4 giờ sáng đến 22 giờ đêm (chỉ nghỉ khoảng 1,5 tiếng vào buổi trưa). Do không chịu nổi tiếng ồn và bụi bẩn nên ông Dũng phải gửi các con vào trong xóm để tiện cho việc học hành và bảo đảm sức khỏe. Căn nhà của ông gần như cả ngày phải đóng cửa để giảm bớt khí bụi, nhưng tiếng ồn của máy xay xát thì liên tục chạy, thậm chí còn làm rung chuyển các đồ dùng trong nhà. Ngoài ra, cơ sở xay xát còn làm mái che vi phạm lộ giới, gây cản trở giao thông, che khuất tầm nhìn...

Sau khi tiếp nhận thông tin, ngày 29-5, phóng viên đã “mục sở thị” cơ sở xay xát lúa gạo của gia đình bà Hoàng Thị Thu. Cơ sở này nằm ngoài mặt đường liên xã, cách khu dân cư khoảng 50m, phía trước và phía sau là cánh đồng, duy nhất chỉ có gia đình ông Dũng nằm ngay sát cạnh. Khi phóng viên vào cơ sở để quan sát thì thấy 2 máy xay xát lúa đang hoạt động, âm thanh ồn ào từ tiếng máy chạy phát ra inh tai.

Bà Thu - chủ cơ sở xay xát lúa gạo cho biết: Năm 2015, gia đình bà mua đất xây dựng và lắp đặt 2 máy xay xát gạo công nghiệp; mỗi máy xay xát có công suất khoảng 10 tấn lúa/ngày, theo đó vỏ trấu và tạp chất phun ra ngoài khoảng 3 tạ. Năm 2018, nhân dân trong thôn phản ánh về tình trạng bụi bặm và tiếng ồn do cơ sở gây ra, chính quyền xã Thiệu Tiến đã xuống kiểm tra và nhắc nhở. Do vậy, gia đình đã đầu tư khoảng 100 triệu đồng để xây 2 phòng kín và lắp đặt hệ thống hút, lọc tạp chất nên hiện nay vỏ trấu không còn bay ra ngoài nữa; gia đình cũng thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh công nghiệp nên lượng bụi thải ra ngoài rất ít. Bà Thu cũng thừa nhận, do cơ sở xay xát của gia đình nằm sát gia đình nhà ông Dũng nên không tránh khỏi ảnh hưởng của tiếng ồn.

Tuy nhiên, khi phóng viên đưa ra 2 vấn đề người dân phản ánh với bà Thu về tình trạng cơ sở xay xát của bà hoạt động vào những giờ nghỉ trưa, làm quá giờ quy định vào buổi tối. Gia đình bà lợp mái hiên và đậu, đỗ xe bốc, xếp hàng hóa lấn chiếm lề đường giao thông liên xã. Bà Thu giải thích: Cơ sở xay xát của gia đình bà ký hợp đồng mua điện sản xuất của Điện lực Thiệu Hóa và rất tuân thủ quy định, hoạt động sản xuất theo khung giờ đã ký kết. Tuy nhiên, có nhiều hôm phải hoạt động ngoài giờ là vì Điện lực Thiệu Hóa thông báo cắt điện vào ngày hôm sau nên cơ sở đã xin phép điện lực được sản xuất liên tục từ sáng sớm đến 20 giờ tối, để nhường điện cho người dân sử dụng sinh hoạt.

Bà Thu nhấn mạnh thêm: Nếu hoạt động quá hoặc sai giờ sản xuất trong hợp đồng thì sẽ bị điện lực phạt rất nặng và bị cắt hợp đồng mua điện. Còn mái tôn gia đình lợp vi phạm lộ giới, gây cản trở giao thông, che khuất tầm nhìn... gia đình bà sẽ tháo dỡ trong thời gian sớm nhất. Đối với việc xe ô tô bốc, xếp hàng đậu đỗ lấn chiếm lề đường, bà Thu lý giải: Địa phương chưa có cụm công nghiệp nên các hộ sản xuất, kinh doanh đều bám mặt đường, việc đậu, đỗ xe vi phạm là không tránh khỏi, thời gian tới cơ sở cố gắng hạn chế thấp nhất các vi phạm, như: Tiếng ồn, bụi bẩn, giờ giấc hoạt động sản xuất; đậu, đỗ xe bốc, xếp hàng đúng quy định.

Để hiểu rõ thêm sự việc, phóng viên Báo Thanh Hóa đã liên hệ và làm việc với ông Ngô Ngọc Thiềng, Chủ tịch UBND xã Thiệu Tiến, ông cho biết: UBND xã cũng đã nhận được thông tin phản ánh của người dân là các cơ sở xay xát lúa gạo trên địa bàn xã lắp ống phun thẳng trấu ra ngoài môi trường; có 2 cơ sở xay xát lúa gạo bằng máy công nghiệp lớn gây tiếng ồn, bụi bẩn; cơ sở xay xát của bà Thu còn lợp mái tôn; đậu, đỗ xe ô tô bốc, xếp hàng lấn chiếm lòng đường, che khuất tầm nhìn, tiềm ẩn tai nạn giao thông. Ngay sau khi nhận được thông tin, UBND đã thành lập đoàn xuống kiểm tra, nhắc nhở và yêu cầu 2 cơ sở xay xát lúa gạo bằng máy công nghiệp phải lắp đặt hệ thống hút bụi, giảm tiếng ồn, hạn chế bụi và ồn ra môi trường, ảnh hưởng tới đời sống người dân. Đến nay, cả 2 cơ sở đều đã cơ bản thực hiện.

Ông Thiềng cho biết thêm: Trên địa bàn xã Thiệu Tiến hiện có 7 hộ có máy xay xát, trong đó có 5 hộ có máy nhỏ và 2 hộ có máy xay xát công nghiệp. Trong đó, hộ nhà bà Thu có máy xay xát nằm sát với nhà dân nên gây ra tiếng ồn và bụi là điều khó tránh khỏi. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục chỉ đạo kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở và hộ dân kinh doanh máy xay xát lúa gạo thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, giảm thiểu tiếng ồn, bụi bẩn phát tán ra ngoài, xay xát đúng giờ theo quy định, tránh ảnh hưởng tới sức khỏe, đời sống sinh hoạt của người dân.

Thiết nghĩ, giải pháp trên của xã đưa ra chỉ là trước mắt còn về lâu dài để các cơ sở xay xát lúa gạo hoạt động bền vững thì chính quyền xã Thiệu Tiến cần phải quy hoạch, di dời các cơ sở sản xuất này ra khỏi khu dân cư, tránh ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Tác giả: Ngọc Tiến

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok