Giáo dục

Bộ trưởng GD&ĐT nói gì về đề án chi 12.000 tỷ đào tạo 9.000 tiến sĩ?

Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng đề án đào tạo 9.000 tiến sĩ không đưa ngân sách về cơ sở giáo dục, mà cấp cho những người đáp ứng tiêu chuẩn dưới dạng học bổng.

Trao đổi với báo chí sáng 16/11, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng chi 12.000 tỷ đồng đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ không phải đề án mới, mà là thay đổi và nâng cao chất lượng của Đề án 911 trước đây.

- Nhiều ý kiến cho rằng thực tế đào tạo tiến sĩ trong nước thời gian qua có nhiều vấn đề. Bộ GD&ĐT lại đặt ra mục tiêu đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ có quản lý được không?

- Trước đây, có thể có cơ sở như vậy nhưng bây giờ khác, Bộ GD&ĐT quản lý chặt chẽ bằng quy chế đào tạo tiến sĩ, kiểm tra rất nghiêm minh.

Vai trò quản lý Nhà nước được đề cao thông qua kiểm định chất lượng và giám sát, đưa ra quy chế đào tạo tiến sĩ với chuẩn từng bước tiếp cận quốc tế. Người đi học và cơ sở đào tạo phải có trách nhiệm với chất lượng đào tạo.

Vai trò của bộ là các chuẩn, quy chuẩn. Chẳng hạn, vừa qua, Bộ GD&ĐT ban hành quy chế học phải có thời gian tập trung, một bài đăng tạp chí quốc tế…, đáp ứng được mới công nhận. Cơ sở đào tạo không đáp ứng được quy chế đó thì không công nhận.

Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng với đề án đào tạo 9.000 tiến sĩ, ngân sách không được đưa về cơ sở đào tạo nào, mà cấp cho những người đáp ứng được tiêu chuẩn dưới dạng học bổng. Ảnh: Thắng Quang.

- Kinh phí 12.000 tỷ đồng đào tạo tiến sĩ sẽ được triển khai như thế nào, thưa bộ trưởng?

- Kinh phí không rót về cơ sở nào mà cho những người trực tiếp đáp ứng được tiêu chuẩn nhận học bổng. Số tiền này là dạng học bổng, được Nhà nước ưu đãi đào tạo, chứ không phải chia tiền rót về địa phương, các cơ sở giáo dục.

- Việc kiểm soát chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ cho các cơ sở giáo dục được kiểm soát như thế nào để nâng cao chất lượng?

- Không giao chỉ tiêu. Bộ GD&ĐT sẽ đưa ra các cơ chế chính sách để quản lý chất lượng, khuyến khích và giám sát. Các cơ sở đào tạo căn cứ nhu cầu của mình phải có trách nhiệm.

Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2030”.

Theo đó, đề án có tổng kinh phí 12.000 tỷ đồng trong đó có mục tiêu đào tạo 9.000 tiến sĩ. Vấn đề này nhận được sự quan tâm của dư luận khi Đề án 911 đào tạo 20.000 tiến sĩ trước đó được cho là không đạt mục tiêu.
Cách tiếp cận của đề án này là Nhà nước định hướng và hỗ trợ chứ không làm thay. Cơ sở giáo dục đào tạo và người đi học phải có trách nhiệm đảm bảo chất lượng.

Người đi học đáp ứng được tiêu chuẩn, yêu cầu, sẽ được Nhà nước cấp học bổng toàn phần hay một phần. Mọi người đều có thể tham gia, cũng không phân biệt công lập hay tư thục.

- Chính sách thu hút người nhận học bổng nghiên cứu tiến sĩ ở nước ngoài về Việt Nam làm việc được thực hiện như thế nào?

- Điều quan trọng là đào tạo phải gắn với nhu cầu sử dụng. Người sử dụng lao động có nhu cầu tuyển dụng, cử người đi học, chứ không phải cứ đào tạo ồ ạt rồi tiến sĩ tự tìm việc.

Cách tiếp cận bây giờ là đào tạo phải gắn chặt nhu cầu sử dụng lao động. Cơ sở đào tạo phải có trách nhiệm, chủ động để quy hoạch và phát triển đội ngũ, trong đó có đội ngũ đào tạo. Căn cứ vào đó, bộ hỗ trợ bằng cơ chế chính sách, chứ không phải đề án cử đi học, cắt biên chế rồi học xong không về.

Quan điểm của bạn đọc Zing.vn về việc triển khai đề án chi 12.000 tỷ đồng đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ. Ảnh chụp màn hình.

Đổi mới cơ chế quản lý đào tạo về tiến sĩ trong đề án mới đây rất khác với truyền thống. Tổng số tiền không thay đổi. Thậm chí, số tiền đã được Quốc hội duyệt chi không nhất thiết phải dùng hết mà căn cứ chất lượng đào tạo, nếu không tiêu hết thì trả lại Chính phủ.

Tôi nhấn mạnh lại quan trọng nhất là chất lượng đào tạo. Đề án này đề cao trách nhiệm của cơ sở đào tạo và người đi học. Vai trò của Bộ GD&ĐT là đưa ra cơ chế chính sách và định mức, để làm sao định mức đề ra không quá chênh với định mức của các tổ chức khác và khuyến khích người học.

- Bộ trưởng có định hướng gì trong việc cải tiến chính sách tiền lương cho giáo viên - vấn đề đang gây bức xúc trong dư luận?

- Đây là vấn đề rất lớn. Bộ GD&ĐT đang rà soát chuẩn giáo viên, hiệu trưởng, cán bộ quản lý Nhà nước về giáo dục. Khi cải tiến chuẩn theo hướng tốt lên, lương cũng phải theo.

Bộ GD&ĐT không quyết định được vấn đề lương giáo viên nên đã làm việc với Bộ Nội vụ để cùng thống nhất trong thang bảng lương, làm sao triển khai thật tốt Nghị quyết 29: Giáo viên được hưởng thang bậc lương cao nhất.

Thang bảng lương gắn kèm trách nhiệm đội ngũ. Khi yêu cầu nhà giáo phải cao hơn về chuẩn kiến thức, kỹ năng, đáp ứng yêu cầu đổi mới ngành giáo dục căn bản, toàn diện, chế độ cũng phải phù hợp. Nếu yêu cầu giáo viên phải nâng cao chất lượng, chế độ như cũ thì không được.

Bộ GD&ĐT có trách nhiệm phối hợp Bộ Nội vụ, các bộ khác để xây dựng, thống nhất cơ chế chính sách. Qua làm việc sơ bộ, các bộ trưởng khác cơ bản ủng hộ tinh thần này. Vấn đề là cụ thể thế nào để làm sao trách nhiệm phải đi cùng quyền lợi. Điều đó không đơn giản nhưng phải làm.

Tác giả: Thắng Quang

Nguồn tin: zing.vn

  Từ khóa: Bộ trưởng GD&ĐT

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok