Trong tỉnh

Bí thư Thanh Hóa nói về việc giảm 30.000 người sau sáp nhập

Thanh Hóa giảm trên 30.000 cán bộ (cả chuyên trách và không chuyên trách) sau khi tiến hành 3 cuộc sắp xếp, qua đó tiết kiệm khoảng 800 tỉ đồng tiền ngân sách.

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa ông Trịnh Văn Chiến vừa chủ trì buổi gặp mặt các cơ quan thông tấn báo chí đóng trên địa bàn tỉnh và thông tin về tình hình phát triển kinh tế xã hội tỉnh Thanh Hóa năm 2019.

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa thông tin về tình hình kinh tế xã hội, trong đó đặc biệt là câu chuyện sáp nhập hành chính cấp xã phường, thị trấn trên địa bàn. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Ông Chiến cho biết Thanh Hóa có bước tiến mạnh mẽ. Chỉ trong ba năm trở lại đây, từ một tỉnh có thu ngân sách thấp, tỉnh đang từng bước vươn lên trở thành tỉnh khá ở nhiều lĩnh vực trong đó đáng chú ý là công nghiệp, nông nghiệp 4.0 và du lịch dịch vụ, xây dựng bất động sảng.

Về việc Thanh Hóa sáp nhập các đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sau khi thực hiện Nghị quyết 37 của Trung ương, ông Chiến cho rằng "rất êm”. Quá trình sát nhập các đơn vị hành chính tại Thanh Hóa không xảy ra nhiều xáo trộn, “không có tiếng ra tiếng vào và bộ máy hành chính cấp xã không phát sinh những đề lớn.

Theo ông Chiến, tỉnh Thanh Hoá đã thực hiện 3 đợt sắp xếp lớn mà năm trước đó (2018) là xếp thôn, năm vừa qua (2019) là sắp xếp cấp xã và sắp tới là cấp huyện. Đây 1 trong 2 tỉnh thành đầu tiên tiến hành về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Theo đó, 635 xã, phường, thị trấn của tỉnh rút xuống còn 559, giảm 76 đơn vị. Điều này giúp giảm trên 30.000 cán bộ (cả chuyên trách và không chuyên trách); tiết kiệm khoảng 800 tỉ đồng cho ngân sách nhà nước. "Về lý thuyết thì Thanh Hóa giảm hẳn một bộ máy có thể bằng một tỉnh" - ông nói.


Cũng theo ông Chiến, quá trình sáp nhập cũng có những vấn đề nảy sinh, trong đó có việc một số đơn vị mất tên, thương hiệu, địa danh, lịch sử nhưng sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã phường, thị trấn vận hành khá tốt.

Hơn nữa, sau khi sáp nhập tiền lương của cán bộ cũng đã tăng lên từ mức cơ bản là 1,2 triệu đồng/tháng lên 3 triệu đồng/ tháng từ đó cán bộ yên tâm công tác, nỗ lực cống hiến để đưa tỉnh Thanh Hóa tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian thông qua các chính sách hiệu quả thúc đẩy Thanh Hóa vươn lên”, ông Chiến chia sẻ.

Thanh Hóa từng xảy ra trận lũ lịch sử khiến hai huyện Quan Sơn, Mường Lát thiệt hại nặng nề nhưng tỉnh vẫn có tốc độc phát triển kinh tế nằm trong top 3 của cả nước. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Cũng tại buổi gặp mặt ông Chiến thông tin: “Thanh Hóa đứng ở nhóm đầu cả nước về tốc độ tăng GDP với 17,15% và là năm thứ hai đứng trong top 3 dẫn đầu tốc độ tăng trưởng trong bình diện chung nước. Theo đó tổng thu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đạt 28.806 tỷ đồng tính đến ngày 31-12-2019. Đây cũng là số thu ngân sách lớn nhất từ trước đến nay của tỉnh Thanh Hóa.

Nhìn lại khi so sánh với năm 2010 thu ngân sách nhà nước Thanh Hóa chỉ đạt 4.200 tỷ đồng thì sau 9 năm tổng thu ngân sách Thanh Hóa gấp đến 7 lần. Có một điều chắc chắn rằng không có tỉnh nào thu ngân sách tăng nhanh như Thanh Hóa”, ông Chiến khẳng định.

Tác giả: ĐẶNG TRUNG

Nguồn tin: Báo Pháp luật TP.HCM

  Từ khóa: sáp nhập , Bí thư Thanh Hóa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok