Trong tỉnh

Ám ảnh nước rỉ rác

Ông Đào Trọng Quy - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hoá (TNMT) khẳng định rằng, tại ba đô thị lớn nhất tỉnh, gồm TP Thanh Hoá, TP Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn được đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung.

Hệ thống này đã đi vào vận hành, nhưng thực tế mới chỉ giải quyết được “phần nào” tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải sinh hoạt gây ra. Một ước lượng rất chung chung, trong khi vấn đề xử lý rác thải tại các địa phương nói trên, đặc biệt ở TP Sầm Sơn đang gây bức xúc âm ỉ trong nhân dân suốt nhiều năm qua.

Nước trên dòng sông Đơ sát bãi rác đen ngòm và bốc mùi...

Nước rỉ rác đặc quánh

Câu chuyện xử lý rác thải tại TP Sầm Sơn trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết khi mà bãi chứa đã quá tải suốt nhiều năm qua. Trong khi hàng chục khách sạn, khu nghỉ dưỡng cứ thế tăng thêm theo từng năm tại đô thị biển này; lượng khách du lịch tới đây ngày một đông hơn, mang về nguồn doanh thu cho Sầm Sơn ngót nghét 4 nghìn tỷ đồng vào năm 2018. Cùng với đó, mỗi ngày Sầm Sơn thải ra hàng trăm tấn rác sinh hoạt, trong khi bãi rác duy nhất của thành phố có diện tích rộng khoảng 2 ha đã đầy ứ ự từ mấy năm qua. Cả một núi rác khổng lồ đang ngày đêm bốc mùi hôi thối khủng khiếp, lan toả và len lỏi vào từng ngõ ngách các khu dân cư lân cận khiến cuộc sống của nhân dân trở nên vô cùng khổ sở.

Không hiểu vì sao bãi rác Sầm Sơn lại được quy hoạch cách biển khoảng hơn một nghìn mét và nằm cạnh sông Đơ, một con sông đặc biệt bởi không biết đầu sông ở đâu và cuối sông ở chỗ nào. Sông dài chừng 4 km, đầu phía Nam nối ra biển tại cống Quảng Vinh, đầu phía Bắc thông với sông Mã rồi đổ thẳng về cửa biển Lạch Hới. Chưa biết rồi đây, khi các nhà đầu tư xây dựng những khu đô thị hiện đại dọc theo con sông này, họ sẽ xử lý nguồn nước ra sao để tạo sự hấp dẫn, đảm bảo môi trường trong lành nhằm thu hút cư dân tới đây sinh sống? Chỉ biết rằng, hiện tại sông Đơ đã trở thành dòng sông chết. Màu nước trên sông so với màu nước từ các hố chứa chất thải của bãi rác chẳng khác nhau bao nhiêu. Và sẽ khó tránh khỏi việc nguồn nước từ con sông này sẽ nhập vào biển Sầm Sơn thơ mộng với hàng chục nghìn lượt người tắm trong những ngày hè nắng gắt.

Thật chẳng vinh dự gì khi mà bãi rác Sầm Sơn được xếp vào diện những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhất cần phải đóng cửa, cần phải xúc hết rác tại đây, mang đi đổ ở một nơi nào đó an toàn hơn. Ông Nguyễn Hữu Cường - một cư dân sinh sống gần bãi rác TP Sầm Sơn - tâm sự: “Không chỉ ô nhiễm không khí mà nguồn nước ngầm cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khối lượng rác khổng lồ được tấp chồng lên nhau từ hàng chục năm qua cứ ngày đêm chiết suất ra thứ chất lỏng hỗn hợp kinh khủng rồi âm thầm thẩm thấu ra sông Đơ, âm thầm chui xuống lòng đất, hoà vào nguồn nước ngầm. Tôi khẳng như vậy vì hàng chục giếng khơi của người dân ở khu vực gần bãi rác từ nhiều năm nay đã không thể sử dụng. Màu nước trong giếng đen ngòm, bốc mùi hôi có khác gì nước sông Đơ đâu chứ! Nỗi ám ảnh chưa biết đến khi nào mới vơi đi, mỗi lần nghĩ tới mùi nước rỉ ra từ bãi rác, tôi thấy rợn hết cả người”.

Chưa dừng lại, nguồn nước rỉ từ bãi rác còn chảy tràn ra đồng ruộng, đổ vào ao cá, ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển kinh tế của cư dân bản địa. Nỗi thống khổ của nhân dân Sầm Sơn trước hệ luỵ từ bãi rác vốn dĩ tồn tại cả chục năm rồi. Bà con từng nhiều lần phản ánh lên chính quyền Sầm Sơn, nhưng nhà chức trách cũng chỉ hứa cho yên dân rằng, bãi rác sẽ được di chuyển, song khi nào di chuyển thì chưa có lộ trình cụ thể. Vậy rồi, tại kỳ họp HĐND tỉnh mới đây, tình trạng ô nhiễm môi trường sống tại nhiều huyện, thị, câu chuyện về bãi rác Sầm Sơn được đưa ra bàn thảo. Chỉ tiếc, ông Giám đốc Sở TNMT trả lời “lạc đề” nên những bức xúc của người dân phải gác lại trong sự hụt hẫng. Còn ở bãi rác Sầm Sơn mặc dù đã “bội thực” từ lâu nhưng hiện mỗi ngày vẫn đang phải tiếp nhận thêm khoảng 100 tấn rác các loại, công nhân trung chuyển bất đắc dĩ phải đổ tràn rác ra cả đường đi nội bộ trong bãi.

Núi rác tại TP Sầm Sơn.

Chưa có phương án “giải cứu” rác

Năm 2014, UBND tỉnh Thanh Hóa đã từng phê duyệt dự án nâng cấp, cải tạo bãi rác thải của Sầm Sơn với tổng giá trị vốn đầu tư lên tới 26,3 tỷ đồng. Mục đích của dự án đặt ra nhằm làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân khu vực xung quanh. Nói như vậy để thấy rằng Thanh Hoá cũng có sự quan tâm đối với môi trường sống của nhân dân Sầm Sơn, quan tâm tới việc bảo vệ môi trường mặt nước biển phục vụ du khách tới đây tắm mỗi ngày. Song, sự quan tâm đó không bắt kịp với quá trình phát triển đô thị hoá của thành phố biển. Từ đây, việc xử lý bãi rác cứ thế rơi vào bế tắc hết năm này sang năm khác. Ông Phạm Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Sầm Sơn thừa nhận: Vấn đề nan giải nhất hiện nay của TP Sầm Sơn không phải là việc kêu gọi đầu tư, cũng chẳng phải việc quản lý đô thị, tạo môi trường thân thiện đối với du khách, mà đó là câu chuyện bãi rác thải.

Ông Tuấn nói trong bế tắc: “Vẫn biết, bãi đã quá tải nhưng giờ ngừng đưa về đây, thực sự chúng tôi không biết mang rác đi đâu đổ nữa. TP Sầm Sơn từng xin chở rác lên tận bãi Đông Nam, huyện Đông Sơn đổ, nhưng bãi này cũng đang quá tải”. Giải pháp lâu dài mà chính quyền Sầm Sơn đặt ra đó là lập quy hoạch một bãi rác rộng 20 ha tại xã Quảng Minh, nhưng phương án này chưa được cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hoá gật đầu. Ông Tuấn nói thêm: “Lý do bởi trong quy hoạch phát triển, Sầm Sơn không có vị trí xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn nên sẽ tập kết đưa về nhà máy tại xã Đông Nam xử lý. Tuy nhiên nhà máy này chưa xây dựng xong nên chả còn cách nào khác là đưa rác về “nhét” vào bãi”.

Ông Lương Tất Thắng - Chủ tịch UBND TP Sầm Sơn - cùng tỏ rõ sự bất lực trước vấn đề rác thải: Bây giờ chỉ cần có nơi đổ, kể cả tốn bao nhiêu tiền, TP Sầm Sơn cũng cố gắng thu xếp kinh phí để chở rác tập kết về đó. Nhưng thực sự không có chỗ nào để đổ cả. TP Sầm Sơn đang chờ cho nhà máy rác Đông Nam đi vào hoạt động. Ông Thắng nói: “Không có thành phố du lịch nào đang tồn tại núi rác khổng lồ như Sầm Sơn. Ngày nào đi qua đây, tôi cũng rất sốt ruột. Nhưng làm cách nào để giải quyết lượng rác lên tới hàng chục nghìn mét khối ở Sầm Sơn? Chúng tôi đang gặp muôn vàn khó khăn. Nếu có nhà máy xử lý ở lân cận thì tốn kém bao nhiêu TP Sầm Sơn sẽ xin tỉnh hoặc vay mượn để giải phóng bãi rác”.

Tiếp tục đi tìm lời giải cho bãi rác Sầm Sơn, chúng tôi rất thất vọng. Tại báo cáo mới nhất (157/BC-STNMT do ông Đào Trọng Quy - Giám đốc Sở TNMT Thanh Hoá ký ngày 5/7/2019) trong phần tồn tại, hạn chế cũng như phần giải pháp và những đề xuất, kiến nghị không có một dòng nào đả động trực tiếp đến việc xử lý bãi rác Sầm Sơn - vấn đề sống còn đối với thành phố du lịch. Chúng tôi cho rằng, câu chuyện giải quyết đối với bãi rác Sầm Sơn đã vượt khỏi khả năng tự xử lý của chính quyền thành phố này. Đến lúc các ngành chức năng liên quan của tỉnh Thanh Hoá cần phải ngồi lại để cùng giải bài toán núi rác bên dòng sông Đơ. Không thể để nguồn rỉ rác tiếp tục thẩm thấu xuống lòng đất hoặc chảy thẳng ra biển. Không thể để hàng trăm hộ dân TP Sầm Sơn cứ mãi sống chung trong cảnh ô nhiễm trầm trọng bởi hệ luỵ từ bãi rác gây ra.

Tác giả: Anh Tuấn

Nguồn tin: Báo Đại Đoàn Kết

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok