Giáo dục

Vụ chửi người học tiếng Anh 'óc lợn': Làm giáo viên đừng kiêm đòi nợ

Trước sự việc giáo viên tiếng Anh buông lời lăng mạ, kiên quyết bắt học sinh nộp phạt, nhiều chuyên gia cho rằng cô giáo đang tự bôi nhọ danh tiếng của mình và cả ngành giáo dục.

Clip cô giáo tại trung tâm MST English bắt học viên nộp tiền phạt, mắng học viên là "đồ mặt lợn" đang gây xôn xao cộng đồng mạng. Qua xác minh, cô giáo trong đoạn video là Nguyễn Thị Kim Tuyến, người sáng lập MST English.

Dạy học kiêm... "đòi nợ"
Trong clip dài hơn 2 phút, cô Nguyễn Thị Kim Tuyến ngừng việc giảng bài, tập trung đòi 100.000 đồng tiền phạt của một học viên trong lớp. Nữ giáo viên khẳng định: "Một là anh đóng phạt, hai là cả lớp dừng lại".

Theo cam kết từ đầu khóa học, học viên phải nộp phạt 100.000 đồng nếu thiếu bài tập về nhà. Nam thanh niên vi phạm đã trình bày khó khăn tài chính (đang vừa học vừa đi làm), mong được bỏ qua.

Tuy nhiên, thay vì xử lý một cách tế nhị, cô Tuyến cho lớp học dừng lại và kiên quyết yêu cầu học viên phải nộp 100.000 đồng mới tiếp tục giảng bài. Hai bên không ai nhường ai đã dẫn tới cuộc cãi vã với nhiều từ ngữ tục tĩu.

Cô Tuyến cầm tiền nộp phạt giơ lên trước lớp trong khi tranh cãi với học viên. Ảnh cắt từ clip.

Trước câu chuyện này, một số chuyên gia giáo dục cho rằng cô giáo đã quá chú tâm việc thực thi nội quy lớp học mà không ý thức được mình đang tạo ra hình ảnh phản cảm.

"Phạt tiền là chuyện bình thường nhưng khi thực hiện phải đặt yếu tố giáo dục lên đầu. Phạt để răn đe tính lươn khươn, chây ỳ chứ không phải phạt lấy được", thạc sĩ Nguyễn Cao Cường, chuyên gia truyền thông của Trung tâm Nghiệp vụ Báo chí và Truyền thông, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) nêu quan điểm.

Tối 5/5, mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại cuộc cãi vã "chợ búa" của học viên với cô giáo trong lớp tiếng Anh dành cho người đi làm.

Clip trên được quay tại lớp học tiếng Anh của Trung tâm MTS English (cơ sở Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Cô giáo trong clip là Nguyễn Thị Kim Tuyến, người vẫn được giới thiệu trong nhiều clip treo trên trang chính thức của Trung tâm là “giám đốc chuyên môn”.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết trung tâm này hoạt động "chui", từng bị xử phạt.

Theo giảng viên của nhiều khóa đào tạo nghiệp vụ truyền thông này, trường hợp người dạy và học viên đồng ý với hình thức nộp phạt bằng tiền, giáo viên cũng nên có người thu tiền, hoặc nhờ lớp trưởng thu hộ, thay vì trực tiếp "đòi nợ". Hành vi đó rất phản cảm và hiện phổ biến trong các lớp học thêm.

Trao đổi với Zing.vn, tiến sĩ tâm lý Trần Thành Nam - chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, ĐH Giáo dục, Hà Nội - lại cho rằng việc phạt tiền học sinh là phản giáo dục.

"Bắt nộp tiền là kiểu hình phạt không có tính giáo dục, do điều kiện tài chính của mỗi học viên khác nhau. Một số người có thể vi phạm nhiều lần vì cậy mình có tiền, trong khi số khác lại căng thẳng vì kinh tế eo hẹp".

Trước phát ngôn của cô giáo cho rằng lớp học là sân chơi của mình, học viên phải tuân theo luật lệ, ông Nam nêu quan điểm nếu đã muốn có sân chơi riêng, cô Tuyến đừng tự nhận mình là giáo viên.

Khi đã nhận mình thuộc lớp người nào, hành vi ứng xử phải phù hợp lớp người đó. Là giáo viên thì phải hành xử theo quy chuẩn của nghề dạy học.

Thiệt hại không chỉ cá nhân cô Tuyến

Một ngày sau sự việc cô giáo đòi tiền, lăng mạ học sinh được lan truyền, phản ứng phẫn nộ của cộng đồng mạng đã cho thấy hậu quả nghiêm trọng mà nữ giáo viên gây ra cho bản thân và trung tâm ngoại ngữ.

Một số ý kiến cho rằng cô Tuyến có năng lực giảng dạy và chuyên môn nhất định mới thu hút học viên. Tuy nhiên, phương pháp giáo dục theo kiểu "trừng phạt tài chính" đã đặt giáo viên này vào tư thế đối đầu chính học viên của mình.

"Kinh doanh cái gì cũng phải tôn trọng khách hàng, huống hồ là kinh doanh dịch vụ đào tạo", chuyên gia Nguyễn Cao Cường nhận định.

Thạc sĩ Trịnh Lê Anh, giảng viên khoa Du Lịch, ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho rằng cách dạy học của cô Tuyến quá cực đoan và vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực ngôn ngữ của nhà giáo.

Kiểu phát ngôn "sân chơi của tao", "luật của tao" có thể giúp cô giáo khẳng định cái tôi và cá tính của mình. Đơn giản là mở dịch vụ thì muốn kinh doanh thế nào tùy cô. Nhưng hậu quả nhãn tiền là cô và trung tâm tiếng Anh bị cộng đồng tẩy chay.

Sau khi clip được đăng tải, cộng đồng mạng bày tỏ sự bất bình với phát ngôn và cách ứng xử của nữ giáo viên. Trước trận cuồng phong của dư luận, cô giáo phải tắt điện thoại, khóa Facebook cá nhân và cả fanpage của MST English. Cả ngày 6/5, các cơ sở của trung tâm này cũng đóng cửa không hoạt động.

TS Trần Thành Nam cho rằng đang có rất nhiều người tự gán mác giáo viên trong khi không được đào tạo bài bản về kỹ năng, nghiệp vụ, ứng xử sư phạm.

Không những gây thiệt hại cho bản thân, những người này còn khiến giáo viên thực thụ phải chịu chung tiếng xấu.

Khi dư luận nhìn vào hình ảnh một cô giáo chửi học sinh "như hát hay" trên lớp, họ sẽ không quan tâm đó là cơ sở giáo dục công lập hay tư nhân, học sinh là trẻ con hay người lớn... Theo phản xạ, họ nhanh chóng quy trách nhiệm cho ngành giáo dục.

"Không cần phải là giáo viên, quy tắc ứng xử giữa con người với con người cũng phải dựa trên những giá trị căn bản như sự tôn trọng, sẻ chia và trách nhiệm", TS Nam khẳng định.

"Cô Tuyến có tâm huyết, nhưng quá cực đoan"

Thạc sĩ Trịnh Lê Anh cho rằng trường hợp người học chây ỳ, không có quyết tâm học tập rất phổ biến. Đặc thù môn tiếng Anh rất cần sự chăm chỉ, kiên định nên không ít người thất bại trong việc học.

"Sau khi đọc lời trần tình của cô Tuyến về sự việc vừa xảy ra, tôi có cảm giác cô là giáo viên tiếng Anh có bản lĩnh, nung nấu trong tâm trí và quyết liệt trong ngôn ngữ, hành động. Cô muốn đương đầu vấn đề khó hiện nay là khắc phục sự chây ỳ, thiếu tự giác của học viên.

Tuy nhiên, cách làm của cô quá cực đoan và vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực ngôn ngữ của nhà giáo. Tôi cũng là giảng viên không hiền, thậm chí không thiếu sinh viên hậm hực... Nhưng nguyên tắc là dù mâu thuẫn cỡ nào, thầy trò tôi cũng không bao giờ nói tục, chửi bậy", thạc sĩ Lê Anh nói.

Tác giả: Ngọc Tân

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok