Xe

Túi khí ô tô sẽ ‘phản tác dụng’ nếu mắc 4 sai lầm tai hại này khi lái xe

Túi khí là trang bị an toàn trên ô tô giúp lái xe có thể tránh được nguy hiểm khi va chạm. Tuy nhiên trong quá trình lái xe nhiều người mắc sai lầm khiến bộ phận này có nguy cơ gây 'phản tác dụng’.

Túi khí trên ô tô được sinh ra để giảm thiểu và hạn chế những chấn thương nghiêm trọng khi có va chạm xảy ra. Chất liệu tạo nên túi khí cho xe ô tô là loại vải co giãn hoặc một vật liệu đảm bảo được khả năng thu gọn lại trong các vị trí cần thiết trên xe và dễ dàng bung ra khi cần thiết.

Trong tình huống xảy ra va chạm, túi khí được bơm phồng gần như ngay lập tức với thời gian chỉ tính bằng mili giây, bảo vệ các bộ phận quan trọng trên cơ thể người trên xe.

Túi khí giúp lái xe an toàn hơn mỗi khi có va chạm tuy nhiên tránh mắc sai lầm khi sử dụng xe khiến bộ phận này 'vô tác dụng'. Ảnh minh họa

Để có phản ứng nhanh nhạy và chính xác của hệ thống bơm, một hệ thống cảm biến được sử dụng để nhận biết những yếu tố cần thiết để bung thiết bị. Do sau khi xảy ra va chạm, các bộ phận trong xe sẽ biến dạng và di chuyển, va đập lẫn nhau nên các cảm biến này đều được lập trình cẩn thận để ghi nhận lực một cách chính xác.

Sau khi va chạm xảy ra, dây an toàn giúp hãm dần vận tốc theo quán tính của người ngồi trong xe và do đó giảm lực tác động lên người họ. Túi khí đồng thời giúp hạn chế khả năng va đập của vùng đầu với các vật thể khác trong xe và hấp thụ một phần lực ảnh hưởng tới người lái và hành khách.

Dù khá quan trọng trên ô tô nhưng trong quá trình sử dụng nhiều tài xế thường mắc sai lầm khiến bộ phận này không còn tác dụng, thậm chí phản tác dụng mỗi khi gặp va chạm.

Không thắt dây an toàn

Rất nhiều người cho rằng, nếu không cài dây an toàn thì túi khí sẽ không bung khi có va chạm. Nhưng thực tế, túi khí và dây an toàn là hai hệ thống hoạt động độc lập. Do đó, ngay cả khi không cài dây an toàn thì có va chạm túi khí vẫn bung. Thậm chí, nếu hành khách không thắt dây an toàn, khi xảy ra tai nạn sẽ va chạm với chính túi khí và có thể bị thương nặng hơn.

Do đó, việc thắt dây an toàn thường có mức thương tổn thấp và xác suất tử vong thấp khi xảy ra va chạm. Ngược lại, trường hợp không thắt dây an toàn thì thương tổn nghiêm trọng, thậm chí là tử vong.

Thói quen để trẻ em ngồi ở ghế trước

Thực tế cho thấy, nhiều gia đình thường để trẻ em ngồi ở hàng ghế trước hoặc đứng ở vị trí ghế phụ. Đây là việc làm vô cùng nguy hiểm, bởi trong trường hợp xảy ra va chạm, túi khí phía trước sẽ được kích hoạt và bung ra nhanh chóng với tốc độ tương đương khoảng 200 km/h. Như vậy, nếu trẻ đứng sát vị trí đặt túi khí thì sẽ bị tác động mạnh, đẩy về sau và gây chấn thương nặng khi xảy ra va chạm giao thông.

Thay đổi một số bộ phận trên xe

Điều này có thể khiến hoạt động của túi khí không hiệu quả. Chẳng hạn, khi bạn lắp thêm cản bên ngoài bộ cản trước ô tô nguyên bản, thông tin được truyền tới bộ cảm biến lắp ở cản trước để đo lực tác dụng không đủ, có thể khiến túi khí không bung hoặc có bung nhưng chậm hơn, không đảm bảo được an toàn cho người dùng.

Hoặc có thể kể đến nhiều chủ xe muốn lắp bọc ghế mới cho xe của mình nhưng việc lắp bọc ghế có thể khiến túi khí bên được trang bị trên xe bị cản trở dẫn đến không bung hoặc khó bung khi có va chạm.

Sử dụng nhiều vật trang trí trên bảng táp lô

Các tài xế có thói quen đặt đồ vật trang trí trên bảng táp lô trong khoang cabin. Tuy nhiên, việc làm này tiềm ẩn nhiều nguy cơ chấn thương cao khi xảy ra va chạm. Bởi khi có va chạm, mọi đồ vật trong xe, đặc biệt là đồ vật cứng đều có thể gây nguy hiểm.

Khi túi khí bung ra với tốc độ nhanh, lực rất mạnh có thể khiến những đồ trang trí này văng trúng tài xế và hành khách trong xe, gây nên chấn thương không đáng có.

Tác giả: An Dương (T/h)

Nguồn tin: vietq.vn

  Từ khóa: túi khí ô tô , túi khí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok