Giáo dục

Tràn lan giấy khen mỗi mùa bế giảng: Đã lỗi thời, cần thay đổi thế nào?

Nhiều chuyên gia mong muốn, Bộ GD&ĐT có thêm cách khen thưởng mới, phù hợp với độ tuổi và việc học của học sinh, tránh lạm dụng giấy khen tràn lan mỗi mùa bế giảng.

TS Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục, nguyên giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, kết thúc năm học, không ít trường phát giấy khen như tờ rơi quảng cáo. Lớp học có mấy chục học sinh, phần lớn sẽ nhận giấy khen nhiều loại khác nhau. Giấy khen được phát tràn lan với đủ loại danh hiệu.

TS Hương cho rằng, những câu chữ khen thưởng trong giấy khen nhiều khi không phù hợp. Rất nhiều học sinh mới "chân ướt chân ráo" đến trường, được nhận "giấy khen toàn diện". Trường đã không thể đào tạo mọi mặt cho học sinh, nhiều môn còn không được xem là tiêu chí quan trọng để đánh giá như Âm nhạc, Mỹ thuật. Rõ ràng, lời "khen toàn diện" hơi khiên cưỡng và phiến diện.

"Lời khen vượt trội ở môn nào đó còn kỳ lạ hơn nữa. Em đó vượt trội so với mặt bằng đánh giá nào, tiêu chí đánh giá ra sao, chẳng ai biết. Đôi khi, trẻ nhận được giấy khen chỉ để... nhận giấy khen", TS Hương nói và đề xuất, giấy khen rõ ràng đã vật lỗi thời đối với cấp giáo dục tiểu học sau khi Thông tư 22 được áp dụng. Bộ GD&ĐT cần xem xét lại việc khen thưởng học sinh một cách phù hợp hơn.

Giấy khen đang được phát tràn lan với đủ loại danh hiệu.

Hiện Bộ GD&ĐT đang trong quá trình hoàn thiện dự thảo các quy định mới về khen thưởng đối với học sinh phổ thông thay cho các nội dung đang được quy định tại điều lệ nhà trường các cấp học và văn bản liên quan khác.

Ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT cho biết, trong dự thảo các quy định mới yêu cầu cuối năm học, hiệu trưởng nhà trường căn cứ đề nghị của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng học sinh để xem xét, tặng giấy khen cho học sinh, đảm bảo các điều kiện nhất định.

Cụ thể, học sinh đảm bảo một trong các điều kiện sau sẽ được xem xét, tặng giấy khen: Hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện (đối với cấp tiểu học), học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi (đối với cấp THCS, THPT); học sinh có thành tích vượt trội hay tiến bộ vượt bậc về ít nhất một môn học hoặc năng lực, phẩm chất; học sinh có nhiều đóng góp cho tập thể lớp, nhà trường và công tác Đoàn, Đội được giáo viên chủ nhiệm giới thiệu và tập thể lớp công nhận.

Học sinh có thành tích xuất sắc, đột xuất được hiệu trưởng nhà trường xem xét tặng giấy khen hoặc đề nghị các cơ quan, tổ chức khác xem xét, khen thưởng theo thẩm quyền.

Căn cứ quy chế chi tiêu nội bộ của nhà trường, Hiệu trưởng quy định mức thưởng (bằng tiền hoặc vật chất tương đương) kèm theo giấy khen đối với từng thành tích cụ thể đạt được của học sinh

Bên cạnh đó, các học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi Olympic cấp quốc gia, quốc tế các môn học; các cuộc thi cấp quốc gia do Bộ GD&ĐT chủ trì hoặc phối hợp tổ chức cũng sẽ được khen thưởng, kể cả việc đề nghị khen cao theo qui định.

Ông Linh cho hay, Bộ GD&ĐT đang chủ trì, phối hợp các Bộ ngành trình Chính phủ nghị định mới để thay thế quyết định 158 về chế độ khen thưởng đối với học sinh, sinh viên đạt giải trong các kỳ thi học sinh, sinh viên giỏi với mức cao hơn nhằm ghi nhận, vinh danh xứng đáng các thành tích của các em khi đạt các giải cao tầm cỡ châu lục, thế giới.

Quy định mới sẽ yêu cầu cao hơn so với nội dung cũ để hạn chế việc khen tràn lan, đảm bảo mục đích khen, tạo động lực cho học sinh.

Tác giả: Minh Khôi

Nguồn tin: Báo VTC News

  Từ khóa: bế giảng , giấy khen

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok