Du lịch

Thanh Hoá: Sẽ đề nghị UNESCO công nhận nhà sử học Lê Văn Hưu là Danh nhân Văn hoá Thế giới

Mới đây, làm việc với lãnh đạo huyện Thiệu Hoá, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hoá đã đồng ý chủ trương, giao Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với huyện Thiệu Hóa xây dựng hồ sơ, báo cáo cấp có thẩm quyền, trình UNESCO công nhận nhà sử học Lê Văn Hưu là danh nhân văn hoá thế giới.

Lăng mộ nhà sử học Lê Văn Hưu.


Lê Văn Hưu sinh năm Canh Dần, niên hiệu Kiến Trung thứ 6 (1230) đời vua Trần Thái Tông tại Kẻ Rỵ, tức giáp Bối Lý, sau đổi là xã Phủ Lý, huyện Đông Sơn, nay là thôn Phủ Lý Trung, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Mẹ của Lê Văn Hưu người họ Đỗ. Cha là Lê Văn Minh qua đời khi ông mới 4 tháng tuổi. Năm lên 9 tuổi, Lê Văn Hưu theo học ông thầy họ Nguyễn ở xã Phúc Triền (Kẻ Bôn). Năm 16 tuổi, được thầy yêu mến gả con gái lớn cho. Năm Đinh Mùi, niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình 16 (1247) đời vua Trần Thái Tông, mới 17 tuổi, ông thi đậu Bảng nhãn. Đây là khoa thi đầu tiên đặt lệ lấy tam khôi (tam khôi là 3 bậc đỗ đầu gồm Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa).

Tấm bia dựng năm Tự Đức thứ 20 (1867), khắc ghi tiểu sử và một bài minh ca tụng tài đức, sự nghiệp của nhà sử học Lê Văn Hưu.


Năm 24 tuổi, Lê Văn Hưu làm Hàn lâm viện Thị độc. Năm Nhâm Thân, niên hiệu Thiệu Long 15 (1272) đời vua Trần Thánh Tông, Lê Văn Hưu làm Hàn lâm viện học sĩ kiêm Quốc sử viện giám tu. Lê Văn Hưu hoàn thành bộ Đại Việt sử ký chép từ Triệu Vũ đế (208 đến 137 trước công nguyên) đến Lý Chiêu Hoàng (1224 - 1225), gồm 30 quyển, dâng lên, được vua khen ngợi.

Năm 45 tuổi, Lê Văn Hưu được thăng chức Thượng thư bộ Binh. Lê Văn Hưu là người tài đức đầy đủ, là thầy học của Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải (1241 - 1294). Cuối đời ông thường đi thăm phong cảnh khắp nơi, viết tập Địa cảo và còn khởi thảo tập Việt điện u linh. Lê Văn Hưu qua đời năm 1322, hưởng thọ 92 tuổi./.

Tác giả: Đức Thiện

Nguồn tin: tamnhin.trithuccuocsong.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok