Xe

Những người yêu Vespa đến lập dị

Cộng đồng đặc biệt của những người thích dòng scooter này ở Indonesia tự chế xe, có văn hóa riêng ít người hiểu.

Với hơn 85% dân số sở hữu xe scooter, Indonesia chỉ xếp sau Italy về cộng đồng mê xe Vespa. Hình ảnh những người đàn ông và cả phụ nữ điều khiển xe hai bánh len lỏi qua những con phố đông nghẹt đã trở nên quen thuộc ở quốc gia nhiệt đới này.

"Mọi người đều biết về xe Vespa, nhưng không ở trong nhóm mê xe thì không hiểu được chúng tôi là ai và chúng tôi đang làm gì", Delvis, một tay mê Vespa ở Indonesia, nói. Anh chàng còn được biết đến với "nghệ danh" đường phố là Blake Sharon.

Đối với họ, Vespa không chỉ là phương tiện, mà còn là lối sống, hay một cách để thể hiện cá tính phóng khoáng và có phần hoang dã.

Neo, một người mê xe từ Balaraja, thị trấn nhỏ ở tỉnh Banten, Java. Chiếc  Vespa chế từ cây của anh khá nổi tiếng trên Instagram. Trong 2016, Neo đã lái xe này khoảng 4.800 km.

Neo, một người mê xe từ Balaraja, thị trấn nhỏ ở tỉnh Banten, Java. Chiếc Vespa chế từ cây của anh khá nổi tiếng trên Instagram. Trong 2016, Neo đã lái xe này khoảng 4.800 km.

Xe scooter trở thành dấu hiệu đặc trưng của đường phố Indonesia từ những năm 1970, đến năm 2001 thì được sản xuất và phân phối tại Jakarta. Nhưng kể từ sau khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, không phải ai cũng đủ điều kiện để sở hữu phương tiện cá nhân khi giá của chúng tăng gấp 10 lần so với trước. Trong cái khó ló cái khôn. Với niềm đam mê cháy bỏng, họ đã tự chế xe Vespa từ tấm kim loại, chai nhựa, cành cây...

Tuy vậy, vẫn cần một thành phần bắt buộc trong thiết kế, đó chính là động cơ Vespa. "Một chiếc xe tự chế thường có sự đóng góp của rất nhiều người. Ngay cả khi tự lắp xe, điều cốt lõi là sự kết hợp với nhau, tìm ra các phương án, thử nghiệm cho đến khi hoàn thành. Chúng tôi cùng nhau lắp xe và cùng nhau lái chúng", Fauzi mới 18 tuổi nhưng đã rất đam mê xe cộ cho biết.

Văn hóa Vespa hiện đại bùng nổ ở Indonesia cách đây 16 năm. Hàng nghìn cộng đồng yêu xe lớn nhỏ được thành lập trên khắp cả nước. Vào dịp lễ hội Vespa, những chiếc cổ điển, hiện đại và cả xe "độ" hình thù chẳng giống ai lại xuất hiện dày đặc trên phố.

Chiếc Vespa tại sự kiện Java Rosok Extreme, sự kiện hàng năm ở Bekasi, Tây Java.

Chiếc Vespa tại sự kiện Java Rosok Extreme, sự kiện hàng năm ở Bekasi, Tây Java.

"Mỗi năm một lần, mỗi đảo lại tổ chức một sự kiện riêng. Các tay mê scooter đều mong chờ những sự kiện như vậy", Bang Reza, nhà tổ chức giải Java Scooter Rendezvous nổi tiếng của thành phố Java, cho hay. Giải ra đời từ năm 2008 và năm nay thu hút hơn 50.000 người tham gia.

Mỗi sự kiện là cơ hội để họ cùng nhau chia sẻ những trải nghiệm của chính mình trên hành trình rong ruổi cùng Vespa, hay sưu tầm các mẫu sticker mang phong cách đặc trưng của dân mê Vespa độ. Trong mỗi cuộc thi, người thắng cuộc thường được tặng cúp, hay đơn giản là những món đồ như Converse, giày da... Trong không gian chìm đắm của âm nhạc, các thành viên đến từ vùng đất và xuất thân khác nhau, đều cùng hòa chung một nhịp đập.

Đối với các tay mê scooter như Sasi, 29 tuổi, sự đoàn kết chính là điều thu hút anh đến với cộng đồng này. Để nhận diện một người mê Vespa, không thể không nhắc đến những chuyến đi dài mà chỉ anh chàng mang trái tim dũng cảm mới dám thực hiện. Dù có một số rủi ro như tịch thu phương tiện nếu bị cảnh sát bắt, luật pháp Indonesia vẫn "nương tay" với lối sống phiêu lưu này khi đưa ra quy định giao thông khá lỏng lẻo. Nhờ đó, những tay lái vẫn có thể băng băng qua con đường vắng vẻ về đêm bằng chiếc xe độ kỳ quái, không đăng ký mà không bị phát hiện.

Sashi tại một trạm xăng ở Bukittinggi, Tây Sumatra. Anh đến từ Jakarta sau khi chạy xe khoảng 1.500 km. Kế hoạch tiếp theo của Sashi là chạy tới đảo Sabang, cực tây của Indonesia. Tổng quãng đường hơn 4.800 km.

Sashi tại một trạm xăng ở Bukittinggi, Tây Sumatra. Anh đến từ Jakarta sau khi chạy xe khoảng 1.500 km. Kế hoạch tiếp theo của Sashi là chạy tới đảo Sabang, cực tây của Indonesia. Tổng quãng đường hơn 4.800 km.

Delvis từng thực hiện chuyến đi kéo dài 4 năm, đến tận những nơi xa xôi hẻo lánh nhất, từ Papua đến Sumatra. "Tôi từng tự hỏi mình, điều gì có thể khiến tôi tự hào về đất nước Indonesia. Khi đó, tôi đã nghĩ đó là cuộc bầu cử tổng thống năm 2014. Nhưng không hẳn là như vậy. Thứ tôi tìm kiếm là sự đa dạng và nền văn hóa hiếu khách của người dân nơi này".

Và đó cũng chính là những điều anh đã tìm thấy và cảm nhận trên hành trình này, khi được người dân làng Dayak chăm sóc sau một lần bị tai nạn. Minh chứng trong chuyến đi ấy không ai khác ngoài chiếc Vespa độ khá kỳ quái được gắn hộp sọ cá sấu, hươu, dê.

"Hộp sọ mang ý nghĩa của lòng trung thành, giống như chiếc xe này vậy. Chừng nào chưa chết đi, chúng vẫn sẽ đồng hành bằng sự trung thành. Trong những năm qua, chiếc xe này còn trung thành với tôi hơn cả con người", anh quả quyết.

Trên chuyến đi rong ruổi khắp đất nước, tài xế cũng nhận sự hỗ trợ từ mạng lưới các "căn cứ" riêng của cộng đồng. Các "căn cứ" này thường là lán, lều nhỏ được dựng một cách khéo léo để hoà lẫn với cảnh quan xung quanh. Đây không chỉ là nơi để họ ăn, nghỉ và giao lưu với nhau, mà còn là xưởng cơ khí nhỏ chuyên sửa chữa hoặc cung cấp phụ tùng thay thế.

Hình xăm của Delvis.

Hình xăm của Delvis.

Biết tin Delvis tới, tất cả thành viên cộng đồng Vespa sống ở khu vực này đều nhận được thông báo: "Hãy đến căn cứ, chúng ta có một vị khách Sumatra". Đó là sự chào đón nồng nhiệt mà anh không thể nào quên. Đêm đến, họ cao hứng chia sẻ những câu chuyện về cuộc đời bên ly rượu và khói thuốc lá.

Sau một thời gian, có thể là vài tháng hoặc vài năm, rong ruổi trên những cung đường, nhiều thành viên đã tự động rời nhóm để bắt đầu một cuộc sống ổn định hơn. Trách nhiệm và những ưu tiên cho cuộc sống có thể thay đổi, nhưng bất cứ ai từng là thành viên của cộng đồng Vespa đều thừa nhận rằng những chiếc xe luôn là người bạn trung thành nhất của họ.

Tác giả: Hoàng Anh

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok