Kinh tế

Hơn 850 tỷ đồng tiếp tục nâng cấp đường sắt Hà Nội - Vinh

Đường sắt Hà Nội - Vinh sẽ tiếp tục được nâng cấp trong giai đoạn 2022-2025 với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 850 tỷ đồng.

Ban QLDA đường sắt cho biết, Ban đã trình Bộ GTVT thẩm định và phê duyệt Dự án Cải tạo, nâng cấp đoạn Hà Nội - Vinh, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM.

Theo đó, dự án Cải tạo, nâng cấp đoạn Hà Nội - Vinh, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM có địa điểm xây dựng qua địa phận các tỉnh (thành phố): Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An.

Đường sắt Hà Nội - Vinh sẽ tiếp tục được cải tạo, nâng cấp với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 850 tỷ. Ảnh: Thi công cải tạo, nâng cấp đường sắt Hà Nội - Vinh gói 7.000 tỷ

Dự án có giá trị tổng mức đầu tư dự kiến hơn 854 tỷ đồng; Nguồn vốn đầu tư sử dụng ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Thời gian dự kiến thực hiện dự án trong 3 năm, giai đoạn 2022-2025.

Phạm vi thực hiện dự án thuộc khu đoạn đường sắt Hà Nội - Vinh, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM, có điểm đầu tại ga Hà Nội (Km000+000), điểm cuối tại ga Vinh (Km319+202), với tổng chiều dài khoảng 319km. Tuy nhiên, phạm vi đầu tư không bao gồm các hạng mục đã được đầu tư trong Dự án Cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM tại Quyết định ngày 17/12/2018 của Bộ GTVT, sử dụng vốn trung hạn 2016-2020 (thuộc gói 7.000 tỷ).

Về quy mô đầu tư dự án, thực hiện cải tạo, nâng cấp đường sắt quốc gia khổ 1.000mm với các hạng mục: Cải tạo, nâng cấp cầu yếu; Cải tạo kiến trúc tầng trên một số đoạn; Cải tạo bình diện các vị trí có bán kính đường cong nhỏ (R<400m) và một số hạng mục công trình bảo đảm khai thác đồng bộ (cống thoát nước, …); Xử lý điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt.

Cụ thể, về công trình cầu: Cải tạo, nâng cấp 10 cầu yếu; Công trình tuyến: Cải tạo, nâng cấp kiến trúc tầng trên (thay ray, tà vẹt, đá ba lát...) 8 đoạn, chiều dài khoảng 24km; Cải tạo bình diện tại 7 vị trí có bán kính đường cong nhỏ R<400m, chiều dài khoảng 7km. Cùng đó, xây dựng cầu đường bộ trên QL.45 vượt đường sắt tại vị trí đường ngang tại Km187+950 để xử lý điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt.

Riêng phần thông tin, tín hiệu, trên nền tảng hệ thống thông tin, tín hiệu đang khai thác trên tuyến, sẽ tiến hành cải tạo đồng bộ hệ thống thông tin, tín hiệu phù hợp với phương án cải tạo của các công trình: tuyến, cầu đường sắt, cầu đường bộ trong dự án.

Tác giả: Kỳ Nam

Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok