Giáo dục

Hàng trăm học sinh miền núi thấp thỏm trong những lớp học xuống cấp

Nhiều phòng học tại điểm trường Tiểu học ở huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa đang bị xuống cấp nghiêm trọng, giáo viên và học sinh hằng ngày đến lớp trong cảnh thấp thỏm, lo âu.

Cách trung tâm thành phố Thanh Hóa chừng 70km về phía Tây, điểm trường lẻ thuộc Trường Tiểu học Tân Thành 2 nằm cạnh những quả đồi ở bản nghèo xã Tân Thành, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Chúng tôi có dịp ghé thăm điểm trường nơi đây vào những ngày đầu năm học mới. Không chỉ thầy Lang Trọng Hưng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Thành 2 mà các giáo viên, phụ huynh, học sinh đều trăn trở về những khó khăn, thiếu thốn tồn tại suốt nhiều năm qua tại điểm trường này.

Hàng trăm học sinh thấp thỏm trong phòng học cứ mưa là dột

Thầy Lang Trọng Hưng cho biết, mặc dù là điểm trường lẻ nhưng số học sinh chiếm 1/2 tổng số học sinh của nhà trường. Hiện, điểm trường có 105 học sinh từ lớp 1 đến lớp 4 đang theo học tại đây.

Các em học sinh đa phần sinh sống ở thôn Thành Lợp - nơi có hơn 200 hộ dân đồng bào dân tộc Thái, thuộc diện khó khăn nhất xã Tân Thành. Nhiều năm qua, các em học sinh nơi đây phải đi học tập trong điều kiện thiếu thốn đủ bề.

"Có những em học sinh nhà cách điểm trường khoảng 6 kilomet, bố mẹ đi làm ăn xa, thương các em vất vả đến trường, có những hôm cô giáo phải đến tận nhà để đón học sinh. Ở nơi khó khăn, nghèo đói như thế này, nhiều lúc chúng tôi phải đến từng nhà học sinh động viên phụ huynh cho con em đến trường để học lấy con chữ. Học sinh không có tiền mua dụng cụ học tập, nhiều khi thầy cô phải kêu gọi bạn bè, nhà hảo tâm quyên góp từng cái bút, quyển vở, quần áo hỗ trợ các em", thầy Hưng tâm sự.

Theo thầy Hưng, khó khăn là vậy nhưng hầu hết các em học sinh của nhà trường đều chăm ngoan, chịu khó trong quá trình học tập.

Điểm trường lẻ Trường Tiểu học Tân Thành 2 đang bị xuống cấp nghiêm trọng (Ảnh: Thanh Tùng)

Trường có 5 phòng học kiên cố, tuy nhiên sau nhiều năm sử dụng đang bị xuống cấp (Ảnh: Thanh Tùng).

Dẫn chúng tôi đi thăm các lớp học, thầy Hưng cho biết, dãy phòng học này được xây dựng năm 2007 từ nguồn hỗ trợ của tổ chức thiện nguyện. Dãy nhà có 5 phòng học kiên cố, lợp mái tôn.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, các phòng học này đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Thậm chí, do thiếu phòng học, gần 20 học sinh khối 5 phải đến điểm trường chính để học.

"Nhìn các em học sinh và cô giáo hàng ngày phải học tập, giảng dạy trong những lớp học xuống cấp thật sự tôi thấy rất trăn trở. Vì điều kiện kinh tế khó khăn, địa phương kêu gọi cũng chỉ tu sửa một số hạng mục nhỏ lẻ, không thể đủ kinh phí để sửa chữa các hạng mục lớn. Khó khăn nhất hiện nay là phần mái lợp, do xuống cấp nên mùa hè nóng như đổ lửa, mùa mưa thầy cô phải vất vả tìm nơi tránh trú, mái dột toàn bộ lớp học", thầy Hưng chia sẻ.

Điểm trường có 105 học sinh đang theo học. Toàn bộ học sinh đều là con em vùng đồng bào dân tộc Thái, còn nhiều khó khăn, vất vả (Ảnh: Thanh Tùng).

Phần mái tôn đang bị xuống cấp, hoen rỉ (Ảnh: Thanh Tùng).

Gắn bó với bao thế hệ học trò suốt nhiều năm qua, cô Lương Thị Huyên, giáo viên điểm trường Tiểu học Tân Thành 2 cho biết, trường học xuống cấp khiến học sinh gặp rất nhiều khó khăn, vất vả trong quá trình học tập.

"Cứ mưa là dột, có những hôm lớp học dột quá phải cho các em nghỉ học, ngày nắng lớp học như lò hơi, nóng bức. Không chỉ thế, toàn bộ hệ thống điện chiếu sáng và quạt điện bị hư hỏng, ảnh hưởng đến quá trình dạy, học của giáo viên và học sinh nhà trường. Nhiều hôm nắng nóng 40 độ C, chúng tôi phải đem theo cả quạt đến lớp để dạy, vì quạt trần bị hỏng từ lâu nhưng chưa có kinh phí để thay", cô Huyên tâm sự.

Chiếc trống trường bị hư vẫn chưa có kinh phí thay trống mới (Ảnh: Thanh Tùng).

Phần mái tôn ngoài hiên phủ kín rêu phong (Ảnh: Thanh Tùng).

Cô Huyên còn nhớ nhất kỷ niệm trong năm học 2021-2022, một trận mưa lớn vào một đêm của tháng 9 đã khiến toàn bộ sách vở và trang thiết bị trong lớp học bị ướt.

"Sáng sớm đến lớp, vừa mở cửa ra lớp học tan hoang, nước mưa ướt sũng cả phòng học, toàn bộ sách vở và trang thiết bị dạy học bị ngấm nước mưa. Hôm đó tôi và các em phải đem sách vở ra sân phơi cho khô, mất nửa ngày mới tiếp tục vào lớp học được. Những lúc như thế tôi thấy thương các em nhiều lắm", nữ giáo viên nói.

Nền gạch ốp tại phòng học bị hư hỏng, bong tróc (Ảnh: Thanh Tùng).

Cũng theo cô Huyên, vì đặc thù miền núi còn nhiều khó khăn, phụ huynh chủ yếu đi làm ăn xa nên nhiều học sinh của nhà trường đến lớp trong điều kiện thiếu thốn đủ thứ, đặc biệt là đồ dùng học tập.

Hệ thống đèn điện chiếu sáng không còn hoạt động (Ảnh: Thanh Tùng).

Đưa tôi rời điểm trường lẻ, vị hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Thành 2 không giấu được những lo âu và trăn trở. Thầy Hưng cho biết, không chỉ lớp học xuống cấp, nhiều năm qua, điểm trường này còn thiếu một số phòng học và khu vệ sinh cũng đang bị hư hỏng nặng.

"Thông qua Báo Dân trí, nhà trường hy vọng bạn đọc, nhà hảo tâm giúp đỡ để có thể có kinh phí tu sửa lại lớp học khang trang và đảm bảo hơn, để mỗi năm học mới đến, các em học sinh đến trường trong niềm vui và sự hân hoan chứ không còn là nỗi lo âu, thấp thỏm như thế này nữa", thầy Hưng trăn trở.

Một gian phòng của giáo viên bị dột mỗi khi mưa đến (Ảnh: CTV).

Mọi đóng góp hảo tâm ủng hộ mã số 4624 xin gửi về:

1. Trường Tiểu học Tân Thành 2, xã Tân Thành, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

ĐT: 0853740999 - thầy Lang Trọng Hưng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Thành 2.

Tác giả: Thanh Tùng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok