Hoành tráng và thua lỗ
Báo cáo tài chính quý II (niên độ bắt đầu từ 1/4/2017) của Công ty cổ phần Thế giới số Trần Anh ghi nhận, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ của Trần Anh đạt xấp xỉ 776 tỷ đồng, giảm hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá vốn bán hàng được tiết giảm đáng kể nên lợi nhuận gộp tăng 22%, nhưng các khoản chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp lại đồng loạt tăng mạnh, khiến lỗ sau thuế của công ty lên đến 7,4 tỷ đồng.
Lũy kế doanh thu thuần nửa đầu năm nay đạt 1.825 tỷ đồng. Nhờ kết quả kinh doanh tích cực trong quý đầu tiên mà lỗ lũy kế sụt xuống còn gần 5 tỷ đồng, giảm đến 88% so với cùng kỳ.Tổng nợ phải trả xấp xỉ 556 tỷ đồng.
Các DN điện máy vẫn trên đà thua lỗ |
Theo nhận định của ban lãnh đạo công ty, thông tin thị trường liên quan đến thương vụ mua bán sáp nhập với Thế Giới Di Động đã gây ảnh hưởng đến tâm lý mua sắm của khách hàng. Đây là nguyên nhân khiến doanh thu sụt giảm, kéo theo khoản lỗ kể trên.
Tuy nhiên, qua báo cáo tài chính, có thể nhận thấy nguyên nhân quan trọng nữa gây ra thua lỗ cho Trần Anh là chi phí tài chính, bán hàng và quản lý DN tăng mạnh. Lý do là bởi công ty đã mở thêm nhiều điểm bán hàng trong thời gian ngắn. Tính từ đầu năm 2017, đến khi bán lại cho Điện Máy Xanh, Trần Anh đã mở thêm 10 siêu thị mới, nâng tổng số siêu thị trên cả nước lên con số 43.
Tuy nhiên, trên thị trường điện máy hiện nay, không chỉ có Trần Anh, mà một số DN khác cũng trong tình cảnh thua lỗ nhưng không công bố thông tin rộng rãi. Các DN này thời gian qua đã mở cả chục siêu thị mới, giống như Trần Anh.
Theo các DN bán lẻ điện máy, sau thời gian dài ảm đạm, từ cuối năm 2015, thị trường này đã có nhiều tín hiệu tốt. Tăng trưởng của các hệ thống điện máy lớn đều đạt từ 15% đến trên 20%. Sức mua tốt đã củng cố quyết tâm tái khởi động cuộc đua mở rộng hệ thống nhằm giành giật thị phần.
Các DN cho rằng, mở siêu thị điện máy mới không cần nhiều vốn. Với diện tích mặt bằng 1 siêu thị khoảng 2.000 m2, thì chi phí đầu tư xây dựng cơ bản khoảng 10-15 tỷ đồng, cộng với 5-7 tỷ đồng hàng bày mẫu, cùng các chi phí khác, số tiền bỏ ra nhiều chưa tới 30 tỷ đồng. Trong khi đó, lại được nợ tiền hàng các nhà cung cấp từ 10-45 ngày, hàng điện máy để lâu không lo hỏng hay hết hạn,... vì vậy, áp lực không lớn. Nếu vòng quay vốn nhanh thì kinh doanh điện máy vẫn khá tốt.
Tuy nhiên, với một số DN điện máy, thời gian qua đã không đạt vòng quay vốn nhanh như mong đợi khiến cho tình hình tài chính gặp vấn đề.
Tiết lộ trong giới kinh doanh cho biết, một số DN bán lẻ điện máy lớn còn cạn vốn, chi phí cho marketing cũng không còn. Trong khi đó, số nợ lại tăng lên cả trăm tỷ đồng, đang rất khó khăn. Mặc dù vậy, đã “đâm lao phải theo lao”, DN vẫn tiếp tục khai trương thêm một số siêu thị mới. Điều này càng khiến cho tình hình tài chính thêm khó khăn.
Nguy cơ đóng cửa, phá sản, theo bước các DN như Việt Long, Top Care trước đây hoàn toàn có thể xảy ra trong thời gian tới.
Thua lỗ kéo dài đến cạn vốn, một số DN điện máy tính chuyện tăng giá bán |
Nhấp nhổm tăng giá
Sau khi sáp nhập vào hệ thống Điện Máy Xanh, từ ngày 1/10/2017 hệ thống siêu thị Trần Anh đã có điều chỉnh giá bán nhiều mặt hàng. Phản ánh từ một số khách hàng và giới kinh doanh điện máy cho biết, giá bán nhiều sản phẩm tại Trần Anh đã tăng khoảng 5-10%.
Điều đáng nói là các DN bán lẻ điện máy khác cũng đang nhấp nhổm tăng giá theo. Một số DN điện máy cho hay đang xem xét điều chỉnh giá bán các sản phẩm tăng khoảng 5% để bù đắp thua lỗ.
Thời gian qua, thị trường điện máy cạnh tranh khốc liệt, các DN phải liên tiếp đại hạ giá, tung ra các chương trình “khuyến mãi khủng” để hút khách, giữ doanh số, khiến giá nhiều sản phẩm hạ thấp, kéo theo lợi nhuận xuống rất thấp.
Có DN doanh số bán đạt 4.000 tỷ đồng/năm nhưng lợi nhuận ròng chỉ 20 tỷ đồng, tương đương với 0,5%.
Tình trạng thua lỗ kéo dài hoặc doanh số cao khủng khiếp nhưng lợi nhuận quá thấp thậm chí không đáng kể đã khiến nhiều DN cạn vốn, thậm chí đã không ít DN phải phá sản.
Theo nhận định của các chuyên gia, sau khi thị trường được 'bình định' xong với sự phân chia thị phần một cách tương đối của các ông lớn thì cạnh tranh sẽ cân bằng hơn. Cuộc chiến 'dowm' giá, khuyến mãi để giành khách sẽ bị hạn chế tối đa, thay vào đó sẽ phát triển dịch vụ hậu mãi, chăm sóc khách hàng. Và tất nhiên, giá sẽ có sự điều chỉnh tăng lên một cách hợp lý để đảm bảo lợi nhuận.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định, tương lai gần, thị trường điện máy sẽ khó có sự xuất hiện của các DN mới, chủ yếu là xu hướng mua bán, sáp nhập. Một số DN sẽ “lớn” lên, một số không trụ được sẽ rời “cuộc chơi”. Trên thị trường không còn nhiều DN bán lẻ điện máy nữa, người tiêu dùng sẽ có ít sự lựa chọn hơn.
Tác giả: Trần Thủy
Nguồn tin: Báo VietNamNet