Bạn cần biết

Giảm ăn mặn để phòng ngừa ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày là tình trạng các tế bào trong dạ dày phát triển bất thường, mất kiểm soát dẫn đến hình thành các khối u.

Khi tiến triển nặng, khối u ác tính có thể lan rộng ra xung quanh và di căn đến nhiều cơ quan xa khác, gây nhiều tác động xấu đến sức khỏe, thậm chí là tử vong.

Ung thư dạ dày là một trong những bệnh ung thư đường tiêu hóa gặp phổ biến ở cả hai giới. Ung thư dạ dày đứng thứ 3 trong các bệnh ung thư thường gặp, ngày càng trở nên phổ biến bởi lối sống thiếu lành mạnh, ăn uống thiếu khoa học. Bệnh dễ di căn và gây tử vong cao vì triệu chứng ung thư dạ dày giai đoạn đầu rất mơ hồ và không đặc hiệu.

Nguyên nhân - các yếu tố nguy cơ của ung thư dạ dày

Yếu tố môi trường và chế độ ăn uống

Môi trường sống và chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng liên quan tới ung thư dạ dày. Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày gồm:

- Sử dụng hàm lượng muối cao trong thức ăn.

- Thức ăn có chứa hàm lượng nitrat cao.

- Chế độ ăn ít vitamin A, C.

- Những thức ăn khô, thức ăn hun khói.

- Thiếu phương tiện bảo quản lạnh thức ăn.

- Lạm dụng bia, rượu, thuốc lá...

Các thức ăn tươi, hoa quả tươi như cam, chanh, nhiều chất xơ, thức ăn giàu vitamin A, C, các yếu tố vi lượng như kẽm, đồng, sắt, magie, ... có tác dụng làm giảm nguy cơ mắc bệnh.

Vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP)

Vai trò của vi khuẩn HP trong ung thư dạ dày đã được chứng minh. Các nghiên cứu cho rằng nhiễm HP gây viêm niêm mạc dạ dày dẫn tới teo niêm mạc và dị sản ruột, loạn sản và cuối cùng là ung thư. Nhiễm HP làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày lên gấp 6 lần.

Yếu tố di truyền

Ước tính ung thư dạ dày có tính chất gia đình chiếm tỷ lệ 1-15% trong số người bệnh mắc ung thư dạ dày. Một số bệnh lý di truyền cũng làm tăng nguy cơ.

Các yếu tố khác

Các bệnh lý tại dạ dày cũng là nguyên nhân gây ung thư dạ dày. Nhiễm xạ cũng được coi là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày.

Dấu hiệu cảnh báo ung thư dạ dày


Bạn nên đi khám bác sĩ để được tư vấn và phát hiện bệnh kịp thời nếu thấy có những dấu hiệu dưới đây:

- Chướng bụng, đầy hơi: Triệu chứng này xuất hiện ngay từ giai đoạn đầu của bệnh ung thư dạ dày và tồn tại trong suốt quá trình mắc bệnh. Trên 70% người bệnh có biểu hiện này ngay từ đầu.

- Ợ chua, nóng ruột (nóng dạ dày): Đây là triệu chứng dễ lầm tưởng với căn bệnh đau dạ dày, viêm dạ dày nhưng bạn cũng không nên chủ quan với nó. Cảm giác khó chịu, nhâm nhẩm đau ở dạ dày, uống thuốc thấy giảm là đặc điểm của triệu chứng này.

- Sụt cân, mệt mỏi, thiếu máu: Nhiều bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi và không muốn ăn gì. Tình trạng này kéo dài khiến họ bị sút cân nghiêm trọng.

- Những bệnh nhân mắc bệnh thời gian dài, có thể xuất hiện hiện tượng xuất huyết đường tiêu hóa, biểu hiện như nôn ra máu, đại tiện phân đen, hoặc xét nghiệm tìm thấy hồng cầu trong máu.

- Triệu chứng khác: Nhiều bệnh nhân ung thư dạ dày vùng hang vị có thể thấy hiện tượng hay bị nôn ói và mắc nghẹn. Ung thư dạ dày có thể dẫn tới thủng dạ dày cấp, đau bụng, viêm phúc mạc. Một số trường hợp lại có biểu hiện tiêu chảy, táo bón, đau bụng dưới, sốt…

Những triệu chứng của bệnh ung thư dạ dày giai đoạn cuối thường rất rõ ràng nên người bệnh rất dễ nhận biết. Nhưng lúc này thì dường như đã quá muộn bởi khối u đã di căn khó có thể cứu chữa. Do đó người bệnh nên lắng nghe cơ thể mình để đi khám kịp thời.

Chế độ ăn giảm muối để phòng ngừa ung thư dạ dày

Theo Viện Dinh dưỡng, mối liên quan giữa lượng muối trong khẩu phần với sự gia tăng nguy cơ của ung thư dạ dày đã được biết đến từ lâu. Trong ung thư dạ dày, vi khuẩn HP là yếu tố nguy cơ chính, do loại vi khuẩn này gây nên viêm mạn tính ở dạ dày và tạo thành những ổ loét, dẫn tới ung thư hóa. Muối là yếu tố thúc đẩy hoạt động của vi khuẩn HP này.

Cụ thể, muối làm vi khuẩn HP phát triển nhanh hơn và hoạt động mạnh hơn, do đó làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Muối đồng thời còn hoạt động như một yếu tố kích thích viêm trên thành dạ dày, làm thành dạ dày nhạy cảm hơn với các yếu tố gây ung thư khác. Nghiên cứu của tác giả D'Elia và cộng sự trên 270.000 người và theo dõi trong 6-15 năm cho thấy những người ăn nhiều muối tăng 68% nguy cơ ung thư dạ dày so với những người ăn ít muối hơn. Một nghiên cứu khác còn tìm thấy rằng với mỗi gam muối ăn thêm mỗi ngày thì nguy cơ ung thư dạ dày tăng thêm 8%.

Hiện nay chúng ta đang ăn quá nhiều muối, nhiều gấp đôi nhu cầu cơ thể cần. Do đó những người đã có nguy cơ về ung thư dạ dày cần xem lại lượng muối ăn hàng ngày của mình cẩn thận, tránh những thực phẩm chứa nhiều muối mà mình vẫn ưa thích.

Tác giả: Minh Nhật

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok