Thế giới

Cảnh sống chung với mùi hôi thối ở 'thành phố rác thải nhựa' Philippines

Những nhà máy tái chế rác là nguồn cơn gây ra mùi hôi thối và các bệnh về đường hô hấp cho người dân thành phố Valenzuela, Philippines.

Cảnh sống chung với mùi hôi thối ở thành phố rác thải nhựa Philippines

Làng Canumay West ở thành phố Valenzuela, Philippines là nơi xử lý phần lớn rác thải nhựa từ trong nước lẫn nhập khẩu. Ảnh: Guardian

Trời về trưa, người dân Valenzuela đang chuẩn bị ăn cơm thì mùi hăng của nhựa cháy tỏa khắp không gian khiến mọi người nhăn mặt rồi buông bát.

"Đến tối, chúng tôi càng bị ngạt thở. Chúng tôi phải đóng hết cửa sổ và trùm chăn kín mũi khi ngủ dù rất nóng", Rosalie Esplana, 40 tuổi, kể.

Valenzuela, nằm ngoại ô thủ đô Manila, được mệnh danh là "thành phố rác thải nhựa" của Philippines. Trong những con ngõ dột nát ở đây là những ngôi nhà nhỏ bị kìm kẹp giữa các nhà máy lớn đang liên tục xả khói. Cuộc sống của người dân còn bị ảnh hưởng bởi mùi hôi thối xuất phát từ nhà máy tái chế rác STC Enterprises mà họ cáo buộc là nguyên nhân khiến nhiều người bị ho kéo dài, dù chủ nhà máy bác bỏ.

Valenzuela chỉ là hình ảnh thu nhỏ của tình trạng ùn ứ rác mà nhiều nước Đông Nam Á đang phải đối mặt khi bị biến thành bãi rác thải nhựa của thế giới. Hồi tháng 5, Philippines đã trả lại 1.500 tấn rác cho Canada sau khi phát hiện hàng chục container được dán nhãn "rác tái chế" thực chất rác hỗn hợp, gồm cả giấy loại, rác thải nhà bếp và tã bỉm. Vấn đề này cũng xảy ra với số rác thải mà Philippines tiếp nhận từ Hàn Quốc, Australia và Hong Kong, khiến chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte phải cân nhắc đưa ra lệnh cấm nhập khẩu rác hoàn toàn.

Trẻ em chơi đùa với các cốc và bình nhựa bên ngoài một cơ sở phân loại rác ở làng Canumay West Ảnh: Guardian

Trẻ em chơi đùa với các cốc và bình nhựa bên ngoài một cơ sở phân loại rác ở làng Canumay West Ảnh: Guardian

Tại làng Cunumay West ở Valenzuela, rác thải từ nước ngoài ảnh hưởng đến đời sống của từng cá nhân. Cơ quan môi trường đô thị cho hay họ thường xuyên tổ chức các cuộc thanh tra sau khi được người dân phản ánh về mùi hôi xuất phát từ việc đốt rác thải nhựa.

"Chúng tôi phải kiểm tra xem liệu họ có tuân thủ các quy định về môi trường và sử dụng các thiết bị kiểm soát ô nhiễm không khí hay không", ông Rommel Pondevida, trưởng phòng tài nguyên và môi trường thành phố, cho biết.

Một phần lớn rác thải nhựa được tái chế ở các nhà máy tại Valenzuela có nguồn gốc từ nước ngoài, dù giới chức địa phương, trong đó có thị trưởng Rex Gatchalian gần đây mới thừa nhận điều này.

"Tôi nghĩ chúng tôi có đủ rác thải trong nước để xử lý, tái sử dụng và tái chế. Chúng tôi không cần rác thải từ bên ngoài", ông Gatchalian nói.

Số liệu của hải quan năm 2018 cho thấy Philippines đã nhập khẩu hơn 3 triệu kg rác thải nhựa tái chế chỉ riêng từ Mỹ. Rác tái chế ở các vùng công nghiệp như Valenzuela thường lẫn với rác thải chưa qua xử lý ở địa phương.

Trong khi người dân địa phương than phiền về chất lượng không khí, ngành công nghiệp nhựa ở Valenzuela cho hay cuộc tranh cãi về rác thải nhập khẩu, nhất là căng thẳng ngoại giao với Canada, đang đe dọa đến hoạt động kinh doanh của họ, thậm chí với cả các nhà tái chế hợp pháp.

"Chúng tôi đang làm những điều có ích cho môi trường mà? Chúng tôi hiểu rằng có nhiều vấn đề nhưng không ai nhắc đến tác động tích cực mà chúng tôi đang đóng góp cho xã hội cả", Sherwin Koa, quản lý của công ty Citipoly Industries, nói.

Koa lo ngại đề xuất lệnh cấm hoàn toàn tất cả các loại vật liệu nhựa tái chế sẽ khiến nhiều cơ sở tái chế rác thải phải đóng cửa. "Nếu chúng tôi không thể duy trì hoạt động thì chúng tôi cũng không thể xử lý được các vật liệu ở địa phương", Koa nói.

Thị trưởng Gatchalian tự hào rằng thành phố Valenzuela đang đóng vai trò lớn trong việc tái chế rác thải nhựa của Philippines và cho hay vấn đề nằm ở một số nhà tái chế "thiếu đạo đức".

"Quy định là chìa khóa. Nếu vấn đề vẫn tồn tại, các công ty sẽ bị đóng cửa. Tuần trước, tôi vừa đóng cửa một công ty tái chế", ông nói.

Cảnh sống chung với mùi hôi thối ở thành phố rác thải nhựa Philippines - 2

Bé Shantal, 5 tuổi, sống cách một nhà máy tái chế rác thải nhựa chỉ 100 mét. Ảnh: Guardian

Hai tháng sau khi các quan chức môi trường thị sát Cunumay West, người dân vẫn phải chịu đựng mùi hôi thối. "Mùi hôi thật kinh khủng", Benjamin Lopez, 50 tuổi, nói. "Có lần tôi bị đánh thức vào lúc 2h sáng. Tôi phải xịt nước hoa trong phòng. Mọi người thì phải thoa dầu dưới mũi".

Người dân tin rằng mùi hôi thối là nguyên nhân khiến bé Shantal Marcaida, 5 tuổi, bị viêm phổi và phải nhập viện. Hôm 1/7, trưởng làng Mario San Andres đã ra điều kiện cho chủ của STC Enterprises phải dọn sạch rác trong vòng hai tuần, nếu không sẽ bị tước giấy phép kinh doanh. Tuy nhiên, trong cuộc họp với người dân và giới chức thành phố, chủ của công ty này là Wilson Uy cho rằng STC không chịu trách nhiệm hoàn toàn về mùi hôi và người dẫn vẫn tiếp tục phản ánh kể cả khi ông đã tạm dừng hoạt động.

Ông Uy phủ nhận việc tái chế rác thải nhựa khiến người dân mắc bệnh và cho hay công ty chỉ dùng nhựa địa phương. "Chúng tôi cũng sống ở đây. Chúng tôi cũng quý trọng cuộc sống của mình. Nếu có vấn đề gì, chúng tôi sẽ không thể sống ở đây nữa", ông nói.

Không có cách gì để người dân thoát khỏi mùi hôi ở "thành phố rác thải nhựa". Thị trưởng Gatchalian cho rằng giải pháp lâu dài là chuyển các nhà máy ra khỏi khu dân cư, nhưng trưởng làng San Andres muốn hành động ngay bây giờ.

"Chúng ta phải giải quyết những mối lo lắng này. Tôi cũng muốn người dân được hưởng cuộc sống lâu dài".

Tác giả: Anh Ngọc

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok