Hôm nay (26/10), tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội thảo luận về vấn đề kinh tế - xã hội tại hội trường. Trong đó, vấn đề biên chế giáo viên cũng nhận được sự quan tâm của các ĐBQH.
Đừng giảm biên chế một cách cơ học
Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin về vấn đề biên chế giáo viên, ĐBQH Tôn Ngọc Hạnh (Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước) cho rằng: “Tất cả các ngành đều phải bắt buộc, sắp xếp để làm sao cải thiện được đời sống cán bộ, công chức. Riêng với ngành giáo dục, tôi thấy đúng như nhiều đại biểu đã nhận định chúng ta không nên giảm một cách cơ học. Cứ sáp nhập lại hoặc là giảm trên số lượng. Trong khi đó, thực chất nhu cầu, nội dung giảng dạy vẫn yêu cầu cần phải có giáo viên.
Tôi chỉ đơn cử, như cử tri ở địa phương tôi phản ánh vấn đề giáo viên mầm non phải giảm không nằm trong biên chế. Bây giờ làm hợp đồng nhân viên nhưng để đào tạo những giáo viên mầm non cần yếu tố chuyên môn như phải biết về dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe… Nên tôi mong muốn trong quá trình tinh giản biên chế cần phải có lộ trình, quá trình thực hiện cũng cần phải phù hợp, hợp lý. Đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của cử tri. Cũng phải đảm bảo được công tác giáo dục được triển khai một cách đồng bộ và toàn diện”.
ĐBQH Tôn Ngọc Hạnh cho rằng trong việc tinh giản biên chế giáo viên, không nên tinh giản biên chế một cách cơ học. |
Trong dự thảo luật Giáo dục (sửa đổi) sẽ thảo luận ở kỳ họp này cũng có hai nội dung quan trọng là miễn học phí cho học sinh THCS và nâng chuẩn giáo viên mầm non. Đánh giá về đề xuất trong dự thảo này có khả thi hay không, ĐBQH Tôn Ngọc Hạnh nhận định: “Chính sách nâng chuẩn trình độ giáo viên mầm non tôi thấy rằng chính sách này là phù hợp, nên như vậy.
Bởi, giáo viên mầm non được cộng đồng rất quan tâm, vì các học sinh còn nhỏ, nên những người giảng dạy phải có kỹ năng, phải tâm lý, dỗ dành chăm sóc trẻ. Nhiều giáo viên không có kỹ năng nên mới xảy ra tình trạng bạo hành trẻ em một cách vô tâm mà xã hội lên án. Việc nâng chuẩn này là nâng chuẩn một cách toàn diện, chứ không phải nâng chuẩn ở góc độ đạo đức, chuyên môn. Tôi nghĩ điều này sẽ tương tác xã hội rất tốt, các đại biểu cũng sẽ hưởng ứng nội dung này.
Còn việc giảm học phí cho học sinh THCS, cá nhân tôi rất ủng hộ chính sách này. Tôi nghĩ trước mắt là nên làm ở những vùng khó khăn trước”.
Bất cập, không khả thi
Cũng liên quan đến vấn đề biên chế giáo viên, ĐBQH Hoàng Quang Hàm, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cũng cho hay ngành giáo dục đang gặp nhiều khó khăn, đội ngũ nhà giáo đang bị tác động bởi nhiều chính sách, trong đó có chính sách tinh giản biên chế.
“Nếu áp dụng tư duy giảm biên chế 10% với khối sự nghiệp, trong đó có lĩnh vực giáo dục là bất cập và không khả thi”, ĐBQH Hoàng Quang Hàm bày tỏ.
Từ lý do nêu trên, ĐBQH Hoàng Quang Hàm cũng cho rằng cần xem xét, tính toán và cách hiểu tường minh về vấn đề tinh giản biên chế.
Tác giả: Thanh Lam
Nguồn tin: Báo Người đưa tin