Thông tin xóa bỏ biến chế trong ngành giáo dục, thầy cô giáo sau này làm việc theo hợp đồng có vào có ra được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ công bố khiến dư luận hết sức quan tâm.
Xung quanh vấn đề này, có nhiều ý kiến còn băn khoăn, đặc biệt các câu hỏi đặt ra nếu như thầy cô giáo không còn thuộc diện biên chế thì vị trí vai trò của họ có bị sa sút trong xã hội?
Làm việc theo dạng hợp đồng lao động, đời sống của người giáo viên có ổn định, có phát sinh ra tiêu cực, cảm tính trong việc lựa chọn giáo viên?
Để hiểu sâu sắc hơn về vấn đề này, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có trao đổi với các Đại biểu Quốc hội đang dự kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 14.
Đại biểu Quốc hội Lưa Bình Nhưỡng (ảnh nguồn media.quochoi,vn). |
Theo Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội: “Giáo viên bây giờ theo luật viên chức, nhưng chúng ta đừng nghĩ rằng bỏ biên chế ra hợp đồng thì giảm đi vị thế của họ.
Vị thế của họ là người thầy theo Luật giáo dục, còn họ có là viên chức hay gọi là người làm theo hợp đồng thì vai trò của họ là nhà giáo, vẫn phải được tôn vinh”.
Vị Đại biểu này phân tích thêm: “Bởi vì, chúng ta coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, dù là giáo dục công lập hay tư thục đều là giáo dục và đó là sự công bằng.
Bây giờ, tất cả mọi đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước xác định như thế rồi nên vấn đề bỏ biên chế là để làm tăng thêm khả năng linh hoạt của các cơ sở đào tạo. Cũng chính là khả năng linh hoạt của người tham gia giảng dạy.
Hôm nay, tôi làm cho anh, đồng lương của anh tốt, khuyến khích tôi, tôi có thể làm. Hôm nay tôi di chuyển gia đình tôi đi chỗ khác thì tôi có thể cắt hợp đồng của tôi đi.
Rất đơn giản chứ không bó buộc, chúng ta cần tạo nên sự linh hoạt trong hệ thống giáo dục”.
Theo Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng: “Vấn đề quan trọng hiện nay là định hướng luôn luôn phải chính xác, phải bám sát được mục tiêu của chúng ta.
Tôi cho rằng, trước đây tôi còn làm giáo viên thì tôi cũng đã đồng tình với phương án này rồi. Tôi không mong muốn là mình cứ phải làm mãi và gọi giáo viên là công chức là không đúng.
Vì bên cạnh người có khả năng giảng dạy tốt, mang lại nhiều lợi ích cho người học và cho xã hội thì có những người ngồi đấy, dựa vào đấy mà lĩnh lương.
Thậm chí, lương còn cao hơn với những người có cống hiến lớn cho xã hội và điều đó không thể chấp nhận được.
Anh lên lớp có bài giảng không chất lượng, có nghĩa anh đã ăn một món ăn không thể chấp nhận được.
Có những người giảng bài, người ta chỉ muốn ngủ thôi, có những người chưa gì cả nghe đến tên không muốn đến dự lớp. Điều đó không thể chấp nhận được”.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh: “Xóa biên chế sẽ tăng tính cạnh tranh, người dạy luôn luôn rèn luyện để cho xã hội nhìn nhận mình, để xã hội họ thừa nhận khả năng của mình nếu không thì họ sẽ bị đào thải.
Giáo dục là quốc sách mà để mấy ông quốc sách như vậy là không thể chấp nhận được”.
Ở một góc cạnh khác, theo vị Đại biểu Quốc hội này: “Bản thân các cơ sở giáo dục cũng phải có chính sách chiêu hiền đãi sĩ, cũng phải có chính sách đãi ngộ tốt.
Một bộ môn chỉ cần một hai người thầy giỏi là nỗi tiếng toàn trường, thậm chí nỗi tiếng toàn quốc. Việc lựa chọn giáo viên giỏi không khác gì chọn một cầu thủ giỏi ngoại hạng.
Giáo viên giỏi không chỉ không chỉ biết đá và ghi bàn, họ còn biết cấu kết những người khác trong một đội bóng, nâng tầm đội bóng, nâng thương hiệu của nhà trường.
Thậm chí một giáo viên giỏi còn trên cả cầu thủ ngoại hạng. Bởi vì không chỉ đi đá mà còn đào tạo một đội ngũ tiếp theo nữa.
Đào tạo cho giáo viên mới và đào tạo thế hệ tiếp theo vô cùng quan trọng”.
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (ảnh nguồn media.quochoi.vn). |
Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc có ý kiến:
“Về lý thuyết bỏ biên chế giáo viên là một điều tôi rất ủng hộ. Điều này tạo nên động lực cho giáo viên phải tự ý thức về chất lượng để có vị trí, có thu nhập cao.
Cái khó nhất hiện nay cần có tiêu chí để đánh giá tổng thể. Nhà nước phải tạo được tiêu chí không nên để vấn đề này tùy thuộc vào các ông chủ, các trường. Cần có tiêu chí nào đó để đảm bảo sự công bằng, chuẩn mực của xã hội.
Vì cái gì có mặt trái của nó, mặt trái quá thì không kiểm soát được. Quản lý nhà nước nguy hiểm là mặt trái không kiểm soát được”.
Vị Đại biểu Quốc hội này cho biết thêm: “Chúng ta hoàn toàn tìm ra được cơ chế để điều chỉnh được và giám sát được.
Mặc dù, giáo viên không phải là biên chế nhà nước nhưng ký hợp đồng rồi có cơ chế bảo đảm để người ta thực sự đứng trên bục giảng là những người có chất lượng cao.
Cái lo lắng nhất là tính không ổn định trong đội ngũ giáo viên, kể cả người có chất lượng thì họ có quyền lựa chọn nơi làm việc tốt nhất nên dễ thay đổi môi trường.
Tính ổn định là tích cực với lợi ích của từng cá nhân, nhà nước. Tính ổn định rất cần thiết của nền giáo dục Việt Nam”.
Tác giả: Trinh Phúc
Nguồn tin: Báo Giáo dục Việt Nam