Trong tỉnh

Thọ Xuân (Thanh Hóa): Cần xác định rõ nguồn gốc đất để đền bù thỏa đáng cho người dân

Nhiều hộ dân thôn 8, xã Xuân Thắng (huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) bày tỏ sự băn khoăn, bức xúc trước việc hàng nghìn m² đất canh tác nằm trong diện giải phóng mặt bằng (GPMB) để làm tuyến đường Khu Công nghiệp Lam Sơn – Sao Vàng xác định sai nguồn gốc đất, dẫn tới việc giá đền bù không thỏa đáng.

Chính quyền nói đất Công ty quản lý, nhưng Công ty nói không phải

Phản ánh tới Báo Tài nguyên & Môi trường, các hộ dân thôn 8, xã Xuân Thắng cho biết: Diện tích đất để GPMB phục vụ làm đường Khu công nghiệp Lam Sơn – Sao Vàng được bố mẹ khai hoang, cải tạo và canh tác từ những năm 1978. Từ khi sử dụng đến nay, chúng tôi vẫn canh tác bình thường, trải qua hơn 40 năm các thửa đất trên không xảy ra tranh chấp đất, không có cơ quan nào quản lý và chúng tôi không phải đóng nghĩa vụ tài chính. Tuy nhiên, khi thực hiện đền bù GPMB, UBND xã Xuân Thắng đã xác định sai nguồn gốc đất, từ đó Hội đồng GPMB huyện Thọ Xuân áp giá đền bù thấp, không thỏa đáng.

Các hộ dân thôn 8, xã Xuân Thắng cho rằng cần xác định đúng nguồn gốc đất, từ đó việc áp giá GPMB mới hợp lý.

Ông Phạm Xuân Lý (hộ dân nằm trong diện GPBM), thôn 6, bức xúc cho biết: Rõ ràng các thửa đất của chúng tôi đều được khai hoang từ năm 1978, không có tranh cấp với ai, vậy tại sao UBND xã Xuân Thắng lại xác định nguồn gốc đất thuộc Công ty TNHH Lam Sơn– Sao quản lý, rồi từ đó áp giá bồi thường thấp. Không những thế, việc đo đạc diện tích đất của tôi ít hơn nhiều so với diện tích thực tế. Do đất canh tác phục vụ để làm đường, hiện giờ chúng tôi không có đất để sản xuất, trong khi đó giá đền bù GPMB lại quá thấp so với quy định, chúng tôi đã nhiều lần làm đơn yêu cầu xác định lại nguồn gốc đất, nhưng đến này vẫn chưa được giải quyết.

Ông Hoàng Minh Cửu, (Đại diện Công ty TNHH Lam Sơn – Sao Vàng) cho biết: Diện tích đất thuộc diện GPMB của các hộ dân thôn 8, trước đây là do các ông bà khai hoang, sau đó để lại cho con cháu canh tác, chứ không thuộc quản lý của Công ty TNHH Lam Sơn – Sao Vàng. Quá trình xác định nguồn gốc đất, Hội đồng GPMB huyện Thọ Xuân không tham khảo ý kiến của chúng tôi, nếu nói diện tích đất của họ thuộc quản lý của Công ty TNHH Lam Sơn - Sao Vàng là không đúng thực tế.

Trong cuộc họp ngày 12/04/2018 giữa Ban GPMB huyện Thọ Xuân, UBND xã Xuân Thắng và các hộ dân thôn 8 thuộc diện GPMB, đại diện Công ty TNHH Lam Sơn – Sao Vàng cũng thừa nhận phía Công ty không quản lý diện tích đất trên, không có hợp đồng ký kết đối với diện tích đất của các hộ dân thôn 8 nằm trong dự án làm tuyến đường Lam Sơn – Sao Vàng. Vậy Hội đồng GPMB huyện Thọ Xuân căn cứ vào đâu để cho rằng diện tích đất của các hộ dân thuộc đất Công ty TNHH Lam Sơn - Sao Vàng quản lý?.

“Phập phồng” giá đền bù GPMB

Bà Mạc Thị Bình, người dân thôn 6, cho biết: Cùng một thửa đất như nhau, nguồn gốc đất giống nhau, tại sao người dân thôn 7 lại được đền bù GPMB 50 triệu/sào, còn người dân thôn 8 lại thấp hơn rất nhiều, giá đền bù chúng tôi được thông báo giao động rất thấp chỉ từ 14-20 triệu/sào. Khi biết các dân thôn 8 không đồng ý với giá đền bù, UBND huyện Thọ Xuân đã thực hiện việc cưỡng chế vào dịp cận Tết 2019, trong khi đó họ không thông báo thu hồi đất, không thỏa thuận lại giá đền bù với chúng tôi.

Dự án tuyến đường Khu công nghiệp Lam Sơn – Sao Vàng sắp hoàn thành, nhưng người dân vẫn chưa nhận được tiền GPMB thỏa đáng.

Các hộ dân cho biết thêm: Trong quá trình đền bù GPMB, Hội đồng GPMB còn xác định sai đối tượng nằm trong diện GPMB. Thậm chí, UBND xã Xuân Thắng còn thông báo thu lại tiền đền bù GPMB của các hộ dân đã nhận 50 triệu/sào.

Qua tìm hiểu của Phóng viên, chỉ trong thời gian ngắn, giá bồi thường GPMB cho các hộ dân thôn 8 được thay đổi liên tục, đơn cử như hộ gia đình ông Phạm Xuân Lý: Cùng diện tích kiểm kê là 1.388.5 m², nhưng giá bồi thường lại chênh lệch, biến đổi thất thường, thấp nhất là 76,7 triệu và cao nhất là 94,2 triệu. Phải chăng việc áp giá bồi thường GPMB đối với nguồn gốc đất đang còn nhiều khuất tất?.

Cùng diện tích đất kiểm kê, nhưng giá bồi thường lại khác nhau.

Trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Cao Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Xuân Thắng, cho biết: Chúng tôi đã thông báo giá đền bù là 28 triệu/sào đối các hộ ở thôn 8 thuộc diện GPMB, nhưng họ không đồng ý. Còn về nguồn gốc đất, qua xác định thì toàn bộ diện tích đất của các hộ được đền bù thuộc quản lý của Công ty TNHH Lam Sơn – Sao Vàng (!?)

Nhưng khi Phóng viên đề nghị tiếp cận danh sách niêm yết công khai nguồn gốc đất và hồ sơ bồi thường GPMB cho các hộ dân được nhận 50 triệu/sào, thì ông Xuân lấy lý do là hồ sơ Hội đồng GPMB đang giữ.

Trong khi dự án đường Lam Sơn – Sao Vàng chuẩn bị đưa vào sử dụng, nhưng các hộ dân thôn 8 vẫn chưa nhận được tiền bồi thường GPMB thỏa đáng, vấn đề xác định rõ nguồn gốc đất còn nhiều khuất tất. Rất mong, UBND tỉnh Thanh Hóa sớm chỉ đạo các ban ngành liên quan để làm rõ sự việc trên, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân.
Báo Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin vấn đề này.

Tác giả: Thu Thủy - Đức Duy

Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường

  Từ khóa: GPMB , đền bù , Thọ Xuân , thanh hóa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok