Đại công trình chỉ trong 1 đêm
Ngày 22/11/2017, Quốc hội đã ra Nghị quyết số 52/2017/QH14 về chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020. Trong dự án này, đoạn qua tỉnh Thanh Hóa đi qua một số huyện như Tĩnh Gia, Nông Cống Đông Sơn, Hà Trung…
Tại huyện Tĩnh Gia, tuyến đường này sẽ đi qua 5 xã gồm Tân Trường, Phú Sơn, Tùng Lâm, Trường Lâm, Phú Lâm với 21 km. Số hộ nằm trong diện bị ảnh hưởng bởi dự án là 417 hộ. Hiện huyện này mới chỉ triển khai cắm tim đường, chưa có mốc chỉ giới, chưa thu hồi đất…
Hàng loạt công trình đua nhau mọc lên.
Thế nhưng, cho đến thời điểm này, tại xã Phú Lâm đã có 18 hộ dân trong vùng dự án không những thuê máy san lấp mặt bằng, cơi nới các công trình phụ mà còn xây dựng nhà không phép trên đất nông nghiệp với ý định trục lợi tiền đền bù khi dự án đi qua.
Theo ghi nhận, có 3 thôn thuộc xã Phú Lâm có dự án đi qua như Văn Sơn, Hợp Nhất, Thanh Tân thì đều có nhà xây dựng, cơi nới nhà cửa. Để tránh sự chú ý cũng như ngăn chặn của chính quyền địa phương, hầu hết các gia đình đều thuê thợ làm gấp rút trong đêm. Nhiều mảnh đất chỉ sau một đêm đã có một công trình mọc lên với đầy đủ mái tôn và tường bao xung quanh.
Vào sáng ngày 1/3, cơ quan chức năng bao gồm chính quyền xã Phú Lâm, đội quy tắc huyện Tĩnh Gia và công an huyện cũng đã có mặt tại thôn Thanh Tân để lập biên bản hàng loạt công trình chỉ trong 1 đêm đã bất ngờ xuất hiện. Tại đây, theo quan sát, rất nhiều hộ cũng đang lấy vật liệu xây dựng về để “manh nha” xây dựng công trình trên đất của gia đình.
Người dân xây dựng công trình ngay khi vừa có chủ trương dự án đường đi qua.
Được biết, dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam đoạn qua xã Phú Lâm với chiều dài khoảng 2,8 km đi qua với tổng số 180 hộ nằm trong vùng dự án, trong đó có 87 hộ thuộc diện di dời tái định cư.
“Vô cùng nan giải”!
Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Đức Nam, Chủ tịch UBND xã Phú Lâm xác nhận tình trạng trên. Ông Nam cũng cho biết, đây là tình trạng vô cùng nan giải trên địa bàn xã.
“Hiện đã có 18 hộ xây dựng mới cũng như trái phép các công trình trên đất ở và đất nông nghiệp. Chúng tôi cũng đã tuyên truyền rất nhiều về việc bà con không được tự ý xây dựng các công trình như nhà ở, quán ăn, tường bao, công trình phụ… trên địa bàn toàn xã, đặc biệt trong vùng có quy hoạch giải phóng mặt bằng, các dự án đã được Nhà nước phê duyệt, thế nhưng, nhiều hộ dân vẫn cố tình không chấp hành.
Vật liệu xây dựng mang về chuẩn bị cho việc xây dựng.
Họ bất chấp lệnh cấm của địa phương, cho thợ xây dựng vào ban đêm. Mới chiều qua, công trình này còn chưa có mà sáng hôm nay đã thấy xây tường bao và lợp tôn xong rồi” – ông Nam cho biết.
Cũng theo ông Nam thì đối với những công trình đã xây dựng trên đất ở thì chúng tôi yêu cầu đình chỉ, lập biên bản, báo cáo UBND huyện để có hướng xử phạt. Còn đối với những công trình trên đất nông nghiệp thì tuyên truyền các hộ dân tháo dỡ. Nếu họ vẫn không tháo dỡ thì buộc chính quyền địa phương phải vào cuộc để cưỡng chế.
Công trình này mọc lên chỉ trong vòng 1 đêm.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia cho biết: “Đây là dự án của Bộ GTVT chủ trì và là chủ đầu tư, đến thời điểm này họ mới chỉ giao cọc tim cho huyện chứ chưa giao cọc giải phóng mặt bằng. Tình trạng dân dựng nhà, cơi nới, tôi cũng đã cho anh em vào trong đó để xử lý rồi, chúng tôi rất cương quyết chỉ đạo xử lý dứt điểm tình trạng này”.
Tác giả: Bình Minh
Nguồn tin: Báo Dân trí