Bà Trần Thị Nhung chua xót khi nhìn tài sản gồm nhiều công trình nhà ở, nhà trọ, quán karaoke trên đất của gia đình bà bị cưỡng chế giải phóng mặt bằng với giá đền bù rẻ mạt |
Thông báo một đằng, đền bù một nẻo
Thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ dự án đường nối từ QL1A đến điểm đầu tuyến đường Đông Tây 4 đi Cảng Nghi Sơn. Ngày 25/01/2017, UBND huyện Tĩnh Gia ra thông báo thu hồi đất của gia đình bà Trần Thị Nhung (trú tại thôn Liên Sơn, xã Hải Thượng, Tĩnh Gia, Thanh Hóa). Theo đó, Quyết định này thống kê rõ diện tích thu hồi là 30.747,3m2, bao gồm các loại đất: Nuôi trồng thủy sản (NTS) thửa số 4: 10.334,6m2, thửa số 5: 182,7m2; Rừng sản xuất (RSX) thửa số 6: 9.133,8m2; Đất ở nông thôn (ONT) thửa số 7: 1.243,9m2 và thửa số 13: 10.852,3m2.
Thế nhưng, cuối năm 2017 và đầu năm 2018, UBND huyện Tĩnh Gia liên tiếp ra 5 Quyết định thu hồi đất của gia đình bà Nhung. Các quyết định này đều quy tất cả diện tích đất bị thu hồi đều là đất rừng sản xuất (RSX). Gồm các quyết định số: 6597/ QĐ-UBND; 6598/ QĐ-UBND; 6599/QĐ-UBND; 6600/QĐ-UBND ngày 1/11/2017 và hai quyết định số: 2245/QĐ-UBND ngày 13/4/2018. Vì vậy, phương án bồi thường, GPMB đối với gia đình bà Nhung bỗng chốc thay đổi khiến gia đình bà Nhung sửng sốt.
Bà Trần Thị Nhung cho rằng, đó là quyết định bất nhất, làm trái với nội dung thông báo ban đầu, làm mất đi quyền lợi, lợi ích hợp pháp của công dân trong việc thu hồi GPMB thực hiện dự án. “Việc UBND huyện Tĩnh Gia xác định hàng nghìn mét vuông đất ở, đất chăn nuôi, trồng trọt của gia đình tôi thành đất rừng sản xuất trong phút chốc khiến gia đình tôi bị sốc. Mấy chục năm gây dựng cơ nghiệp, bỗng chốc “bốc hơi”. Thông báo một đằng, đền bù một nẻo như vậy có khác gì “lấy” không đất của gia đình tôi đâu”, bà Nhung nói.
“Gia đình tôi ở ổn định gần 30 năm rồi!”- bà Nhung nói và dẫn chứng cho điều này bằng tập tài liệu ghi chép lại nguồn gốc sử dụng đất từ xa xưa. Năm 1990, vợ chồng bà Nhung di cư đến thôn Liên Sơn, xã Hải Thượng khai hoang được hơn 30 ha đất để sinh sống, ổn định từ đó đến nay. Diện tích đất này trên Bản đồ địa chính đo đạc năm 1995 thể hiện là 26 ha đất rừng, còn lại là 2,547 ha đất lúa và 2,2377 ha đất ở nông thôn (ONT). Suốt gần 30 năm qua, gia đình bà đã xây dựng nhà cửa, hàng quán, ao vườn để phát triển kinh tế gia đình. Khi các con trưởng thành, vợ chồng bà Nhung bắt đầu tách khẩu, chia đất ở cho các con.
“Năm 1991 khi đến đây khai hoang, gia đình tôi đã dựng một ngôi nhà tranh để ở trên thửa đất số 13. Đến năm 1998, vợ chồng tôi bắt đầu xây dựng nhà cấp 4 trên nền nhà cũ hiện tại tôi đang ở. Các con tôi cũng xây dựng hàng quán và hàng chục phòng trọ cho công nhân nhà máy lọc hóa dầu thuê. Quanh nhà đều có vườn cây ăn quả và ao hồ nuôi trồng thủy sản. Tính đến nay, gia đình tôi đã có gần 30 năm sử dụng đất ổn định. Tôi cũng đã chia đất cho các con, có xác nhận của UBND xã Hải Thượng. Hàng năm, gia đình tôi đều đóng thuế nhà đất đầy đủ, tất cả hóa đơn, chứng từ tôi vẫn giữ đây.
Vậy, tại sao UBND huyện Tĩnh Gia lại có thể xác định tất cả đất của gia đình tôi đang sử dụng là đất rừng sản xuất để bồi thường với giá rẻ mạt?”, bà Nhung nói.
Tờ bản đồ địa chính xã Hải Thượng đo đạc năm 1995 xác định diện tích đất bị thu hồi của gia đình bà Trần Thị Nhung gồm nhiều loại đất nhưng không được lấy làm căn cứ xác định |
Cần xem xét lại
Theo Quyết định giải quyết khiếu nại số: 3167/QĐ-UBND ngày 31/5/2018 của UBND huyện Tĩnh Gia đối với gia đình bà Nhung, huyện Tĩnh Gia đã căn cứ vào tờ bản đồ năm 1996 và Nghị định 02-CP ngày 15/01/1994 về việc giao đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp để xác định loại đất của gia đình bà Nhung đang sử dụng.
Theo đó, UBND huyện Tĩnh Gia đều công nhận gia đình bà Nhung đã khai hoang, sử dụng ổn định vào mục đích sản xuất lúa, màu từ những năm 1991 đến năm 2012 và không có tranh chấp. Năm 2012 do san lấp làm đường vào nhà máy Ferrocom đã làm khu vực đất lúa này bị ngập, trở thành diện tích đất mặt nước như hiện nay.
UBND huyện Tĩnh Gia cho rằng, gia đình bà Nhung đã được giao đất lâm nghiệp năm 1996, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) mang tên ông Trần Văn Thọ (chồng bà Nhung) trong sổ giao đất lâm nghiệp lập năm 1995, phê duyệt năm 1996.
Đồng thời, UBND huyện Tĩnh Gia cũng cho rằng, quá trình sử dụng đất, gia đình bà Nhung đã cải tạo, xây dựng nhà cửa kiên cố nhưng không bị lập biên bản vi phạm. Tuy nhiên gia đình bà Nhung chưa làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng. Vì vậy, UBND huyện Tĩnh Gia quyết định áp giá đền bù 100% cho gia đình bà Nhung là đất rừng sản xuất.
Căn cứ vào những tư liệu, báo cáo, nhận định của UBND huyện Tĩnh Gia, ngày 5/10/2018 UBND tỉnh Thanh Hóa cũng ra Quyết định số 3833/QĐ-UBND cho rằng các nội dung khiếu nại của gia đình bà Nhung không đủ cơ sở. Giữ nguyên quan điểm áp giá đền bù cho gia đình là Nhung là 100% đất rừng sản xuất.
Tuy nhiên, bà Nhung cho biết, việc giải quyết khiếu nại của UBND huyện Tĩnh Gia và UBND tỉnh Thanh Hóa không thỏa đáng, bỏ qua quyền lợi và lợi ích hợp pháp của gia đình bà, ảnh hưởng đến công tác, tiến độ GPMB thực hiện dự án đường nối QL1A đến cảng Nghi Sơn.
Để minh chứng cho nguồn gốc đất của gia đình bà gồm nhiều loại đất, bà Nhung đã đưa ra tờ bản đồ địa chính xã Hải Thượng đo đạc năm 1995. Theo đó, toàn bộ diện tích khoảng 22.377 m2 đất của gia đình bà thể hiện rõ nội dung có đất ở, đất trồng cây ăn quả, chứ không chỉ có đất rừng. Tại tờ bản đồ địa chính xã Hải Thượng đo đạc năm 2011 cũng thể hiện một phần đất của gia đình bà là đất ở nông thôn. Điều này, cũng minh chứng cho việc gia đình bà Nhung đã cư trú và xây dựng nhà ở ổn định từ năm 1991.
Thêm nữa, tại sổ mục kê tổng hợp diện tích và trích đo bản đồ địa chính khu đất (tờ bản đồ số 01/TĐBĐ, tỷ lệ 1/100 dự án: Mở rộng đường 513 khu kinh tế Nghi Sơn) do Công ty CP Trắc địa Tài nguyên và Môi trường Phương Hà đo vẽ tháng 1/2017, được Sở TNMT Thanh Hóa phê duyệt ngày 24/1/2017 tại xã Hải Thượng đều thể hiện các thửa đất số 07 và 13 của gia đình bà Nhung là đất ở nông thôn.
Ngoài ra, bà Nhung còn cho biết thêm rằng, quyết định thu hồi còn trái với thông báo ban đầu. Cụ thể, tờ bản đồ địa chính năm 1996 mà UBND huyện Tĩnh Gia lấy làm căn cứ, có nội dung thể hiện đất của gia đình bà Nhung là đất trồng rừng, nhưng nêu là đất hoang. Trong khi tờ bản đồ địa chính năm 1995 thể hiện rõ ranh giới diện tích đất làng bản và đất trồng rừng nhưng không được đưa vào làm căn cứ áp dụng. Vì thế, ngày 25/01/2017, UBND huyện Tĩnh Gia ra thông báo thu hồi đất, tại thửa số 13 có diện tích 22.377m2 bị thu hồi 10.852m2 đất ONT nhưng quyết định thu hồi lại xác định thửa số 13 chỉ có 18.014m2 và số diện tích thu hồi là 7.518m2.
Từ các tư liệu, dẫn chứng nêu trên, có thể thấy, gia đình bà Nhung đã khai phá và sử dụng đất ổn định từ năm 1990. Đất sử dụng ổn định liên tục, không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, đủ điều kiện để được cấp GCN QSĐ nếu như không bị thu hồi để thực hiện dự án.
Từ căn cứ nêu trên cho thấy, việc UBND huyện Tĩnh Gia tiến hành thu hồi hàng nghìn m2 đất của gia đình bà Nhung để thực hiện dự án cần phải căn cứ vào nguồn gốc đất, hiện trạng sử dụng để áp giá đền bù.
Thế nhưng, việc UBND huyện Tĩnh Gia vẫn quyết áp giá hơn 30 nghìn m2 đất của gia đình bà Nhung là đất rừng là chưa đúng với quy định pháp luật. Việc này không những bỏ loại quyền và lợi ích hợp pháp của công dân mà còn khiến khiếu kiện kéo dài, ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng, an sinh xã hội.
Để làm rõ sự việc này, ngày 6/3/2019 phóng viên Báo PLVN đã đến trụ sở UBND huyện Tĩnh Gia liên hệ công tác. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận nội dung làm việc, cho đến nay UBND huyện Tĩnh Gia vẫn chưa có bất cứ một thông báo, phản hồi nào về việc này.
Tác giả: Sinh Nguyễn – Hùng Anh
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam