Trong tỉnh

Chủ tịch xã lý giải việc “tạm giữ” hơn 400 triệu tiền đền bù đất của dân suốt 4 năm

Ông Bùi Ngọc Châu – Nguyên Chủ tịch UBND xã Hoằng Ngọc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa lên tiếng lý giải việc xã Hoằng Ngọc thời điểm ông này làm Chủ tịch đã “tạm giữ” hơn 400 triệu đồng tiền đền bù đất của dân suốt 4 năm qua.

Trước đó, như chúng tôi đã đưa tin, năm 2015, 29 hộ dân xã Hoằng Ngọc có đất nông nghiệp âm canh trên địa bàn xã Hoằng Đạo bị nhà nước thu hồi để giao cho công ty Cổ phần may Thịnh Vượng xây dựng xưởng may mặc. Công ty may Thịnh Vượng đứng ra thỏa thuận với các hộ dân có đất bị thu hồi về giá cả bồi thường để họ bàn giao mặt bằng cho dự án.

24 hộ dân trên địa bàn đã được chủ đầu tư phối hợp với chính quyền địa chi trả đầy đủ tiền bồi thường đất. Tuy nhiên, 5 hộ dân còn lại, cư trú tại thôn 9, xã Hoằng Ngọc từ đó tới nay (hơn 4 năm) vẫn chưa nhận được tiền đền bù. Tổng số diện tích đất của 5 hộ dân này bị thu hồi cho dự án là 38.000m2, tổng số tiền đền bù cho diện tích đất nói trên là hơn 442 triệu đồng.

Điều lạ là, số tiền trên lại bị UBND xã Hoằng Ngọc “tạm giữ”, đưa vào quỹ mà không chi trả cho người dân. Từ đó tới nay, các hộ dân trên đã kiến nghị, phản ánh, tố cáo lên các cấp chính quyền nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng và họ chưa nhận được tiền đền bù.

Trụ sở hành chính xã Hoằng Ngọc.

Mới đây, sau khi báo chí phản ánh, UBND huyện Hoằng Hóa thụ lý tố cáo của công dân đối với ông Bùi Ngọc Châu – Chủ tịch UBND xã Hoằng Hải (nguyên Chủ tịch xã Hoằng Ngọc) về nội dung “tạm giữ” tiền bồi thường đất của dân không trả thì chính quyền xã Hoằng Ngọc mới vội mời các hộ dân lên chi trả 300 triệu đồng.

Trao đổi với PV Báo Người Đưa Tin, ông Bùi Ngọc Châu đã lý giải về nguyên nhân “tạm giữ” tiền đền bù đất của dân.

Theo ông Châu, dựa trên sổ sách kế toán còn lưu tại xã, 5 hộ dân trên còn nợ UBND xã Hoằng Ngọc (HTX trước đây bàn giao lại) khoảng 2 tấn thóc từ trước năm 1992. Theo quy định của Nhà nước thời điểm đó, nếu hộ nào còn nợ từ 50 – 100kg thóc thì bị HTX và chính quyền “tạm giữ” 100m2 đất ruộng giao cho thôn quản lý, sử dụng. Khi nào họ thanh toán hết nợ cho chính quyền thì sẽ được nhận lại ruộng, nếu không thì thôn cho hộ khác thầu khoán để lấy sản phẩm làm công quỹ hoạt động.

Từ đó tới nay, 5 hộ dân trú tại thôn 9, xã Hoằng Ngọc (có 38.000m2 đất) bị thu hồi không thanh toán số nợ nói trên và cũng không có ý thức hợp tác với chính quyền để trả nợ. Đến thời điểm hiện tại, toàn bộ thôn 9, xã Hoằng Ngọc còn nợ UBND xã tới gần 100 tấn thóc (PV - theo tỷ giá năm 1992 so với hiện này thì là một số tiền rất lớn).

Năm 2015, 29 hộ dân trên địa bàn xã Hoằng Ngọc có đất xâm canh trên địa bàn xã Hoằng Đạo bị thu hồi để làm nhà máy may mặc. 24 hộ không có nợ thì UBND xã Hoằng Ngọc đã phối hợp với chủ đầu tư chi trả đầy đủ tiền đền bù. Còn 5 hộ dân còn lại, do đang có nợ nên Ban công tác mặt trận thôn 9 trực tiếp nhận tiền đền bù từ chủ đầu tư, rồi mang lên xã bàn giao khi nào họ thanh toán hết nợ thì sẽ chi trả.

Ông Bùi Ngọc Châu - Nguyên Chủ tịch xã Hoằng Ngọc trao đổi với PV.

“Số tiền 442 triệu đồng tiền đền bù đất của 5 hộ dân đang có nợ với xã được thôn bàn giao, tôi đã chỉ đạo cán bộ địa chính nhận, rồi giao cho kế toán lập sổ sách nhập vào khoản tạm giữ ở đó. Theo đề xuất của thôn 9, xã đã hỗ trợ thôn này 142 triệu đồng để làm giao thông nội đồng, 300 triệu còn lại theo chỉ đạo của huyện đã trả lại cho dân”, ông Châu cho hay.

Tuy nhiên, qua trao đổi, ông Châu thừa nhận, việc xã Hoằng Ngọc “tạm giữ” 442 triệu đồng tiền đền bù đất của 5 hộ dân còn nợ nhưng không xin ý kiến của huyện Hoằng Hóa.

Khi được hỏi vì sao trong suốt hơn 4 năm “tạm giữ” tiền của dân, chính quyền không mời các hộ dân để bàn phương án, quy đổi từ thóc ra tiền theo vật giả thời điểm hiện tại để họ thanh toán số nợ cũ. Nếu thanh toán xong nợ, còn thừa tiền bồi thường đất thì sẽ trả lại cho dân thì ông Châu cho hay “không thấy dân đề xuất” (!?).

Ông Châu cũng khẳng định, trước khi “tạm giữ” tiền của dân, ông đã có sự bàn bạc, thống nhất trong thường vụ Đảng ủy và tập thể UBND xã Hoằng Ngọc.

“Nếu những người có nợ không chịu thanh toán mà cũng được nhận tiền đền bù như các hộ khác thì dân họ không nghe cho. Cho dù thời điểm năm 1992 họ khó khăn nên không trả được nợ, nhưng từ đó tới nay đã mấy chục năm họ cũng không có ý thức trả nợ. Nếu công ty may không lấy đất làm nhà máy, không có tiền đền bù thì họ cũng không còn quan tâm đến số diện tích đất nói trên. Do xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân nên các hộ dân trên mới tố cáo tôi thôi. Hiện, nội dung tố cáo đoàn thanh tra của huyện đã làm việc với xã và yêu cầu tôi giải trình và sẽ có kết luận trong những ngày tới”, ông Châu nói.

Tác giả: Xuân Chinh

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok