Trong tỉnh

Thành phố Thanh Hóa xác định nguồn gốc đất, đền bù có đúng đối tượng?

Cho rằng, UBND phường Quảng Thắng; UBND thành phố Thanh Hóa xác định nguồn gốc đất, đền bù không đúng đối tượng nên vợ chồng ông Phạm Văn Bình – bà Đàm Thị Nhung (trú tại số nhà 02/39, phố 3, đường Đỗ Đại, phường Quảng Thắng, thành phố Thanh Hóa) liên tục gửi đơn, cầu cứu các cơ quan chức năng.

Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ban, ngành và các địa phương, Thanh Hóa đã thực hiện nhiều dự án trọng điểm, có tính chiến lược, qua đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở nơi mà dự án được thực hiện hoặc đi qua.

Quá trình thực hiện các dự án, bên cạnh sự vào cuộc rốt ráo của các cơ quan chức năng thì sự đồng thuận của người dân - nơi mà dự án được thực hiện hoặc đi qua có ý nghĩa hết sức quan trọng. Vì lẽ đó, chủ trương chung của Thanh Hóa là đảm bảo hài hòa các lợi ích giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, có những dự án, khi thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng đã gặp phải sự phản ứng dữ dội của người dân do việc kiểm kê, xác định nguồn gốc đất không rõ ràng. Dự án Khu nhà ở thương mại Nam đường Nguyễn Phục, phường Quảng Thắng, thành phố Thanh Hóa là một minh chứng điển hình cho vấn đề này.

Trong đơn gửi các cơ quan chức năng, vợ chồng ông Phạm Văn Bình – bà Đàm Thị Nhung (trú tại số nhà 02/39, phố 3, đường Đỗ Đại, phường Quảng Thắng, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) cho biết, ông bà là chủ sở hữu của 01 khu đất với diện tích gần 1000m2 tại Phố 3, phường Quảng Thắng, thành phố Thanh Hóa. Năm 2015, UBND thành phố Thanh Hóa tiến hành kiểm kê đền bù, thu hồi đất để thực hiện dự án nhưng không đền bù cho gia đình ông bà mà lại đền bù cho cá nhân, tổ chức khác.

Khu đất mà vợ chồng ông Bình - bà Nhung đang đòi quyền lợi

Theo xác minh, khu đất mà ông Bình - bà Nhung đang đòi quyền lợi tọa lạc tại phố 3, đường Đỗ Đại (phường Quảng Thắng, thành phố Thanh Hóa), cách khu nhà mà ông bà đang ở hiện tại khoảng 30m về phía Đông. Xung quanh khu đất này nhiều hộ dân đã xây nhà ở kiên cố. Trước kia, khu đất này còn có tên gọi khác là Ao ông Đại (tên bố đẻ ông Bình).

Theo trích lục bản đồ địa chính mà UBND thành phố Thanh Hóa cung cấp cho thấy, khu đất này có sự thay đổi về chủ sử dụng đất qua các thời kỳ. Cụ thể, bản đồ đo theo Chỉ thị 299 (Bản đồ 299) thì khu đất được thể hiện ở số thửa 157, tờ bản đồ số 02, diện tích là 1052m2, ký hiệu là đất ao; Địa chỉ khu đất là phố Yên Vệ 3, phường Quảng Thắng, thành phố Thanh Hóa; Chủ sử dụng đất là Hợp tác xã (tên đăng ký trong sổ mục kê).

Theo bản đồ đo vẽ năm 1994 (Bản đồ 364) thì khu đất được tách thành 02 thửa 527+529, tờ bản đồ số 03 (Trong đó, thửa 527 có diện tích 564m2, ký hiệu là đất 2LM; Thửa 529 có diện tích 210m2, ký kiệu là đất 2LM); Địa chỉ khu đất là phố Yên Vệ 3, phường Quảng Thắng, thành phố Thanh Hóa; Chủ sử dụng đất là Hợp tác xã (tên đăng ký trong sổ mục kê).

Trích lục bản đồ địa chính do UBND thành phố Thanh Hóa cung cấp

Theo bản đồ đo vẽ năm 2011 (bản đồ số) thì khu đất được chia thành 02 thửa 629+722, tờ bản đồ số 11 (Trong đó, thửa 629 không thể hiện trên bản đồ; Thửa 722 có diện tích 612,8m2, ký hiệu là đất BHK); Địa chỉ khu đất là phố Yên Vệ 3, phường Quảng Thắng, thành phố Thanh Hóa; Chủ sử dụng đất là Phạm Văn Sinh và UBND xã (tên đăng ký trong sổ mục kê).

Tuy nhiên, theo bản đồ đo vẽ năm 2011 (bản đồ số) mà Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa cung cấp thì khu đất được chia thành 02 thửa 692+722, tờ bản đồ số 11 (Trong đó, thửa 629 có diện tích 193,1 m2, ký hiệu là đất BHK; Thửa 722 có diện tích 612,8m2, ký hiệu là đất BHK). Địa chỉ khu đất là phố Yên Vệ 3, phường Quảng Thắng, thành phố Thanh Hóa; Chủ sử dụng đất là ông Phạm Văn Bình.

Như vậy, cùng bản đồ đo vẽ năm 2010 (bản đồ số), số liệu do hai cơ quan cung cấp (UBND thành phố Thanh Hóa và Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa) nhưng số thửa và chủ sử dụng khu đất lại có sự khác nhau?. Nếu căn cứ vào bản đồ đo vẽ năm 2010 (bản đồ số) mà Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa cung cấp thì rõ ràng, ông Phạm Văn Bình là chủ sử dụng của 02 thửa đất 692+722, tờ bản đồ số 11.

Trích lục bản đồ địa chính đo vẽ năm 2011 và sổ mục kê do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa cung cấp

Đáng chú ý, trước khi tiến hành kiểm kê, xác định nguồn gốc đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, UBND thành phố Thanh Hóa đã đo đạc, chỉnh lý chi tiết thửa đất thuộc các tờ bản đồ số 11, 17 bản đồ địa chính xã Quảng Thắng đo vẽ năm 2011 (Bản đồ đo đạc chỉnh lý số 183/ĐĐCLBĐ, tỷ lệ 1/1000 ngày 23/7/2015).

Theo bản đồ này, thửa đất mà vợ chồng ông Bình – bà Nhung đã được chia tách thành 3 thửa, chủ sử dụng đất của các thửa đã có sự thay đổi. Thửa 692, diện tích 110,4m2 do bà Lê Thị Quỳ quản lý sử dụng; Thửa 692-1, diện tích 160,1m2 do bà Lê Thị Nhiên quản lý, sử dụng; Thửa 722, diện tích 654,5m2 là đất vắng chủ.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Bình cho biết, khu đất mà vợ chồng ông đang đi đòi quyền lợi là do bố đẻ của ông – ông Phạm Văn Đại để lại, được sử dụng ổn định, không tranh chấp với bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.

“Năm 2012, do kinh tế khó khăn vợ chồng tôi đi vào miền Nam làm ăn. Năm 2017, khi vợ chồng tôi về thì mới tá hỏa khu đất đã được kiểm kê, đền bù cho người khác. Tôi cho rằng, căn nguyên của vấn đề xuất phát từ việc đo đạc, chỉnh lý bản trích lục bản đồ địa chính theo hiện trạng sử dụng đất năm 2014 của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thành phố Thanh Hóa.

Bản đồ đo đạc chỉnh lý số 183/ĐĐCLBĐ, tỷ lệ 1/1000 ngày 23/7/2015 của UBND thành phố Thanh Hóa

Tại thời điểm năm 2014, do vợ, chồng tôi đi làm ăn xa nên không nhận được bất cứ thông tin gì về việc đo đạc, chỉnh lý này, cơ quan có thẩm quyền cũng không có bất cứ thông báo nào cho vợ chồng tôi biết. Nhân lúc vợ chồng tôi không có mặt tại địa phương, cán bộ Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thành phố Thanh Hóa đã đo đạc, chỉnh lý, tự ý chia tách thửa đất 692 cho 02 người khác, đưa thửa đất 722 vào diện đất vô chủ. Trong khi đó bản đồ đo vẽ năm 2010 chính tôi là chủ sử dụng của 02 thửa đất 692+722. Việc làm không trong sáng của cán bộ Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thành phố Thanh Hóa, cán bộ phường Quảng Thắng đã xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình tôi. Tôi sẽ có đơn tố cáo một số đối tượng này”.

Trả lời câu hỏi tại sao không căn cứ vào bản bản đồ đo vẽ năm 2010 (bản đồ số) để thu hồi đất? lãnh đạo Ban QLDAĐTXD số 1 trực thuộc UBND thành phố Thanh Hóa cho biết, do bản đồ đo vẽ năm 2010 nhiều vị trí được đo, vẽ không chính xác, do đó trước khi thu hồi đất phải đo đạc, chỉnh lý lại.

Cũng theo ý kiến của lãnh đạo Ban QLDAĐTXD số 1, vấn đề cốt lõi nằm ở chỗ xác định nguồn gốc đất mà việc xác định nguồn gốc đất lại do UBND phường Quảng Thắng thực hiện.

Xung quanh câu chuyện vợ chồng ông Bình – và Nhung đi đòi quyền lợi, cơ quan có thẩm quyền tỉnh Thanh Hóa đã ban hành một số văn bản trả lời đơn đề nghị, khiếu nại của ông bà. Tuy nhiên, một số những nội dung cấp có thẩm quyền trả lời chưa rõ ràng, hoặc chưa đề cập trong các văn bản trả lời.

Báo điện tử Tầm nhìn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!

Tác giả: Thành An

Nguồn tin: tamnhin.net.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok